“Everything is f*cked: A Book About Hope” là một cuốn sách của tác giả Mark Manson, được xuất bản vào năm 2019. Trong cuốn sách này, Mark Manson khám phá chủ đề về cuộc sống và tâm lý học, ông tập trung vào tình trạng hiện tại của thế giới và tình trạng tinh thần của con người.
Trong sách, Mark Manson đề cập đến việc chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những vấn đề khó khăn và những vấn đề tâm lý, và đưa ra những suy nghĩ về cách chúng ta có thể đối mặt với những thách thức đó. Ông khám phá các chủ đề như sự hy vọng, sự vô nghĩa, tình yêu, sự tồn tại và ý nghĩa của cuộc sống.
Cuốn sách này được viết với phong cách thực tế, chân thật, và không ngại sử dụng từ ngữ tục tĩu, thẳng thắn để truyền đạt thông điệp của mình. Từ đó, Mark Manson đã tạo ra một cuốn sách đầy cảm hứng, đáng đọc và đưa ra những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống và tâm lý con người.
Nếu bạn đã đọc cuốn “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” (The Subtle Art of Not Giving a F*ck) được viết vào 2016 và thấy thích thú, thì không thể bỏ lỡ cuốn tiếp theo này. Tuy nhiên, vì một số lý do nào đó mà độc giả Việt không có cơ hội mua bản tiếng Việt của cuốn sách này. Sau đây, bạn có thể tìm hiểu nội dung cuốn sách qua phiên bản rút gọn này. Nội dung đã được chắt lọc lại nhưng vẫn sẽ truyền tải đầy đủ những nội dung cốt lõi nhất.
Chương 1: Sự thật khó chịu
Nếu mà tôi làm việc ở Starbucks, thay vì ghi tên khách hàng lên ly cà phê của họ, tôi sẽ viết những dòng như sau:
Một ngày nào đó, bạn và tất cả những người mà bạn yêu thương đều sẽ chết đi. Và ngoại trừ một nhóm người rất nhỏ trong một quãng thời gian vô cùng ngắn ngủi, thì rất ít điều mà bạn nói hay làm sẽ trở nên quan trọng. Đó chính là Sự Thật Khó Chịu của cuộc sống. Chúng ta chỉ là những hạt bụi vũ trụ tầm thường, va vào nhau và tha thẩn trên một cái tinh cầu màu xanh nhỏ xíu. Chúng ta tự tưởng tượng ra tầm quan trọng của chính mình. Chúng ta tự tạo ra mục đích của chính mình – nhưng thực ra ta không là gì cả.
Thưởng thức ly cà phê chết tiệt của bạn đi nhé.
Có thể bạn nghĩ rằng, “Ôi, Mark này, tôi tin rằng tất cả chúng ta có mặt trên đời là vì một lý do nào đó, và chẳng có gì là ngẫu nhiên cả, và mọi người đều quan trọng bởi vì tất cả hành động của chúng ta đều ảnh hưởng tới một ai đó, và thậm chí nếu ta có thể giúp đỡ chỉ một người thôi, thì như thế vẫn có một giá trị nào đó, đúng không?”
Thấy không, chính là niềm hy vọng trong bạn đang lên tiếng đấy. Đó là câu chuyện mà tâm trí bạn dệt nên để khiến việc thức dậy vào mỗi sáng là xứng đáng: một thứ gì đó cần phải trở nên quan trọng bởi vì nếu như không có gì quan trọng, thì chả có lý do gì để sống tiếp cả. Và một vài thứ kiểu như lòng vị tha hay sự giảm bớt nỗi đau luôn là thứ mà tâm trí của chúng ta hướng đến để khiến cho mọi việc ta làm đều mang một giá trị nào đấy.
Tâm trí của chúng ta cần tới niềm hy vọng để tồn tại như là cá cần nước vậy. Hy vọng là nhiên liệu cho cỗ máy tinh thần của chúng ta. Thiếu hy vọng, toàn bộ hệ thống tinh thần của bạn sẽ bị đình trệ hoặc chết đói. Nếu như ta không tin rằng có một niềm hy vọng nào đó về việc tương lai sẽ tốt đẹp hơn hiện tại, rằng cuộc sống của chúng ta sẽ được cải thiện theo một cách nào đó, vậy thì ta đã chết về mặt tinh thần.
Xét cho cùng, nếu như không có hy vọng rằng mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn, vậy thì tại sao ta lại sống – tại sao ta vẫn còn tiếp tục làm bất cứ điều gì?
Đây là điều mà rất nhiều người không hiểu được: đối lập với hạnh phúc không phải là tức giận hay buồn bã. Nếu như bạn tức giận hay buồn bã, điều đó có nghĩa là bạn vẫn còn bận tâm đến một điều gì đó. Như thế có nghĩa là có một điều gì đó vẫn còn quan trọng. Có nghĩa là bạn vẫn còn hy vọng.
Không, đối lập với hạnh phúc là vô vọng, một đường chân trời xám xịt bất tận của sự cam chịu và thờ ơ.
