Cơn giận không phải thứ gì sai trái – Osho

MỤC LỤC

Thông thường, cơn giận không xấu. Thông thường, cơn giận là một phần của cuộc sống tự nhiên; nó đến và đi. Nhưng nếu bạn kìm nén cơn giận, nó sẽ trở thành vấn đề. Sau đó, bạn tiếp tục tích lũy cơn giận. Lúc này, nó không còn là chuyện đến và đi nữa; nó trở thành chính con người bạn. Lúc này, không phải đôi khi bạn mới tức giận; bạn luôn giận dữ, luôn trong cơn thịnh nộ, và bạn chỉ chờ ai đó kích động. Hoặc thậm chí chỉ cần một chút khiêu khích, bạn sẽ bốc hỏa và làm những việc mà sau này bạn sẽ nói: “Tôi đã làm một việc mà bản thân không hề muốn”.

 

Hãy quan sát hành vi của chính bạn. Khi nào bạn thấy mình buồn? Bạn chỉ thấy mình buồn trong những tình huống bạn không thể tức giận. Sếp nói gì đó và bạn không thể tức giận, vì bạn có thể bị đuổi việc. Bạn không thể nổi giận và bạn phải tiếp tục mỉm cười. Sau đó, bạn trở nên buồn bã. Những người buồn bã mà bạn thấy trên phố, những người buồn lâu đến mức gương mặt của họ đã mang nét buồn bã cố hữu, là những người bất lực đang ở tận những bậc thang dưới cùng nên không thể tìm thấy ai để trút giận.

 

Một cơn giận bình thường không phải là thứ gì sai trái. Trên thực tế, những người có thể tức giận và quên hết ngay sau đó là những người rất tốt. Bạn sẽ luôn thấy họ thân thiện, sống động, giàu tình yêu thương, đầy trắc ẩn. Còn những người luôn kìm nén cảm xúc của mình, không ngừng kiểm soát cảm xúc, không phải là người tốt. Họ luôn cố gắng chứng tỏ họ thánh thiện hơn bạn, nhưng bạn có thể nhìn thấy cơn giận trong mắt họ. Bạn có thể nhìn thấy cơn giận trên khuôn mặt của họ, bạn có thể nhìn thấy nó trong mọi cử chỉ của họ – trong cách họ bước đi, cách họ nói chuyện, cách họ giao thiệp với người khác, bạn có thể thấy cơn giận luôn sôi sục ở đó. Họ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Họ là những kẻ sát nhân, những tên tội phạm, những kẻ bất lương thật sự.

 

Giận dữ mới là con người, giận dữ không phải là chuyện xấu. Tức giận chỉ đơn giản là một tình huống mà trong đó bạn bị kích động, và vì bạn đang sống nên bạn phản ứng với sự kích động đó. Nó đang cho người khác biết là bạn sẽ không nhịn; nó cho thấy đây không phải là tình huống mà bạn có thể chấp nhận; nó đang truyền đạt rằng bạn muốn nói không. Cơn giận là sự phản kháng và tức giận không có gì sai.

 

Hãy nhìn đứa trẻ khi nó nổi giận với bạn. Hãy nhìn mặt nó! Nó tức giận đến mức đỏ cả mặt và trông như thể muốn giết bạn. Đứa trẻ nói: “Con sẽ không bao giờ nói chuyện với cha mẹ nữa. Bo xì!”, và chỉ một giây sau, bạn thấy nó đang ngồi trong lòng bạn nói chuyện líu lo. Nó đã quên. Bất kể nó đã nói gì trong cơn thịnh nộ, nó không còn nhớ nữa. Những lời đó không trở thành hành lý trong tâm trí của đứa trẻ. Đúng là trong cơn giận dữ, đứa trẻ đã nổi giận và nói điều gì đó, nhưng lúc này, cơn giận đã biến mất và tất cả những lời nó nói lúc đó cũng biến mất. Đứa trẻ không vĩnh viễn đắm chìm trong cơn giận, đó là một cơn bộc phát nhất thời, một gợn sóng. Đứa trẻ không bị đóng băng trong đó, mà nó là một dòng chảy liên tục. Gợn sóng đã ở đó, một con sóng đã nổi lên, nhưng bây giờ nó không còn nữa. Đứa trẻ không mang theo gợn sóng đó mãi mãi. Ngay cả khi bạn nhắc lại cho nó nhớ, đứa trẻ sẽ bật cười. Nó sẽ nói: “Vô lý thật! Con không nhớ mình đã nói vậy. Có chuyện như vậy sao ạ?”. Nó sẽ nói: “Con thật sự đã nói như vậy sao? Không thể nào!”. Đó là một cơn giận nhất thời.

