Everything is f*cked: A Book About Hope – Mark Manson (Phần 3)

MỤC LỤC

Đây là phần 3 của bản dịch “Everything is f*cked: A Book About Hope” của tác giả Mark Manson. Nếu bạn chưa đọc phần 1 và 2 của bản dịch, có thể đọc tại link sau:

 

Everything is f*cked: A Book About Hope – Mark Manson (Phần 1)

 

Everything is f*cked: A Book About Hope – Mark Manson (Phần 2)

 

Sau đây, hãy tiếp tục theo dõi phần 3 của bản dịch này…

 

Chương 5: Hy vọng là thứ chết tiệt

 

Cho đến nay, tôi đã lập luận rằng hy vọng là nền tảng cho tâm lý học của chúng ta, rằng chúng ta cần (a) có điều gì đó để mong chờ, (b) tin rằng bản thân có đủ khả năng kiểm soát số phận để đạt được điều đó, và (c) tìm thấy một cộng đồng để chúng ta đạt được điều đó. Khi chúng ta thiếu một hoặc tất cả những điều này quá lâu, chúng ta sẽ mất hy vọng và rơi vào khoảng trống của Sự Thật Khó Chịu.

 

Trải nghiệm tạo ra cảm xúc. Cảm xúc tạo ra giá trị. Các giá trị tạo ra các câu chuyện ý nghĩa. Và những người có các câu chuyện ý nghĩa tương tự nhau sẽ tụ tập lại để tạo ra các tôn giáo. Một tôn giáo càng hiệu quả (hoặc cảm xúc), các tín đồ càng siêng năng và kỷ luật. Và những tín đồ càng siêng năng và kỷ luật, thì tôn giáo càng có nhiều khả năng truyền bá cho người khác, mang lại cho họ cảm giác tự chủ và cảm giác hy vọng. Những tôn giáo này ngày càng phát triển và mở rộng và cuối cùng xác định các nhóm trong và ngoài, tạo ra các nghi thức và điều cấm kỵ, đồng thời thúc đẩy xung đột giữa các nhóm có giá trị đối lập. Những xung đột này phải tồn tại bởi vì chúng duy trì ý nghĩa và mục đích cho những người trong nhóm.

 

Do đó, chính sự xung đột đã duy trì niềm hy vọng.

 

Vì vậy, chúng ta đã hiểu lộn: mấy thứ chết tiệt không cần hy vọng; còn hy vọng đòi hỏi mọi thứ phải chết tiệt.

 

Những nguồn hy vọng mang lại cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa cũng chính là những nguồn chia rẽ và hận thù. Niềm hy vọng mang lại nhiều niềm vui nhất cho cuộc sống của chúng ta cũng chính là niềm hy vọng mang đến mối nguy hiểm lớn nhất. Hy vọng mang mọi người lại gần nhau nhất thường chính là hy vọng chia cắt họ.

 

Hy vọng, do đó, là thứ phá hoại. Hy vọng phụ thuộc vào việc phủ nhận thực tại. Bởi vì hy vọng đòi hỏi một cái gì đó bị phá vỡ. Hy vọng đòi hỏi chúng ta từ bỏ một phần của chính mình và/hoặc một phần của thế giới. Nó đòi hỏi chúng ta phải phản đối một cái gì đó.

 

Điều đó vẽ nên một bức tranh ảm đạm đến khó tin về thân phận con người. Điều đó có nghĩa là bản chất tâm lý của chúng ta là chỉ có hai lựa chọn trong cuộc sống: hoặc là xung đột vô tận hoặc là hủy diệt tất cả

– chủ nghĩa bộ lạc (Tribalism) hoặc sự cô lập, chiến tranh tôn giáo hoặc Sự Thật Khó Chịu.

 

Nietzsche (nhà triết học người Đức) tin rằng, không có hệ tư tưởng nào được tạo ra bởi cuộc cách mạng khoa học, sẽ có thể tồn tại lâu dài. Ông tin rằng, từng người một, họ sẽ từ từ tiêu diệt lẫn nhau và/hoặc sụp đổ từ bên trong. Sau đó, sau một vài thế kỷ, cuộc Khủng Hoảng Hiện Sinh (Existential Crisis: nỗi hoang mang về ý nghĩa cuộc sống) thực sự sẽ bắt đầu. Đạo đức tối cao sẽ bị băng hoại. Chúng ta sẽ thất bại với chính mình. Vì nhược điểm của con người là mọi thứ chúng ta tạo ra không bền vững và không đáng tin cậy.