Vô vọng là nguồn gốc của sự lo lắng, bệnh tâm thần, và trầm cảm. Nó là nguồn cơn của mọi bất hạnh và gây nên mọi chứng nghiện. Đây hoàn toàn không phải là một lời nói quá. Rối loạn lo âu là một cuộc khủng hoảng của hy vọng. Đó là nỗi sợ về một tương lai thất bại. Trầm cảm là một cuộc khủng hoảng của hy vọng. Đó là niềm tin vào một tương lai vô nghĩa. Ảo tưởng, nghiện ngập, ám ảnh – đều là những nỗ lực tuyệt vọng và mang tính cưỡng bức của tâm trí trong việc tạo ra hy vọng trong một khoảnh khắc loạn thần kinh hay trong thời điểm bị ám ảnh bởi lòng ham muốn.
Việc trốn tránh sự vô vọng – như là sự kiến tạo hy vọng – sau đó trở thành kế hoạch chính của tâm trí chúng ta. Tất cả những ý nghĩa, mọi điều mà chúng ta hiểu về bản thân mình và thế giới này, được xây dựng nhằm mục đích duy trì hy vọng. Do đó, hy vọng là điều duy nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều sẵn lòng để chết vì nó. Nếu không có nó, ta tin rằng mình chẳng là gì cả.
Khi mà con người ta luyên thuyên về việc cần phải tìm ra “mục đích cuộc đời” của mình, điều mà họ thực sự muốn nói là họ không còn rõ điều gì là quan trọng nữa, và làm thế nào để tận dụng quỹ thời gian eo hẹp của mình trên trái đất này – nói tóm lại, họ nên đặt hy vọng vào điều gì. Khi ấy, họ đang vật lộn để cố nhìn xem cuộc đời của mình nên như thế nào.
Đó mới là phần khó khăn: tìm ra câu chuyện của chính bạn. Nó khó là bởi vì chẳng có cách nào để biết chắc rằng bạn chọn đúng hay sai. Đó là lý do vì sao mà rất nhiều người tìm đến tôn giáo, bởi vì các tôn giáo thừa nhận trạng thái mơ hồ này và đòi hỏi đức tin khi đối diện với nó. Đó cũng có thể là một phần lý do của việc vì sao số người theo tôn giáo bị trầm cảm và tự vẫn lại ít hơn nhiều so với những người không theo tôn giáo: chính việc thực hành đức tin đã bảo vệ họ khỏi Sự Thật Khó Chịu.
Nghịch lý của sự tiến bộ
Chúng ta đang sống trong một thời đại thú vị mà nhìn chung mọi thứ đều tốt đẹp hơn nhiều so với trước đây, thế mà tất cả chúng ta đều dường như mất trí mà cho rằng thế giới này là một cái bồn cầu khổng lồ cần phải xối nước. Một cảm giác vô lý về sự vô vọng đang lan rộng khắp thế giới giàu có, phát triển. Đó chính là nghịch lý của sự tiến bộ: mọi việc càng trở nên tốt đẹp hơn, dường như chúng ta lại càng cảm thấy bất an và tuyệt vọng hơn.
Trong những năm gần đây, các tác giả như là Steven Pinker và Hans Rosling đã cho thấy chúng ta thật sai lầm khi cảm thấy bi quan đến thế, rằng mọi việc, thực ra, đang tốt hơn bao giờ hết và sẽ còn tiếp tục tốt hơn nữa. Sự tiến bộ, họ cho rằng, vẫn đang tiếp tục diễn ra, không hề bị gián đoạn, trong suốt lịch sử hiện đại. Con người được hưởng giáo dục và biết chữ nhiều hơn bao giờ hết. Bạo lực có xu hướng giảm trong nhiều thập kỷ, có thể là nhiều thế kỷ. Sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt đối xử, và bạo lực đối với phụ nữ ở vào mức thấp nhất trong lịch sử. Chúng ta có nhiều quyền lợi hơn bao giờ hết. Một nửa hành tinh được tiếp cận với internet. Nghèo đói ở vào mức thấp nhất từ trước đến nay trên toàn thế giới. Chiến tranh diễn ra ở quy mô nhỏ hơn và ít thường xuyên hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác được ghi lại trong lịch sử. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn, và mọi người sống lâu hơn. Có nhiều của cải hơn bao giờ hết. Chúng ta, dường như đã chữa trị được hàng loạt các loại bệnh tật.
Và họ đã đúng. Việc biết đến những điều này là rất quan trọng. Nhưng đọc những thông tin như thế cũng giống như việc ngồi nghe ông bác Larry của bạn lải nhải rằng hồi mà ổng bằng tuổi bạn mọi thứ còn tệ hại hơn nhiều. Dù cho ổng nói đúng, nó cũng chẳng khiến cho bạn cảm thấy tốt hơn trước những vấn đề của bạn.
Về cơ bản, chúng ta là những con người an toàn và thịnh vượng nhất trong lịch sử thế giới, vậy mà ta lại cảm thấy vô vọng hơn bao giờ hết. Mọi việc càng biến chuyển tốt đẹp hơn, ta dường như lại càng tuyệt vọng hơn. Đấy chính là nghịch lý của sự tiến bộ.
Hy vọng không quan tâm tới những vẫn đề đã được giải quyết. Hy vọng chỉ quan tâm tới những vấn đề vẫn cần phải giải quyết.