 

Đây là điều bạn cần phải hiểu. Một người sống trong thực tại có lúc sẽ tức giận, đôi khi vui, đôi khi buồn. Nhưng bạn có thể tin tưởng rằng người đó không mang theo những cảm xúc này mãi mãi. Một người kiểm soát gắt gao và không cho phép bất cứ cảm xúc nào xuất hiện trong bản thân mình là người nguy hiểm. Nếu bạn xúc phạm anh ta, anh ta không tức giận; anh ta kìm nén cơn giận. Theo thời gian, anh ta tích lũy quá nhiều cơn giận đến mức anh ta sẽ làm việc gì đó thật sự kinh khủng.

 

Tôi không phản đối việc giận dữ, tôi phản đối tình trạng dồn nén cơn giận.

 

Tại sao việc thể hiện cảm xúc thật và làm chính mình lại khó khăn và đáng sợ đến vậy?

 

Thật khó để thể hiện cảm xúc và làm chính mình, bởi vì suốt hàng ngàn năm qua, bạn đã được yêu cầu phải kìm nén cảm xúc. Điều này đã trở thành một phần trong tiềm thức chung của nhân loại. Suốt hàng ngàn năm qua, bạn đã được dạy rằng đừng làm chính mình. Hãy sống như Jesus, như Phật, như Krishna, nhưng đừng sống như chính mình. Hãy trở thành người khác. Từ bao đời, con người liên tục được dạy như vậy, dai dẳng đến mức bài học đó đã ăn sâu vào máu của bạn, vào xương của bạn, vào tủy của bạn.

 

Sự tự chối bỏ bản thân đã trở thành một phần của bạn. Bạn được dạy để trở thành một kẻ đạo đức giả. Thói đạo đức giả có mang lại lợi ích, và bất cứ thứ gì khiến người ta được hưởng lợi đều có vẻ có giá trị.

 

Tôn giáo cũng trở thành một sách lược hiệu quả. Nó là một loại bảo hiểm cho phần đời ở thế giới bên kia. Bạn đang chuẩn bị cho thế giới bên kia bằng cách sống có đạo đức, đi lễ nhà thờ, quyên góp cho người nghèo. Bạn đang mở một tài khoản ngân hàng trên thiên đường, để khi đến đó, bạn sẽ được chào đón nồng nhiệt, các thiên thần sẽ hát vang “Hallelujah!” và nhảy múa, chơi hạc cầm. Tài khoản ngân hàng trên thiên đường của bạn lớn mức nào phụ thuộc vào số lượng việc thiện mà bạn đã làm. Tôn giáo cũng trở thành một thương vụ, và thực tại của bạn bị kìm nén.

 

Những người bị kìm nén đã và đang nhận được rất nhiều sự tôn trọng. Bạn gọi họ là thánh nhân; thật ra họ là những kẻ tâm thần phân liệt. Họ cần được chữa trị. Họ cần đến phương pháp trị liệu, và bạn tôn thờ họ! Chỉ cần một trong số một trăm thánh nhân trở thành một vị thánh thật sự thì đó sẽ là phép màu. Chín mươi chín vị còn lại chỉ là trò bịp bợm, là những kẻ ngụy tạo, những người lừa dối. Và tôi không nói rằng họ đang cố lừa dối bạn; họ cũng đang tự lừa dối bản thân. Họ là những kẻ bị đè nén.