 

(Chủ Nghĩa Hiện Sinh: theo chủ nghĩa này, con người được đánh giá cao ở tính cá nhân, sự riêng biệt. Các giá trị của con người được quan tâm, được nhìn nhận nhiều hơn ở cảm xúc.)

 

“Amor fati” (tiếng Anh: Love of Fate; tiếng Việt: Tình yêu số phận), với Nietzsche, có nghĩa là chấp nhận tuyệt đối tất cả cuộc sống và trải nghiệm: những khoảnh khắc tốt đẹp và cả những thăng trầm, những điều mang ý nghĩa và cả những điều vô nghĩa. Nó có nghĩa là yêu nỗi đau của một người. Nó có nghĩa là không cố gắng đạt được nhiều mong muốn hơn, mà chỉ đơn giản là mong muốn những gì đang có.

 

Hy vọng cho điều đã tồn tại – bởi vì hy vọng chỉ là sự sáo rỗng. Bất cứ điều gì mà tâm trí bạn có thể tưởng tượng đều có thiếu sót và giới hạn và do đó có hại nếu được tôn thờ vô điều kiện. Đừng mong có thêm hạnh phúc. Đừng mong bớt đau khổ. Đừng hy vọng cải thiện tính cách của bạn. Đừng hy vọng loại bỏ những sai sót của bạn.

 

Hãy chỉ hy vọng cho điều này. Hy vọng cho cơ hội vô tận và sự áp bức hiện diện trong từng khoảnh khắc. Hy vọng cho nỗi đau khổ đi kèm với tự do. Cho nỗi đau đến từ hạnh phúc. Cho sự khôn ngoan đến từ sự ngu dốt. Cho quyền lực đến từ sự đầu hàng.

 

Và sau đó hành động bất chấp nó.

 

Đây là thử thách và lời kêu gọi cho chúng ta: Hành động mà không cần hy vọng. Không hy vọng cho điều tốt đẹp hơn. Mà hãy trở nên tốt đẹp hơn. Trong khoảnh khắc này và trong những khoảnh khắc tiếp theo. Và tiếp tục như vậy.

 

Tất cả mọi thứ đều thật chết tiệt. Và hy vọng vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của sự chết tiệt đó.

 

Điều này thật khó nuốt trôi, bởi vì chúng ta từ bỏ mật ngọt của hy vọng cũng giống như giật cái chai khỏi tay kẻ say. Không có nó, chúng ta tin rằng mình sẽ rơi trở lại khoảng không và bị vực thẳm nuốt chửng. Sự Thật Khó Chịu khiến chúng ta sợ hãi, vì vậy chúng ta thêu dệt những câu chuyện, giá trị, chuyện kể, huyền thoại và truyền thuyết về bản thân và thế giới để che giấu sự thật đó.

 

Nhưng điều duy nhất giải phóng chúng ta là sự thật đó: Bạn và tôi và tất cả những người chúng ta biết sẽ chết, và những việc chúng ta làm đều vô nghĩa trên quy mô vũ trụ.

 

Thực tế là sự thật này khiến một số người sợ hãi vì nó giải phóng họ khỏi trách nhiệm.

 

Nửa sau của cuốn sách này là một nỗ lực để hiểu một cuộc sống không có hy vọng sẽ như thế nào. Điều đầu tiên tôi sẽ nói là nó không tệ như bạn nghĩ đâu. Trên thực tế, tôi tin rằng điều đó tốt hơn là lựa chọn khác.

 

Bởi vì chúng ta phải thoát ra khỏi chu kỳ xung đột tôn giáo của mình. Chúng ta phải thoát ra khỏi cái kén ý thức hệ của mình. Chúng ta phải để cho Bộ Não Cảm Xúc cảm nhận, nhưng phải từ chối những câu chuyện về ý nghĩa và giá trị mà nó đòi hỏi một cách tuyệt vọng. Chúng ta phải vượt ra ngoài quan niệm của chúng ta về thiện và ác. Chúng ta phải học cách yêu những gì đang có.