Để xây dựng và duy trì hy vọng, chúng ta cần tới ba điều: một cảm giác về sự kiểm soát, một niềm tin vào giá trị của một điều gì đó, và một cộng đồng. “Kiểm soát” có nghĩa là ta cảm thấy như thể ta đang làm chủ cuộc đời mình, rằng ta có thể tác động tới số phận của mình. “Các giá trị” có nghĩa là ta tìm thấy một điều gì đó đủ quan trọng để thực hiện, một điều gì đó tốt đẹp hơn, xứng đáng để ta cố gắng vì nó. Và “cộng đồng” có nghĩa chúng ta là một phần trong một nhóm người cùng coi trọng điều giống với chúng ta và hành động để đạt tới điều đó. Không có cộng đồng, chúng ta cảm thấy bị cô lập, và các giá trị của chúng ta không còn ý nghĩa gì nữa cả. Không có các giá trị, chẳng điều gì còn có vẻ xứng đáng để theo đuổi nữa. Và không có sự kiểm soát, chúng ta cảm thấy bất lực khi theo đuổi bất cứ điều gì. Mất đi một trong ba điều này, bạn cũng sẽ mất nốt hai điều còn lại. Mất đi một trong ba điều này, bạn sẽ mất đi hy vọng.
Chương 2: Tự chủ là một sự ảo tưởng
Bí ẩn những người vô cảm
Lý trí đã từ lâu được xem là thành tựu cao nhất của con người, ngược lại cảm xúc lại bị coi rẻ như là ngu ngốc và không tin cậy được. Nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu não bộ nhận ra rằng cảm xúc cũng có trí tuệ riêng của nó – và có tầm quan trọng sống còn.
Elliot Smith từng là một doanh nhân thành đạt, nhưng rồi một ngày cuộc sống của anh thay đổi hoàn toàn. Nó bắt đầu với những cơn nhức đầu và khó khăn trong tập trung tư tưởng, ngày càng trầm trọng thêm. Bác sĩ phát hiện trong đầu anh, ngay sau trán, có một khối u ung thư. Các nhà giải phẫu cắt đi khối u cũng như một phần của thùy trán, phần phía trước của vỏ não.
Ban đầu, lần giải phẫu này dường như đã thành công. Thế nhưng chẳng bao lâu sau đó người ta nhận thấy rằng Smith không còn như xưa nữa. Điều đó bắt đầu ngay từ buổi sáng: Anh chẳng buồn bước xuống giường, người ta phải hối thúc anh. Định thu dọn bàn làm việc, anh có thể trầm tư suy nghĩ hằng giờ rằng nên phân loại giấy tờ theo nguyên tắc nào. Anh bị cho thôi việc. Hôn nhân đổ vỡ. Cuối cùng anh lẫn lộn bất lực trong cuộc sống và phải được anh chị em chăm sóc.
Nhà thần kinh học Antonio R. Damasio biết đến người bệnh vào thời gian đó. Elliot Smith không hề có bất cứ vấn đề nào về trí nhớ, vị bác sĩ khẳng định, và trí thông minh của anh cũng trên mức trung bình. Chỉ sau nhiều lần nói chuyện và khám nghiệm nhà thần kinh học mới biết rằng Smith không phải thiếu trí thông minh hay kiến thức mà thiếu một thứ khác, và đó có thể là nguyên nhân cho thái độ cư xử phi lý của ông: Người đàn ông này vô cảm.
Một ngày nọ, một đồng nghiệp của Damasio đã in ra một loạt các bức tranh có những nạn nhân bị bỏng, những cảnh giết người khủng khiếp, những thành phố bị chiến tranh tàn phá và những đứa trẻ chết đói. Sau đó, ông ta cho Elliot xem từng bức ảnh một. Elliot hoàn toàn thờ ơ. Anh không cảm thấy gì.
Damasio phát hiện ra, vấn đề là: trong khi kiến thức và lý luận của Elliot vẫn còn nguyên vẹn, thì khối u và/hoặc cuộc phẫu thuật cắt bỏ nó đã làm suy yếu khả năng đồng cảm và cảm nhận của anh. Thế giới nội tâm của anh không còn ánh sáng và bóng tối mà thay vào đó là một chướng khí xám xịt vô tận. Anh đã trở thành một cỗ máy thờ ơ biết đi, biết nói. Và nếu không có khả năng đưa ra những đánh giá đúng đắn, để xác định điều gì là tốt hay xấu, thì dù anh ấy có thông minh đến đâu, Elliot cũng đã mất tự chủ.
Điều này khiến Damasio và các đồng nghiệp của ông bối rối. Tất cả chúng ta đều đã từng ước rằng mình không thể cảm nhận được cảm xúc, bởi vì cảm xúc của chúng ta thường khiến chúng ta làm những điều ngu ngốc mà sau này chúng ta sẽ hối hận.
Trong nhiều thế kỷ, các nhà tâm lý học và triết gia cho rằng làm giảm hoặc kìm nén cảm xúc của chúng ta là giải pháp cho mọi vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, đây là một người đàn ông hoàn toàn bị tước bỏ cảm xúc và sự đồng cảm, một người không có gì ngoài trí thông minh và lý luận, và cuộc sống của anh ta đã nhanh chóng biến thành một mớ hỗn độn. Trường hợp của anh ấy đã đi ngược lại tất cả những hiểu biết thông thường về việc ra quyết định hợp lý và tự kiểm soát.