 

Nhưng mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những người được gọi là thánh nhân này, những người thật sự mất trí. Họ đã kìm nén tình dục, kìm nén lòng tham, kìm nén cơn giận và họ đang sôi sục bên trong. Cuộc sống nội tâm của họ giống như ác mộng. Ở đó không có sự bình yên, không có sự tĩnh lặng. Tất cả những nụ cười của họ đều do tô vẽ mà có.

 

Hãy chấp nhận cảm xúc của bản thân. Không có gì sai với cảm xúc của bạn, và không có gì sai với bạn! Việc cần làm không phải là kìm nén hay hủy diệt, mà là bạn phải học cách hòa hợp các nguồn năng lượng của mình.

 

Thoát khỏi sự kìm nén

 

Chính xác thì sự kìm nén là gì? Và nếu không kìm nén sẽ tốt hơn nhiều, tại sao chúng ta cứ mãi kìm nén?

 

Kìm nén là sống một cuộc đời mà bạn không sinh ra để sống. Kìm nén là làm những việc mà bạn không bao giờ muốn làm. Kìm nén là trở thành người không phải là bạn; kìm nén là cách hủy hoại chính mình. Kìm nén là tự sát – tất nhiên đó là cách đầu độc rất chậm, nhưng chắc chắn sẽ chết người. Bộc lộ là sống, kìm nén là tự sát.

 

Khi bạn sống một cuộc đời kìm nén, đó không hề là sống. Cuộc sống là bộc lộ, là sáng tạo, là niềm vui. Khi bạn sống theo cách mà sự hiện hữu muốn bạn sống, đó chính là sống thuận tự nhiên.

 

Các thầy tu đã dạy bạn phải trấn áp thứ thấp hơn. Và họ rất logic, chỉ là họ đã quên mất một điều: cuộc sống là phi logic. Họ lập luận rất logic và điều đó hấp dẫn bạn. Đó là lý do bạn đã lắng nghe và làm theo lời họ suốt hàng bao đời nay. Nó phù hợp với lập luận của bạn rằng nếu muốn đạt được cái cao hơn, bạn không nên lắng nghe cái thấp hơn. Nó có vẻ rất logic. Nếu bạn muốn lên cao thì đừng xuống thấp – thật hợp lý. Vấn đề duy nhất là cuộc sống không dựa trên lý trí.

 

Có một sự phân cực trong cuộc sống. Bạn làm việc chăm chỉ cả ngày, bạn bổ củi, rồi khi đêm xuống, bạn chìm vào giấc ngủ sâu nhất. Giờ thì bạn có thể suy nghĩ một cách logic; bạn có thể tính toán mọi thứ. Sáng hôm sau, bạn có thể nghĩ: “Mình đã làm việc cả ngày và rất mệt, thế mà mình vẫn ngủ một giấc sâu như vậy. Nếu mình nghỉ ngơi cả ngày dài thì mình sẽ càng ngủ sâu hơn nữa”. Ngày hôm sau, bạn chỉ ngả người trên chiếc ghế êm ái của mình, bạn thực hiện quá trình nghỉ ngơi. Bạn có nghĩ mình sẽ có một giấc ngủ ngon hay không? Bạn sẽ đánh mất luôn cả giấc ngủ bình thường! Đó là cách những người không làm việc vào ban ngày bị mắc chứng mất ngủ vào ban đêm.

 

Cuộc sống không logic, tự nhiên không logic. Tự nhiên ban tặng giấc ngủ cho người ăn xin, những người đã làm việc cả ngày, đi từ nơi này đến nơi khác giữa mùa hè nóng bức để xin ăn. Tự nhiên ban tặng giấc ngủ ngon cho người lao động, thợ đẽo đá, lão tiều phu. Họ làm việc chăm chỉ cả ngày và trở nên mệt nhoài. Nhờ sự mệt nhoài đó, họ chìm vào giấc ngủ sâu.