 

Chương 6: Công thức của loài người

 

Làm thế nào để trở thành người lớn

 

Khi bạn google “làm thế nào để trở thành người lớn”, hầu hết các kết quả đều tập trung vào việc chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn xin việc, quản lý tài chính của bạn, dọn dẹp cho bản thân và không trở thành một thằng khốn nạn. Tất cả những điều này đều tuyệt vời, và thực sự, chúng là tất cả những điều mà người lớn phải làm. Nhưng tôi sẽ tranh luận rằng, bản thân chúng không khiến bạn trở thành người lớn. Chúng đơn giản chỉ ngăn bạn trở thành một đứa trẻ, điều này không giống nhau.

 

Đó là bởi vì hầu hết những người làm những việc này đều làm chúng vì chúng dựa trên quy tắc và giao dịch. Chúng là một phương tiện cho một mục đích hời hợt nào đó. Bạn chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn xin việc vì bạn muốn có một công việc tốt. Bạn học cách dọn dẹp nhà cửa vì mức độ sạch sẽ của nó ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ của mọi người về bạn. Bạn quản lý tài chính của mình vì nếu không, bạn sẽ gặp rắc rối lớn vào một ngày nào đó. Thỏa thuận với các quy tắc và trật tự xã hội cho phép chúng ta trở thành những con người hoạt động tốt trong thế giới này.

 

Tuy nhiên, cuối cùng chúng ta nhận ra rằng những điều quan trọng nhất trong cuộc sống không thể đạt được thông qua thương lượng. Bạn không muốn thương lượng với cha mình để có được tình yêu, thương lượng với bạn bè để có được sự đồng hành hay thương lượng với sếp của bạn để được tôn trọng. Thương lượng với mọi người để yêu thương hoặc tôn trọng bạn thật tồi tệ. Nếu bạn phải thuyết phục ai đó yêu bạn, thì họ không yêu bạn. Nếu bạn phải thuyết phục ai đó tôn trọng bạn, thì họ sẽ không bao giờ tôn trọng bạn. Nếu bạn phải thuyết phục ai đó tin tưởng bạn, thì họ sẽ không thực sự tin tưởng bạn.

 

Những điều quý giá và quan trọng nhất trong cuộc sống, theo định nghĩa, là không thể đem ra trao đổi. Và cố gắng thương lượng để đạt được chúng là phá hủy chúng ngay lập tức. Bạn không thể mưu cầu hạnh phúc; nó là không thể. Nhưng đây thường là điều mà mọi người cố gắng thực hiện, đặc biệt là khi họ tìm kiếm sự trợ giúp cho bản thân và những lời khuyên phát triển cá nhân khác – về cơ bản, giống như họ đang nói: “Hãy chỉ cho tôi những quy tắc của trò chơi mà tôi phải chơi, và tôi sẽ chơi nó”, mà không nhận ra rằng chính ý nghĩ rằng có những quy tắc để đạt được hạnh phúc đang ngăn cản họ hạnh phúc.

 

Trong khi những người định hướng cuộc sống thông qua thương lượng và các quy tắc có thể tiến xa trong thế giới vật chất, thì họ vẫn bị què quặt và đơn độc trong thế giới cảm xúc của mình. Điều này bởi vì những giá trị trao đổi tạo ra những mối quan hệ được xây dựng trên sự thao túng.

 

Trưởng thành là nhận ra rằng đôi khi một nguyên tắc trừu tượng là đúng và tốt bởi vì bản thân nó, rằng cho dù điều đó làm tổn thương bạn, ngay cả khi nó làm tổn thương người khác, thì thành thật vẫn là điều nên làm.

 

Một trẻ vị thành niên sẽ nói rằng em coi trọng sự trung thực vì em đã được dạy rằng trung thực sẽ mang lại kết quả tốt. Nhưng khi đối mặt với các cuộc đối thoại khó khăn, cô bé sẽ nói những lời nói dối vô hại, phóng đại sự thật và trở nên tiểu nhân. Một người trưởng thành sẽ trung thực vì đơn giản rằng sự trung thực quan trọng hơn niềm vui hay nỗi đau của chính cô ấy. Trung thực quan trọng hơn đạt được điều bạn muốn. Sự trung thực vốn đã tốt đẹp và tự nó có giá trị. Do đó, trung thực là mục đích, không phải là phương tiện để đạt được mục đích khác.