Nhưng có một câu hỏi thứ hai, cũng gây bối rối không kém: Nếu Elliot vẫn thông minh và có thể suy luận theo cách của mình thông qua các vấn đề đặt ra cho anh ấy, tại sao hiệu suất công việc của anh ấy lại tụt xuống vực thẳm? Tại sao về cơ bản, anh ta lại từ bỏ gia đình khi biết rõ những hậu quả tiêu cực? Ngay cả khi bạn không quan tâm đến vợ hay công việc của mình nữa, bạn vẫn có thể lý luận rằng việc duy trì chúng vẫn quan trọng, phải không? Vậy tại sao Elliot lại không thể?
Bằng cách nào đó, do mất khả năng cảm nhận, Elliot cũng mất khả năng đưa ra quyết định.
Cảm xúc là một dạng “la bàn”
Cảm xúc, trong văn hóa phương Tây, không được đánh giá cao. Từ Platon qua Aristoteles cho đến những người của thời kỳ sau này, lý trí luôn được xem là vượt trội – ngược lại, cảm xúc bị coi rẻ như là sơ đẳng, ngu ngốc, không thể tin cậy được và nguy hiểm.
Trong vòng 20 năm vừa qua, sự đánh giá này đã trải qua một biến đổi sâu sắc. Các nhà thần kinh học hiện đã kết luận rằng cảm xúc không phải ngu ngốc và sơ đẳng mà có trí tuệ dưới hình thức riêng của nó. Chúng ta sẽ không hoàn hảo nếu như không có chúng. Hay nói ngắn gọn hơn: Không có cảm xúc thì con người không phải là con người.
Cảm xúc của chúng ta, như trường hợp của Elliot đã chỉ ra, giống như một cái la bàn. Chúng chỉ cho ta phải cư xử theo hướng nào. Chúng cho ta cảm nhận được cái gì là tốt và cái gì là xấu cho chúng ta, và dẫn chúng ta đi trong cuộc sống.
Hội chứng bí ẩn mang tên Cotard
Những người mắc phải hội chứng này tin rằng mình đã chết. Thỉnh thoảng họ lại lấy làm ngạc nhiên rằng tại sao mình chưa được chôn cất. Nguyên nhân gây ra hội chứng vẫn còn chưa rõ nhưng người ta phỏng đoán rằng ở các bệnh nhân này: sự cảm nhận qua các giác quan đã bị cắt đứt khỏi sự đánh giá cảm xúc trong não bộ.
Hậu quả: Không có gì trên thế giới này, không một sự kiện, không một va chạm tiếp xúc, không một loại âm nhạc nào còn có bất kỳ một ý nghĩa gì về cảm xúc cho họ nữa. Họ không còn sống trải nghiệm nữa mà chỉ ghi nhận. Các nhà tâm lý học cho rằng đó chỉ là một sự tưởng tượng điên rồ, thế nhưng đối với những người mắc phải bệnh này thì sự điên rồ đó là sự thật: ai bị cắt đứt ra khỏi thế giới cảm xúc, người đó bị cắt đứt khỏi cuộc sống.
Suy ngược lại thì điều đó có nghĩa là: tôi có cảm xúc, tức là tôi tồn tại.
Giả định cổ điển
Egas Moniz (bác sĩ người Bồ Đào Nha) phát hiện ra rằng nếu bạn chọn những người mắc chứng lo âu cực độ, trầm cảm muốn tự tử hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác (hay còn gọi là khủng hoảng hy vọng) và làm tổn thương bộ não của họ theo đúng cách, thì họ sẽ hết sức thư giãn.
Egas Moniz tin rằng phẫu thuật cắt thùy não, một khi đã hoàn thiện, có thể chữa khỏi mọi bệnh tâm thần và ông đã tiếp thị nó với thế giới như vậy.
Vào cuối những năm 1940, thủ thuật này đã thành công vang dội, được thực hiện trên hàng chục nghìn bệnh nhân trên khắp thế giới. Egas Moniz thậm chí sẽ giành được giải thưởng Nobel cho khám phá của mình.
Nhưng đến những năm 1950, người ta bắt đầu nhận thấy rằng việc đục một lỗ xuyên qua mặt ai đó và cạo não họ giống như cách bạn làm sạch băng dính khỏi kính chắn gió có thể tạo ra một số tác dụng phụ tiêu cực.
Mặc dù “chữa trị” cho bệnh nhân khỏi những đau khổ tột độ về cảm xúc, nhưng thủ thuật này cũng khiến họ mất khả năng tập trung, đưa ra quyết định, có sự nghiệp, lập kế hoạch dài hạn hoặc suy nghĩ trừu tượng về bản thân. Về cơ bản, họ trở thành những thây ma vô tư, không có ý thức. Họ đã trở thành những Elliot.