 

Ra khỏi trạng thái làm việc là trạng thái nghỉ ngơi. Ngoài những khoảnh khắc bộc lộ là sự im lặng. Đây là cách vận hành của cuộc sống. Nó vô cùng phi lý. Nếu thật sự muốn an toàn, bạn phải sống một cuộc đời bất an. Nếu thật sự muốn sống, bạn phải sẵn sàng chết bất cứ lúc nào. Đây là sự phi logic của cuộc sống! Nếu muốn thật sự sống, bạn phải chấp nhận rủi ro. Kìm nén là cách né tránh rủi ro.

 

Chẳng hạn, bạn được dạy là không bao giờ tức giận và bạn nghĩ một người không tức giận chắc chắn sẽ đầy tình yêu thương. Bạn sai rồi. Một người không bao giờ tức giận cũng sẽ không thể nào yêu thương. Chúng song hành với nhau; chúng được “đóng gói” cùng nhau. Người thật sự yêu thương sẽ có lúc thật sự giận dữ. Nhưng cơn giận của họ rất đẹp – nó là cơn giận bắt nguồn từ tình yêu! Năng lượng của nó nóng và bạn sẽ không cảm thấy tổn thương bởi cơn giận đó. Thật ra, bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì người đó nổi giận. Bạn có từng quan sát chuyện đó chưa? Nếu bạn yêu một người và bạn làm việc khiến người đó thật sự tức giận, tức giận một cách rõ ràng, bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì người đó yêu bạn nhiều đến mức có thể nổi giận. Nếu không thì tại sao? Khi không muốn trao cho đối phương năng lượng giận dữ của bạn, bạn giữ lịch sự. Khi không muốn cho đi bất cứ thứ gì, không muốn chấp nhận rủi ro, bạn cứ mỉm cười. Dù cho chuyện gì xảy ra thì cũng vậy.

 

Khi yêu, bạn có thể tức giận. Khi yêu, bạn có khả năng nổi giận. Nếu yêu thương bản thân – và đó là điều bắt buộc trong cuộc sống, nếu không, bạn sẽ bỏ lỡ cuộc sống – bạn sẽ không bao giờ đè nén, bạn sẽ thể hiện bất cứ điều gì cuộc sống trao tặng. Bạn sẽ thể hiện tất cả những gì thuộc về cuộc sống: niềm vui, nỗi buồn, lúc thăng, lúc trầm, ánh sáng, đêm tối.

 

Nhưng bạn đã được nuôi dạy để trở nên giả tạo, bạn đã được nuôi dạy để trở thành một kẻ đạo đức giả. Khi cảm thấy tức giận, bạn tiếp tục nở một nụ cười giả tạo. Khi nổi cơn thịnh nộ, bạn kìm nén nó. Bạn chưa bao giờ sống thật với những gì bên trong mình.

 

Hãy bộc lộ. Nhưng hãy nhớ, bộc lộ không có nghĩa là vô trách nhiệm. Hãy bộc lộ một cách thông minh và như vậy sẽ không có ai bị tổn hại vì bạn. Một người không tổn hại bản thân sẽ không bao giờ làm thương tổn người khác. Và một người tự làm hại mình sẽ nguy hiểm theo một cách nào đó. Nếu không thể yêu thương bản thân, bạn trở thành một hiểm họa; bạn có thể làm hại bất kỳ ai. Trên thực tế, bạn sẽ gây hại.

 

Khi buồn bã, khi chán nản, bạn sẽ tạo ra những con người buồn chán xung quanh mình. Khi hạnh phúc, bạn sẽ muốn tạo ra một xã hội hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc chỉ tồn tại trong một thế giới hạnh phúc. Nếu sống vui vẻ, bạn sẽ muốn mọi người đều vui vẻ; đó là sự mộ đạo đích thực. Từ niềm vui riêng của bạn, bạn ban phước cho toàn bộ sự hiện hữu.