 

Một thanh niên sẽ nói rằng anh ấy yêu bạn, nhưng quan niệm của anh ta về tình yêu là anh ta sẽ nhận lại được điều gì đó, rằng tình yêu chỉ đơn thuần là một cuộc gặp gỡ trao đổi tình cảm, nơi mỗi người mang tất cả những gì mình có và thương lượng với nhau để có được thỏa thuận tốt nhất. Một người trưởng thành sẽ yêu một cách tự do mà không mong đợi bất cứ điều gì được đáp lại bởi vì một người trưởng thành hiểu rằng đó là điều duy nhất có thể khiến tình yêu trở thành hiện thực. Một người trưởng thành sẽ cho đi mà không mong nhận lại bất cứ điều gì, bởi vì làm như vậy sẽ đánh mất mục đích ban đầu của một món quà.

 

Những nguyên tắc giá trị của tuổi trưởng thành là vô điều kiện – nghĩa là chúng không thể đạt được thông qua bất kỳ phương tiện nào khác. Chúng là mục đích của chính chúng.

 

Sự khác biệt giữa một đứa trẻ, một thanh niên và một người trưởng thành không phải là họ bao nhiêu tuổi hay họ làm gì, mà là tại sao họ lại làm điều đó. Đứa trẻ ăn cắp kem vì cảm thấy ngon, và nó không biết hoặc thờ ơ với hậu quả. Thanh thiếu niên không ăn cắp vì anh ta biết điều đó sẽ tạo ra những hậu quả tồi tệ hơn trong tương lai, nhưng quyết định của anh ta cuối cùng chỉ là một sự mặc cả với chính bản thân anh ta trong tương lai: Tôi sẽ từ bỏ một số niềm vui bây giờ để ngăn chặn nỗi đau lớn hơn trong tương lai.

 

Nhưng chỉ có người lớn mới không ăn cắp vì nguyên tắc đơn giản là ăn cắp là sai. Và ăn cắp, ngay cả khi cô ấy có thể thoát tội, sẽ khiến cô ấy cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân.

 

Tại sao chúng ta không phát triển

 

Khi chúng ta còn là những đứa trẻ, cách chúng ta học cách vượt qua niềm vui/đau khổ là theo đuổi những giá trị đó và xem chúng làm chúng ta thất bại như thế nào. Chỉ bằng cách trải qua nỗi đau thất bại, chúng ta mới học được cách vượt qua chúng. Chúng ta ăn trộm kem, mẹ bực mình và trừng phạt chúng ta. Đột nhiên, có đủ loại yếu tố khác cần xem xét. Tôi thích kem. Và tôi yêu mẹ. Nhưng lấy kem sẽ làm mẹ khó chịu. Tôi làm gì? Cuối cùng, đứa trẻ buộc phải đối diện với thực tế là có những sự trao đổi cần phải được thương lượng.

 

Về cơ bản, đây chính là điều mà việc nuôi dạy con cái sớm hướng đến: trừng phạt chúng vì ăn cắp kem; thưởng cho chúng vì đã ngồi yên lặng trong một nhà hàng. Bạn đang giúp chúng hiểu rằng cuộc sống phức tạp hơn nhiều so với những thôi thúc hoặc mong muốn của chính chúng. Những bậc cha mẹ không làm được điều này sẽ khiến con cái của họ thất bại một cách cực kỳ cơ bản bởi vì đứa trẻ sẽ không mất nhiều thời gian để nhận ra một điều gây sốc rằng thế giới không phục vụ cho ý thích bất chợt của nó.

 

Học được điều này khi trưởng thành là một điều vô cùng đau đớn – đau đớn hơn rất nhiều so với việc đứa trẻ phải học bài học đó khi còn nhỏ. Anh ta sẽ bị đồng nghiệp và xã hội trừng phạt vì không hiểu điều đó. Không ai muốn làm bạn với một đứa trẻ ích kỷ. Không ai muốn làm việc với một người không quan tâm đến cảm xúc của người khác hoặc coi trọng các quy tắc. Đứa trẻ không được giáo dục sẽ bị xa lánh, chế giễu và trừng phạt vì hành vi của mình trong thế giới người lớn, điều này sẽ dẫn đến nhiều đau đớn và khổ sở hơn.