Hầu như luôn có một giả định ngầm rằng cảm xúc của chúng ta gây ra mọi vấn đề của chúng ta và rằng lý trí của chúng ta phải lao vào để dọn dẹp mớ hỗn độn đó. Dòng suy nghĩ này bắt nguồn từ Socrates, người đã tuyên bố lý trí là gốc rễ của mọi đức hạnh.
Vào đầu thời kỳ Khai sáng, Descartes lập luận rằng lý trí của chúng ta tách biệt với những ham muốn thú tính của chúng ta và nó phải học cách kiểm soát những ham muốn đó. Kant cũng nói như vậy. Freud cũng vậy. Và khi Egas Moniz mổ não bệnh nhân đầu tiên của mình vào năm 1935, tôi chắc rằng ông ấy đã nghĩ rằng mình vừa khám phá ra một cách để làm điều mà các triết gia đã tuyên bố là cần phải làm trong hơn hai nghìn năm: trao quyền lực cho lý trí kiểm soát các cảm xúc dữ dội, giúp con người cuối cùng lấy lại quyền kiểm soát được bản thân.
Giả định này (rằng chúng ta phải sử dụng lý trí để chế ngự cảm xúc của mình) đã tồn tại qua nhiều thế kỷ và tiếp tục định hình phần lớn nền văn hóa của chúng ta ngày nay. Hãy gọi nó là “Giả Định Cổ Điển”. Giả Định Cổ Điển nói rằng nếu một người vô kỷ luật, ngỗ ngược hoặc hiểm độc, đó là bởi vì anh ta thiếu khả năng khuất phục cảm xúc của mình, rằng anh ta có ý chí yếu đuối hoặc chỉ đơn giản là một kẻ khốn nạn. Giả Định Cổ Điển coi niềm đam mê và cảm xúc là những khiếm khuyết, những lỗi lầm trong tâm hồn con người cần phải khắc phục và sửa chữa trong bản thân.
Rõ ràng, không khó để thấy Giả Định Cổ Điển có thể dẫn đến một số suy luận tai hại như thế nào. Nếu Giả Định Cổ Điển là đúng, thì chúng ta nên có thể tự kiểm soát bản thân, ngăn chặn sự bùng nổ cảm xúc và động lực phạm tội, ngăn chặn cơn nghiện và cám dỗ chỉ thông qua nỗ lực tinh thần. Và bất kỳ sự thất bại nào trong việc làm như vậy đều phản ánh điều gì đó cố hữu bị lỗi hoặc hư hỏng bên trong chúng ta.
Đây là lý do tại sao chúng ta thường phát triển niềm tin sai lầm rằng chúng ta cần phải thay đổi con người của mình. Bởi vì nếu chúng ta không thể đạt được mục tiêu của mình, nếu chúng ta không thể giảm cân, không được thăng chức hay học được kỹ năng, thì điều đó cho thấy sự thiếu hụt nội tại nào đó.
Do đó, để duy trì hy vọng, chúng ta quyết định phải thay đổi bản thân, trở thành một người hoàn toàn mới và khác biệt. Mong muốn thay đổi bản thân này sau đó làm chúng ta tràn đầy hy vọng. Và chúng ta lại bắt đầu cuộc đua.
Chúng ta bám vào câu chuyện về kiểm soát bản thân này vì một nguồn hy vọng chính. Đó là niềm tin rằng chúng ta hoàn toàn kiểm soát được bản thân. Chúng ta muốn tin rằng việc thay đổi bản thân cũng đơn giản như việc biết phải thay đổi điều gì. Chúng ta muốn tin rằng khả năng làm một việc gì đó chỉ đơn giản là quyết định làm việc đó và tập trung đủ ý chí để đạt được điều đó. Chúng ta muốn tin rằng mình là người làm chủ vận mệnh của chính mình, có khả năng làm bất cứ điều gì chúng ta có thể mơ ước.
Đây là điều đã khiến khám phá của Damasio với Elliot trở nên quan trọng như vậy: nó cho thấy Giả Định Cổ Điển là sai. Nếu Giả Định Cổ Điển là đúng, nếu cuộc sống chỉ đơn giản là học cách kiểm soát cảm xúc của một người và đưa ra quyết định dựa trên lý trí, thì Elliot hẳn phải là một kẻ bất cần đời, cần cù không biết mệt mỏi và là một người ra quyết định tàn nhẫn. Nhưng phẫu thuật thùy não không hoạt động và cuộc đời của Elliot đã bị hủy hoại.
Thực tế là chúng ta cần nhiều hơn lý trí để đạt được sự tự chủ. Hóa ra cảm xúc của chúng ta là công cụ để đưa ra quyết định và hành động. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra điều đó.
Bạn có hai bộ não và chúng thực sự tệ khi nói chuyện với nhau
Bây giờ, có hai người du hành trong Cỗ Xe Ý Thức (The Consciousness Car) của bạn: Bộ Não Tư Duy (The Thinking Brain) và Bộ Não Cảm Xúc (The Feeling Brain).
Bộ Não Tư Duy đại diện cho những suy nghĩ có ý thức của bạn, khả năng tính toán và khả năng suy luận của bạn thông qua các lựa chọn khác nhau và diễn đạt ý tưởng thông qua ngôn ngữ. Bộ Não Cảm Xúc của bạn đại diện cho cảm xúc, sự thôi thúc, trực giác và bản năng của bạn. Trong khi Bộ Não Tư Duy của bạn đang tính toán lịch trình thanh toán trên bảng sao kê thẻ tín dụng của bạn, Bộ Não Cảm Xúc của bạn muốn bán tất cả mọi thứ và chạy trốn đến Tahiti.