 

Nhưng sự kìm nén khiến bạn trở nên giả tạo. Sự kìm nén không tiêu diệt cơn giận, ham muốn tình dục, lòng tham – hoàn toàn không. Chúng vẫn ở đó, chỉ có nhãn mác của chúng bị thay đổi. Chúng đi vào trong vô thức và bắt đầu hoạt động từ đó. Chúng ngấm ngầm hoạt động. Và tất nhiên, khi hoạt động ngầm, chúng trở nên mạnh mẽ hơn. Toàn bộ quá trình phát triển phân tâm học là quá trình tìm cách đưa những gì ẩn bên dưới lên bề mặt. Một khi ý thức được chúng, bạn có thể thoát khỏi chúng.

 

Cha mẹ và xã hội của bạn đã hủy hoại bạn, và bạn đang hủy hoại con cái của mình. Giờ thì nó trở thành một vòng luẩn quẩn. Ai đó phải thoát ra khỏi cái vòng ấy.

 

Nếu bạn hiểu đúng ý tôi, vậy thì nỗ lực của tôi là để đưa bạn thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó. Đừng tức giận với cha mẹ của bạn; họ không thể làm tốt hơn những gì họ đã làm. Nhưng bây giờ, bạn hãy trở nên có ý thức hơn và đừng làm điều tương tự với các con của mình. Hãy giúp chúng bộc lộ nhiều hơn, dạy chúng biết cách biểu đạt hơn. Hãy giúp đỡ chúng, để chúng trở nên chân thật hơn, để chúng có thể bộc lộ bất kỳ điều gì đang hiện diện bên trong mình. Và chúng sẽ mãi mãi biết ơn bạn, bởi vì sẽ không có xung đột bên trong chúng. Chúng sẽ là một thể toàn vẹn; chúng sẽ không bị phân mảnh. Chúng sẽ không bị bối rối, chúng sẽ biết mình muốn gì.

 

Và khi biết chính xác mình muốn gì, bạn có thể nỗ lực để đạt được điều mình muốn. Nếu không biết mình thật sự muốn gì, làm sao bạn có thể nỗ lực đạt được nó? Khi đó, bạn bắt đầu đi theo bất kỳ ai đang nắm giữ bạn, bất kỳ ai có thể mang đến cho bạn ý tưởng. Một nhà lãnh đạo nào đó có thể thuyết phục bạn bằng lý lẽ vững chắc và bạn bắt đầu theo chân anh ta. Bạn đã đi theo nhiều người và tất cả họ đều hủy hoại bạn.

 

Hãy nghe theo bản chất tự nhiên của bạn.

 

Trầm cảm là gì?

 

Trầm cảm có nghĩa là bằng cách nào đó, cơn giận ở trong bạn trong trạng thái tiêu cực. Trầm cảm là một trạng thái tiêu cực của cơn giận. Bạn đang kìm nén thứ gì đó bên trong, và khi cơn giận bị đè nén quá nhiều, nó trở thành nỗi buồn. Nỗi buồn là cơn giận được thể hiện theo cách tiêu cực, theo cách nữ tính. Nếu bạn loại bỏ áp lực đang đè lên nỗi buồn, nó sẽ trở thành cơn giận. Hẳn bạn phải tức giận về một số chuyện nào đó, thậm chí có thể đó là chuyện từ thời thơ ấu, nhưng bạn đã không thể hiện cơn giận đó; vì vậy mới có trầm cảm. Hãy cố gắng hiểu điều này!

 

Vấn đề là trầm cảm không thể được giải quyết, bởi vì nó không phải là vấn đề thật sự. Vấn đề thật sự là cơn giận – nhưng bạn lại tiếp tục chĩa mũi dùi vào cơn trầm cảm, vì vậy, bạn đang chiến đấu với những chiếc bóng.