 

Thay vì những thất bại có thể đoán trước được, trải nghiệm của anh ta chỉ là ngẫu nhiên và tàn nhẫn. Ăn cắp kem đôi khi dẫn đến hình phạt quá khắc nghiệt. Vào những thời điểm khác, nó lại không dẫn đến hậu quả nào cả. Do đó, không có bài học nào được học. Không có giá trị cao hơn được tạo ra. Không có sự phát triển diễn ra. Đứa trẻ không bao giờ học cách kiểm soát hành vi của chính mình và phát triển các cơ chế đối phó để đối phó với nỗi đau không ngừng. Đây là lý do tại sao những đứa trẻ bị lạm dụng và những đứa trẻ được nuông chiều thường gặp phải những vấn đề giống nhau khi chúng trưởng thành: chúng vẫn mắc kẹt trong hệ thống giá trị thời thơ ấu của mình.

 

Thanh thiếu niên cần được chỉ ra rằng thương lượng là một guồng quay không bao giờ kết thúc, rằng những điều duy nhất trong cuộc sống có giá trị và ý nghĩa thực sự sẽ đạt được mà không cần điều kiện, không cần giao dịch. Nó đòi hỏi cha mẹ và giáo viên tốt không khuất phục trước sự mặc cả của thanh thiếu niên.

 

Tất nhiên, cách tốt nhất để làm điều này là thể hiện sự vô điều kiện của chính bạn. Cách tốt nhất để dạy một thiếu niên tin tưởng là tin tưởng cậu ta. Cách tốt nhất để dạy một thiếu niên tôn trọng là tôn trọng cậu ta. Cách tốt nhất để dạy ai đó yêu thương là yêu họ. Và bạn không ép buộc con cái phải yêu thương, tin tưởng hay tôn trọng – làm như vậy sẽ khiến những điều đó trở nên có điều kiện – bạn chỉ đơn giản là cho chúng, hiểu rằng đến một lúc nào đó, sự thương lượng của chúng sẽ thất bại và chúng sẽ hiểu giá trị của sự vô điều kiện khi chúng sẵn sàng.

 

Khi cha mẹ và giáo viên thất bại, thường là do bản thân họ cũng bị mắc kẹt ở cấp độ giá trị của tuổi vị thành niên. Họ cũng nhìn thế giới dưới góc độ giao dịch. Họ có thể mặc cả với con cái để có được tình cảm, tình yêu hoặc sự tôn trọng. Họ nghĩ điều này là bình thường, vì vậy đứa trẻ lớn lên sẽ nghĩ điều đó là bình thường. Và mối quan hệ cha mẹ/con cái trở nên tồi tệ, nông cạn, mang tính giao dịch sau đó nó được nhân rộng ra khi đứa trẻ ra ngoài và hình thành các mối quan hệ với thế giới, bởi vì sau đó chúng trở thành giáo viên hoặc cha mẹ và truyền tải các giá trị của tuổi vị thành niên của mình cho trẻ nhỏ, khiến cho tình hình tồi tệ tiếp tục kéo dài cho thế hệ sau.

 

Khi lớn hơn, những người có đầu óc vị thành niên sẽ đi khắp thế giới với giả định rằng tất cả các mối quan hệ của con người là một thỏa thuận thương mại không bao giờ kết thúc, rằng sự thân mật không gì khác hơn là cảm giác giả tạo với người khác vì lợi ích của mỗi người, rằng mọi người đều như vậy, một phương tiện cho một số mục đích ích kỷ.

 

Thật khó để hành động vô điều kiện. Bạn yêu một người và biết rằng bạn có thể không được yêu lại, nhưng bạn vẫn làm điều đó. Bạn tin tưởng ai đó mặc dù bạn nhận ra rằng mình có thể bị tổn thương hoặc bị lừa. Đó là bởi vì hành động vô điều kiện đòi hỏi một mức độ niềm tin nào đó – niềm tin rằng đó là điều đúng đắn nên làm ngay cả khi điều đó gây ra nhiều đau đớn hơn, ngay cả khi điều đó không có lợi cho bạn hoặc người khác.