Mỗi bộ não của bạn đều có điểm mạnh và điểm yếu. Bộ Não Tư Duy là tận tâm, chính xác và không thiên vị. Nó có phương pháp và sự hợp lý, nhưng nó cũng chậm chạp. Nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và năng lượng, và giống như cơ bắp, nó phải được hình thành theo thời gian và có thể trở nên mệt mỏi nếu gắng sức quá mức. Tuy nhiên, Bộ Não Cảm Xúc đi đến kết luận của nó một cách nhanh chóng và dễ dàng. Vấn đề là nó thường không chính xác và không hợp lý. Bộ Não Cảm Xúc cũng hơi giống nữ hoàng drama và có thói quen xấu là phản ứng thái quá.
Khi chúng ta nghĩ về bản thân và việc ra quyết định của mình, chúng ta thường cho rằng Bộ Não Tư Duy đang điều khiển Cỗ Xe Ý Thức của chúng ta và Bộ Não Cảm Xúc đang ngồi ở ghế hành khách hét to nơi nó muốn đến. Chúng ta đang lái xe, hoàn thành mục tiêu của mình và tìm cách về nhà, thì Bộ Não Cảm Xúc chết tiệt đó nhìn thấy thứ gì đó lấp lánh, gợi cảm hoặc trông vui nhộn và giật vô lăng theo hướng khác, do đó khiến chúng ta lao vào dòng xe cộ đang chạy tới, gây hại cho chúng ta.
Đây là Giả Định Cổ Điển, niềm tin rằng lý trí của chúng ta cuối cùng kiểm soát cuộc sống của chúng ta và rằng chúng ta phải rèn luyện cảm xúc của mình để ngồi yên và im lặng khi người lớn đang lái xe.
Nhưng Cỗ Xe Ý Thức của chúng ta không hoạt động theo cách đó. Khi khối u của Elliot được cắt bỏ, Bộ Não Cảm Xúc của anh ấy bị ném ra khỏi phương tiện tinh thần đang di chuyển, và điều này không hề tốt hơn. Trên thực tế, Cỗ Xe Ý Thức của anh ấy đã bị đình trệ.
Những bệnh nhân phẫu thuật thùy não bị trói Bộ Não Cảm Xúc của họ và ném vào thùng xe, và điều đó chỉ khiến họ trở nên buồn ngủ và lười biếng, không thể ra khỏi giường hoặc thậm chí không thể tự mặc quần áo trong phần lớn thời gian.
Đây là sự thật: Bộ Não Cảm Xúc đang điều khiển Cỗ Xe Ý Thức của chúng ta.
Bộ Não Cảm Xúc điều khiển Cỗ Xe Ý Thức của chúng ta bởi vì, cuối cùng, chúng ta chỉ được thúc đẩy hành động bởi cảm xúc. Đó là bởi vì hành động là cảm xúc.
Cảm xúc là hệ thống thủy lực sinh học đẩy cơ thể chúng ta chuyển động. Sợ hãi không phải là điều kỳ diệu mà bộ não của bạn phát minh ra. Không, nó xảy ra trong cơ thể chúng ta. Đó là sự siết chặt dạ dày, căng cơ, giải phóng adrenaline, khao khát mãnh liệt về không gian và sự trống rỗng xung quanh cơ thể bạn.
Trong khi Bộ Não Tư Duy chỉ tồn tại trong sự sắp xếp khớp thần kinh bên trong hộp sọ của bạn, thì Bộ Não Cảm Xúc là sự khôn ngoan và ngu ngốc của toàn bộ cơ thể.
Sự tức giận thúc đẩy cơ thể bạn di chuyển. Lo lắng kéo nó vào rút lui. Niềm vui làm bừng sáng các cơ mặt, trong khi nỗi buồn cố che khuất sự tồn tại của bạn.
Mọi vấn đề về tự chủ không phải là vấn đề về thông tin, kỷ luật hay lý trí mà đúng hơn là vấn đề về cảm xúc. Tự chủ là một vấn đề về cảm xúc; lười biếng là một vấn đề về cảm xúc; trì hoãn là một vấn đề cảm xúc; thành tích kém là một vấn đề về cảm xúc; bốc đồng là một vấn đề cảm xúc.
Điều này thật tệ. Bởi vì vấn đề tình cảm khó giải quyết hơn nhiều so với vấn đề logic. Có các phương trình giúp bạn tính toán các khoản thanh toán hàng tháng cho khoản vay mua ô tô của mình. Nhưng không có phương trình nào giúp bạn chấm dứt một mối quan hệ tồi tệ.
Các vấn đề về cảm xúc là phi lý, có nghĩa là chúng không thể giải thích được.
Và điều này đưa chúng ta đến một tin thậm chí còn tồi tệ hơn: vấn đề tình cảm chỉ có thể giải quyết bằng giải pháp tình cảm. Tất cả phụ thuộc vào Bộ Não Cảm Xúc.