 

Trước tiên, hãy tìm hiểu lý do bạn trầm cảm: hãy nhìn thật kỹ vào trong đó và bạn sẽ thấy cơn giận. Một cơn giận dữ dội đang ở trong bạn – có lẽ đó là cơn giận đối với mẹ, đối với cha, đối với thế giới, đối với chính bạn, nhưng đó không phải là vấn đề. Bên trong, bạn đang rất giận dữ và ngay từ khi còn bé, bạn đã cố gắng mỉm cười, cố gắng không nổi giận bởi vì nổi giận là không tốt. Bạn đã được dạy như vậy và bạn đã học rất kỹ. Vì vậy, bề ngoài, bạn trông vui vẻ, bạn tiếp tục mỉm cười – và tất cả những nụ cười này đều là giả tạo. Trong thâm tâm bạn đang chứa đựng một cơn thịnh nộ. Bây giờ, bạn không thể để lộ cơn thịnh nộ đó, vì vậy, bạn đang che giấu nó – đó chính là bản chất của chứng trầm cảm; khi đó, bạn cảm thấy bị đè nén.

 

Hãy để mọi sự được diễn ra, hãy để cơn giận đến. Một khi cơn giận nổi lên, chứng trầm cảm của bạn sẽ biến mất. Bạn chưa từng quan sát và thấy rằng đôi khi, sau một trận giận dữ ra trò, người ta cảm thấy rất thoải mái và tràn trề năng lượng.

 

Hãy cứ tức giận

 

Khi cảm thấy tức giận, bạn không cần phải nổi giận với ai; hãy cứ tức giận. Hãy đóng cửa phòng, ngồi một mình và để cơn giận bùng phát hết mức có thể. Nếu bạn cảm thấy muốn đánh, hãy đánh vào gối…

 

Hãy làm bất cứ điều gì bạn muốn; cái gối sẽ không bao giờ phản đối. Nó hữu ích, hữu ích vô cùng. Người ta không bao giờ hình dung được một chiếc gối có thể hữu ích như thế nào. Hãy đánh nó, cắn nó, ném nó.

 

Sau đó, hãy xem chuyện gì xảy ra trong ngày. Bạn sẽ bình tĩnh hơn, bởi vì năng lượng lẽ ra trở thành cơn giận đã bị tống ra ngoài; giờ đây, năng lượng vốn dĩ sẽ trở thành chất độc đã bị ném ra khỏi hệ thống.

 

Trong Phật giáo có một phương pháp đặc biệt được gọi là “ghi nhận ba lần”. Nếu một vấn đề nảy sinh – ví dụ, nếu ai đó bỗng cảm thấy ghen tị, hoặc tham lam, hoặc tức giận – họ phải ghi chú ba lần về vấn đề đó. Nếu cơn giận có ở đó, họ phải thầm nói ba lần: “Cơn giận… Cơn giận… Cơn giận”. Mục đích là ghi nhận sự xuất hiện của vấn đề để họ ý thức được nó, thế thôi. Sau đó, họ tiếp tục với những gì đang làm. Họ không làm gì với cơn giận mà chỉ đơn giản ghi nhận nó ba lần.

 

Chuyện này cực kỳ đẹp. Ngay lập tức, bạn nhận thức được sự xáo trộn, bạn ghi nhận nó và nó biến mất. Nó không thể nắm giữ bạn bởi vì chuyện đó chỉ có thể xảy ra khi bạn không có ý thức. Việc ghi nhận ba lần này khiến cho bạn nhận thức sâu sắc đến mức bạn tách khỏi cơn giận. Bạn có thể xem nó như một vật thể, bởi vì nó ở đó và bạn ở đây. Và Đức Phật dạy các đồ đệ của mình áp dụng cách này với mọi thứ.

 

Nếu bạn chán nản, hãy chán nản; đừng làm gì cả. Bạn chán nản, vậy thì hãy ở trong trạng thái đó. Chờ đợi và theo dõi. Bạn không thể chán nản lâu được, bởi vì không có gì là bất biến trong thế giới này. Thế giới này là một dòng chảy. Ở đây, không có gì là vĩnh viễn; mọi thứ chuyển động và thay đổi. Sự hiện hữu là một dòng sông; nó không thể dừng lại để làm cho bạn chìm trong sự trầm cảm mãi mãi. Vì sự hiện hữu chuyển động – nó vẫn luôn chuyển động. Nếu quan sát sự chán nản của mình, bạn sẽ cảm nhận được ngay cả sự chán nản đó cũng khác đi vào giây phút tiếp theo; nó khác, nó thay đổi. Hãy chỉ quan sát nó, ở lại với nó và đừng làm gì cả.