 

Thực hiện bước nhảy vọt về niềm tin để trở thành một người trưởng thành có đạo đức không chỉ đòi hỏi khả năng chịu đựng đau đớn, mà còn cả lòng dũng cảm để từ bỏ hy vọng, từ bỏ mong muốn mọi thứ luôn tốt đẹp hơn, dễ chịu hơn hoặc nhiều niềm vui. Bộ Não Tư Duy của bạn sẽ nói với bạn rằng điều này là phi logic, rằng các giả định của bạn chắc chắn phải sai theo một cách nào đó. Tuy nhiên, bạn vẫn làm điều đó. Bộ Não Cảm Xúc của bạn sẽ trì hoãn và hoảng sợ về nỗi đau của sự trung thực tàn nhẫn, sự tổn thương đi kèm với việc yêu ai đó, nỗi sợ hãi đi kèm với sự khiêm tốn. Tuy nhiên, bạn vẫn làm điều đó.

 

Hành vi của người lớn cuối cùng được coi là đáng ngưỡng mộ và đáng chú ý. Đó là ông chủ phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của nhân viên, là người mẹ từ bỏ hạnh phúc của mình vì con cái, là người bạn nói với bạn những điều bạn cần nghe dù điều đó khiến bạn khó chịu.

 

Chính những người này giữ cho thế giới vững chãi. Nếu không có họ, chúng ta có thể sẽ bị đánh bại.

 

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều thúc đẩy con người hướng tới những giá trị vô điều kiện này, cho dù đó là sự tha thứ vô điều kiện của Chúa Giêsu Kitô hay Bát Chánh Đạo của Đức Phật hay công lý hoàn hảo của Muhammad. Ở dạng thuần túy nhất, các tôn giáo lớn trên thế giới tận dụng bản năng hy vọng của con người chúng ta để cố gắng kéo con người hướng tới những đức tính trưởng thành. Hoặc, ít ra, đó thường là ý định ban đầu.

 

Thật không may, khi phát triển, các tôn giáo dường như bị chiếm đoạt bởi những người tuổi vị thành niên và trẻ em tự ái, những người này bóp méo các nguyên tắc tôn giáo vì lợi ích cá nhân của mình. Mọi tôn giáo của con người đều không chống chọi được với sự suy yếu đạo đức này vào một thời điểm nào đó. Cho dù các học thuyết của nó đẹp đẽ và thuần khiết đến đâu, thì cuối cùng nó cũng trở thành một thể chế của con người, và tất cả các thể chế của con người cuối cùng đều trở nên bại hoại.

 

Bạn đã đọc xong phần 3. Đọc phần tiếp theo tại link sau:

 

Everything is f*cked: A Book About Hope – Mark Manson (Phần 4)

Chia sẻ:
Facebook
Bài viết liên quan

Những trường phái nghệ thuật, với tính độc đáo và sự đa dạng, đã tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và di sản nghệ thuật. Bài viết này sẽ đưa bạn vào một hành trình khám phá qua các trường phái nghệ thuật đa dạng và...

Có biết bao nhiêu phong cách thiết kế và chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và công trình độc đáo. Hãy cùng khám phá những phong cách thiết kế đa dạng và đặc trưng trong bài viết này.   Phong cách...

Bất kỳ một tổ chức nào không thể tồn tại mà không có một nhà lãnh đạo. Nhưng chẳng ai có thể lãnh đạo một mình. Anh ta không thể tự quản lý ngân sách, tự thi hành luật và tự điều phối những dự án. Anh ta cần nắm...

Suy nghĩ là một hoạt động. Hoạt động suy nghĩ sẽ hình thành ý nghĩ. Quá trình suy nghĩ và tưởng tượng sẽ hình thành ý tưởng. Chúng ta định nghĩa sự sáng tạo là quá trình tạo ra ý tưởng mới. Vậy thì ý tưởng mới đến từ đâu?...

NỔI BẬT
Theo dõi chúng tôi trên MXH:
Liên hệ:
contact.hbth@gmail.com
© 2023 hatbuitamhon. All rights reserved.
Scroll to Top