Trong khi tất cả những điều này đang diễn ra, Bộ Não Tư Duy đang ngồi ở ghế phụ và tưởng tượng rằng nó hoàn toàn kiểm soát được tình hình. Nếu Bộ Não Cảm Xúc là người điều khiển chúng ta, thì Bộ Não Tư Duy là người định hướng. Nó có hàng chồng bản đồ đến hiện thực mà nó đã vẽ ra và tích lũy trong suốt cuộc đời. Nó biết cách quay lại và tìm các tuyến đường thay thế cùng đến được đích. Nó biết đâu là những ngã rẽ tồi tệ và đâu là lối tắt. Nó tự coi mình là bộ não thông minh, có lý trí và tin rằng điều này bằng cách nào đó mang lại cho nó đặc quyền kiểm soát Cỗ Xe Ý Thức. Nhưng, than ôi, nó đã sai. Như Daniel Kahneman đã từng nói, Bộ Não Tư Duy là “nhân vật phụ tưởng tượng mình là anh hùng.”
Cho dù đôi khi không thể chịu đựng được nhau, hai bộ não của chúng ta vẫn cần có nhau. Bộ Não Cảm Xúc tạo ra những cảm xúc khiến chúng ta hành động, và Bộ Não Tư Duy gợi ý nơi để thực hiện hành động đó. Từ khóa ở đây là gợi ý. Mặc dù Bộ Não Tư Duy không thể kiểm soát Bộ Não Cảm Xúc, nhưng có thể ảnh hưởng đến nó, đôi khi ở một mức độ lớn. Bộ Não Tư Duy có thể thuyết phục Bộ Não Cảm Xúc theo đuổi một con đường mới dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn, quay đầu lại khi mắc sai lầm hoặc xem xét các tuyến đường hoặc lãnh thổ mới từng bị bỏ qua. Nhưng Bộ Não Cảm Xúc rất bướng bỉnh, và nếu nó muốn đi theo một hướng, nó sẽ lái theo hướng đó bất kể Bộ Não Tư Duy cung cấp bao nhiêu sự kiện hay dữ liệu.
Cỗ Xe Hề (The Clown Car)
Bộ Não Cảm Xúc, dù tuyệt vời như thế nào, cũng có mặt tối của nó.
Nếu Bộ Não Tư Duy yếu kém và/hoặc không được đào tạo, hoặc nếu Bộ Não Cảm Xúc nổi giận, Bộ Não Tư Duy sẽ khuất phục trước những ý tưởng bất chợt nóng vội và trước hành động lái xe nguy hiểm của Bộ Não Cảm Xúc. Nó sẽ mất khả năng tự suy nghĩ hoặc đối kháng với kết luận của Bộ Não Cảm Xúc.
Cỗ Xe Hề luôn hướng tới sự nghiện ngập, lòng tự ái và sự ép buộc. Những người có tâm trí là Cỗ Xe Hề dễ dàng bị thao túng bởi bất kỳ người nào hoặc nhóm nào khiến họ luôn cảm thấy thoải mái cho dù đó là nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị gia, bậc thầy tự lực hay diễn đàn xấu trên internet.
Một số Cỗ Xe Hề chỉ đơn thuần là hướng tới niềm vui – tất cả chúng đều là về uống rượu, làm tình và tiệc tùng. Những người khác hướng tới quyền lực. Đây là những Cỗ Xe Hề nguy hiểm nhất, vì Bộ Não Tư Duy của họ bắt đầu hoạt động để biện minh cho việc họ lạm dụng và khuất phục người khác thông qua các lý thuyết nghe có vẻ trí thức về kinh tế, chính trị, chủng tộc, di truyền học, giới tính, sinh học, lịch sử, v.v. Cỗ Xe Hề đôi khi cũng sẽ theo đuổi sự ghét bỏ, bởi vì sự ghét bỏ mang lại sự hài lòng và tự tin kỳ quặc của riêng nó. Một tâm trí như vậy có xu hướng giận dữ tự cho mình là đúng, vì có một mục tiêu bên ngoài trấn an nó về sự vượt trội về mặt đạo đức của chính nó. Không thể tránh khỏi, nó đẩy mình đến sự diệt vong gây ra cho những người khác bởi vì chỉ có thông qua sự phá hủy và chinh phục thế giới bên ngoài, những cảm xúc vô tận bên trong của nó mới được thỏa mãn.
Thật khó để kéo ai đó ra khỏi Cỗ Xe Hề khi họ đã ở trong đó.
Ẩn dụ Cỗ Xe Hề là thứ đã truyền cảm hứng cho các triết gia cổ đại cảnh báo chống lại sự nuông chiều và tôn thờ cảm xúc quá mức.
Chính nỗi sợ hãi về Cỗ Xe Hề đã truyền cảm hứng cho người Hy Lạp và La Mã dạy về các đức tính tốt và sau đó là Nhà thờ Thiên chúa giáo để đưa ra thông điệp tiết chế và từ bỏ bản thân.