 

Hãy cảm nhận cơn trầm cảm, trải nghiệm nó thật sâu sắc, sống với nó, nó là số mệnh của bạn, rồi bỗng nhiên bạn sẽ cảm thấy nó biến mất, bởi vì người có khả năng chấp nhận ngay cả cơn trầm cảm sẽ không thể bị trầm cảm. Một người, một tâm trí có khả năng chấp nhận ngay cả cơn trầm cảm không thể nào bị trầm cảm mãi!

 

Nếu có khả năng chấp nhận sự cô đơn của mình, cơn trầm cảm, sự bối rối, nỗi buồn của bản thân, bạn đang vượt lên trên. Chấp nhận chính là cách để hướng tới sự siêu việt. Bằng cách chấp nhận, bạn đã lấy đi chính nền móng của cơn trầm cảm, và khi đó, cơn trầm cảm không thể tự duy trì mãi.

 

Bất kể tâm trạng của bạn đang như thế nào, hãy chấp nhận và đợi cho đến khi tâm trạng đó tự thay đổi. Bạn không thay đổi bất cứ điều gì, bạn có thể cảm nhận vẻ đẹp xuất hiện khi tâm trạng của bạn tự thay đổi. Bạn không cần làm gì. Nếu có thể cảm nhận tâm trạng của mình tự thay đổi, bạn có thể duy trì sự trung lập. Bạn có thể giữ vững khoảng cách, như thể tâm trí đang ở một nơi khác. Cơn trầm cảm đến và đi, hạnh phúc đến và đi, nhưng bạn không ở trong quá trình đó. Chúng tự đến và tự đi; các trạng thái đến, chuyển động và rời đi.

 

Khi tâm trí rối bời, tốt hơn hết là bạn hãy chờ đợi và không làm gì cả để sự bối rối đó tự biến mất. Nó sẽ biến mất; không có gì là vĩnh cửu trong thế giới này. Bạn chỉ cần thật kiên nhẫn. Đừng vội vã.

 

 

Osho (còn được gọi là Bhagwan Shree Rajneesh) là một nhà tư tưởng, giảng viên, và nhà sư phương Tây – Ấn Độ. Ông sinh năm 1931 tại Madhya Pradesh, Ấn Độ và qua đời năm 1990 tại Oregon, Mỹ.

 

Osho được biết đến với triết lý của mình, bao gồm việc khuyến khích con người tìm kiếm sự tự do và hạnh phúc bên trong chính họ thay vì phụ thuộc vào các giáo điều và quy tắc xã hội.

 

Chia sẻ:
Facebook
Bài viết liên quan

Những trường phái nghệ thuật, với tính độc đáo và sự đa dạng, đã tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và di sản nghệ thuật. Bài viết này sẽ đưa bạn vào một hành trình khám phá qua các trường phái nghệ thuật đa dạng và...

Có biết bao nhiêu phong cách thiết kế và chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và công trình độc đáo. Hãy cùng khám phá những phong cách thiết kế đa dạng và đặc trưng trong bài viết này.   Phong cách...

Bất kỳ một tổ chức nào không thể tồn tại mà không có một nhà lãnh đạo. Nhưng chẳng ai có thể lãnh đạo một mình. Anh ta không thể tự quản lý ngân sách, tự thi hành luật và tự điều phối những dự án. Anh ta cần nắm...

Suy nghĩ là một hoạt động. Hoạt động suy nghĩ sẽ hình thành ý nghĩ. Quá trình suy nghĩ và tưởng tượng sẽ hình thành ý tưởng. Chúng ta định nghĩa sự sáng tạo là quá trình tạo ra ý tưởng mới. Vậy thì ý tưởng mới đến từ đâu?...

NỔI BẬT
Theo dõi chúng tôi trên MXH:
Liên hệ:
contact.hbth@gmail.com
© 2023 hatbuitamhon. All rights reserved.
Scroll to Top