Cả các nhà triết học cổ điển và Giáo hội đều đã chứng kiến sự hủy diệt do những người nắm quyền tự ái và tự đại gây ra. Và tất cả họ đều tin rằng cách duy nhất để quản lý Bộ Não Cảm Xúc là tước đoạt nó, cung cấp cho nó càng ít oxy càng tốt, từ đó ngăn không cho nó phát nổ và phá hủy thế giới xung quanh. Suy nghĩ này đã sinh ra Giả Định Cổ Điển: rằng cách duy nhất để trở thành một người tốt là thông qua sự thống trị của Bộ Não Tư Duy đối với Bộ Não Cảm Xúc, sự ủng hộ lý trí thay vì cảm xúc, nghĩa vụ thay vì ham muốn.
Sự nuông chiều cảm xúc dẫn đến khủng hoảng, nhưng sự kìm nén cảm xúc cũng vậy.
Người phủ nhận Bộ Não Cảm Xúc của mình làm tê liệt thế giới xung quanh. Bằng cách từ chối cảm xúc của mình, anh ta từ chối đưa ra những đánh giá về giá trị, nghĩa là những quyết định về việc thứ này tốt hơn thứ khác. Kết quả là anh ta trở nên thờ ơ với cuộc sống và kết quả từ những quyết định của mình. Rốt cuộc, nếu không có gì quan trọng hơn hoặc kém quan trọng hơn, thì không có lý do gì để làm bất cứ điều gì. Và nếu không có lý do để làm bất cứ điều gì, thì tại sao ta lại sống?
Trong khi đó, người phủ nhận Bộ Não Tư Duy sẽ trở nên bốc đồng và ích kỷ, bóp méo thực tế để phù hợp với những ý tưởng bất chợt và ảo tưởng của anh ta, những thứ sau đó không bao giờ được thỏa mãn. Nỗi khủng hoảng của anh ta là cho dù anh ta có ăn, uống, thống trị hay làm tình bao nhiêu đi chăng nữa, nó sẽ không bao giờ là đủ.
Và với toàn bộ vấn đề đó: hãy nói chuyện với cả hai bộ não, tích hợp bộ não của chúng ta thành một tổng thể hợp tác, phối hợp và thống nhất. Chấp nhận cảm xúc của chúng ta và làm mọi việc cùng chúng thay vì chống lại chúng.
Nếu phản ứng của Bộ Não Cảm Xúc là tiêu cực, bạn chỉ cần thừa nhận cảm xúc tiêu cực đó và đưa ra một thỏa hiệp khác. Xem cách Bộ Não Cảm Xúc phản ứng.
Nhưng bất kể bạn làm gì, đừng chống lại Bộ Não Cảm Xúc. Điều đó chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Bạn sẽ không bao giờ giành chiến thắng. Bộ Não Cảm Xúc luôn lái xe. Vì vậy, tại sao bạn lại làm điều đó?
Cuộc đối thoại này với Bộ Não Cảm Xúc của bạn sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại như vậy, lặp đi lặp lại trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng. Hay cả năm.
Bộ Não Tư Duy của một số người đã phớt lờ Bộ Não Cảm Xúc của họ quá lâu đến nỗi họ phải mất một thời gian để học cách lắng nghe lại.
Những người khác sẽ gặp vấn đề ngược lại: Họ sẽ phải huấn luyện Bộ Não Tư Duy của mình lên tiếng, buộc nó phải đề xuất một suy nghĩ độc lập (một hướng đi mới) tách biệt với Bộ Não Cảm Xúc. Họ sẽ phải tự hỏi bản thân, điều gì sẽ xảy ra nếu Bộ Não Cảm Xúc của tôi cảm thấy như vậy là sai? và sau đó xem xét các lựa chọn thay thế. Điều này sẽ khó khăn cho họ lúc đầu. Nhưng cuộc đối thoại này càng diễn ra, hai bộ não sẽ bắt đầu lắng nghe nhau nhiều hơn. Bộ Não Cảm Xúc sẽ bắt đầu bộc lộ những cảm xúc khác nhau và Bộ Não Tư Duy sẽ hiểu rõ hơn về cách giúp Bộ Não Cảm Xúc định hướng trên đường đời.
Đây là thứ mà tâm lý học gọi là “điều chỉnh cảm xúc”. Đó là công việc khó khăn, nhưng nó được cho là công việc duy nhất. Chấp nhận và làm việc cùng, thay vì chống lại bất cứ điều gì mà Bộ Não Cảm Xúc phun ra cho bạn.
Bộ Não Tư Duy tạo ra sự liên kết giữa các sự kiện, dữ liệu và quan sát. Tương tự như vậy, Bộ Não Cảm Xúc đưa ra những đánh giá giá trị dựa trên những sự kiện, dữ liệu và quan sát tương tự. Bộ Não Cảm Xúc quyết định điều gì tốt và điều gì xấu; điều gì là mong muốn và điều gì là không mong muốn; và quan trọng nhất, những gì chúng ta xứng đáng và những gì chúng ta không xứng đáng.
Bạn đã đọc xong phần 1. Đọc các phần tiếp theo tại link sau:
Everything is f*cked: A Book About Hope – Mark Manson (Phần 2)
Everything is f*cked: A Book About Hope – Mark Manson (Phần 3)
Everything is f*cked: A Book About Hope – Mark Manson (Phần 4)