Thực tại
Trong sách nhà Phật có câu chuyện rằng: Một hôm bốn người mù, họp nhau bàn về hình con voi. Người thứ nhất trước đã sờ thấy chân con voi, tưởng là hình con voi như cái cột. Người thứ hai trước đã sờ thấy cái vòi, tưởng là hình con voi như con đỉa lớn. Người thứ ba trước đã sờ thấy cái tai, tưởng là hình con voi như cái quạt. Người thứ tư trước đã sờ thấy cái đuôi, tưởng là hình con voi như cái chổi. Bốn người mù cãi nhau kịch liệt, mà ai cũng tự cho mình là phải, vì mình đã sờ thấy rõ ràng. Lúc ấy có một người đi qua, thấy bốn người mù cãi nhau, ghé vào hỏi vì duyên cớ gì. Bốn người nói đầu đuôi câu chuyện và nhờ người ấy phân xử cho. Người ấy nói rằng: “Các anh mỗi người chỉ biết có một phần con voi, chứ không biết rõ cả toàn thể của nó. Nó có chân như cái cột, chứ hình nó không phải như cái cột; nó có cái vòi như con đỉa, chứ hình nó không phải như con đỉa; nó có tai như cái quạt, chứ hình nó không phải như cái quạt; nó có cái đuôi như cái chồi, chứ hình nó không phải như cái chồi. Toàn thề con voi là gồm tất cả chân vòi tai đuôi”. Người ta cãi nhau là vì chỉ biết có một phần của toàn thể, chứ không biết rõ cả toàn thể.
Những gì cảm nhận được qua giác quan là những dấu hiệu của thực tại. Tại sao chỉ là dấu hiệu? Vì đó là trải nghiệm của thân xác, nên góc nhìn về thực tại hạn hẹp trong giới hạn của thân xác này. Ta có thể coi cái biết đó là vẻ bề ngoài, là những hình tướng của thực tại, còn bản chất thực tại thì ẩn sau những hình tướng ấy không thể nào xác định.
Khoa học ngày càng phát triển, ta càng biết nhiều hơn các hình tướng khác của thực tại, nhưng thực tại là vô hạn làm sao có thể biết được hết. Ta chỉ có thể nhận ra rằng thực tại là những gì ta không biết thôi. Không biết thì định nghĩa sao được, nên gượng dùng danh xưng là Đạo để đặt cho nó.
Hình tướng là những gì? Ta thấy bất kỳ cái gì cũng đều rơi vào hai mặt đối lập và luôn ở trong trạng thái biến đổi không ngừng: thiện ác, đúng sai, hay dở, nóng lạnh, tĩnh động, sáng tối, cứng mềm, vui buồn, yêu ghét,… Đó là bản chất Nhị Nguyên của vạn vật qua trải nghiệm của thân xác con người. Bản thể thì không biến thiên, chỉ có hình tướng biến thiên. Nếu chỉ dùng lý trí mà suy luận, chỉ dùng giác quan mà nhận xét, thì ta thấy vạn vật biến ảo khôn lường, không một phút giây nào ngừng nghỉ. Thực tại là duy nhất và không giới hạn, nhưng góc nhìn của ta thì tập trung vào từng phần một, và thấy thế giới này thật đa dạng. Nếu nhìn rộng ra, ta sẽ tìm thấy một cái toàn thể không xác định.
Ta gọi Vô Cực và Thái Cực là hai phương diện của thực tại duy nhất đó. Vô Cực là thực tại ở thế tiềm ẩn, Thái Cực là thực tại đã hiện hữu trong mọi sự vật và hiện tượng.
Khi một trạng thái phát triển đến cực điểm, nó sẽ chuyển hóa theo hướng ngược lại, và nó cứ lặp đi lặp lại không ngừng. Hầu hết các sự vật và hiện tượng được ý thức nhìn nhận như là nằm trong một dải nối giữa hai cực đối lập nhau, chúng diễn tiến từ cực đoan này đến cực đoan khác: nóng thành lạnh, lạnh thành nóng, sáng thành tối, tối thành sáng, vui thành buồn, buồn thành vui, yêu thành ghét, ghét thành yêu,… Khi đi đến tận cùng của một cực, ta lại thấy cực kia, nói cách khác, ta tìm thấy phân cực này bên trong phân cực khác, trong Âm có Dương và trong Dương có Âm. Đó là ý nghĩa của hai chấm tròn là mắt cá trắng và mắt cá đen trong biểu tượng Thái Cực.
Các hiền triết cổ xưa đã suy diễn lại sự tạo thành vạn vật. Đó là sự biến hóa, chia phôi của một nguyên thể bất biến. Vạn vật là những trạng thái biến thiên, những tác dụng của một nguyên thể. Trông bên ngoài thì muôn vạn hình thù, vào tới trung tâm thì lại nhất quán, đó là bản chất Nhất Nguyên. “Nhất” là ám chỉ sự thống nhất, sự toàn vẹn, không chia cắt. “Nguyên” có nghĩa là nguyên thủy, cái gốc rễ, cái bản chất của mọi sự vật và hiện tượng.
Từ điều này, ta liên hệ với một quan điểm trong Đạo Phật: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Nghĩa là: “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc”. Câu kinh này muốn chỉ ra sự tương quan, tương hỗ giữa Sắc và Không, giữa hữu hình và vô hình. Nó muốn nói rằng mọi sự vật đều là một thể thống nhất, không thể tách rời. Giữa sự có và không, giữa tồn tại và hư vô luôn có một mối liên hệ mật thiết.
Sắc là hình tướng, vật chất, những gì có thể cảm nhận được bằng các giác quan. Không ngược lại với Sắc là vô hình tướng, không gian, khoảng trống. Sắc là cái có, Không là cái không. Sắc là đồ vật, Không là khoảng trống trong ngoài đồ vật. Đồ vật được xác định và hữu dụng chỉ khi nó tồn tại cùng với khoảng trống. Sự đan xen giữa cái có và cái không là điều kiện tất yếu cho sự tồn tại và vận động của vạn vật. Thực tại là sự hợp nhất giữa cái có và cái không, cái có và cái không chỉ là hai trạng thái ẩn hiện của cùng một thực tại.
Đây là mối quan hệ giữa khả năng và hiện thực. Khả năng là cái không, nhưng không phải hoàn toàn không có gì mà chỉ là chưa hiện hữu rõ ràng. Hiện thực là cái có, cái tồn tại thực nhưng phải bắt nguồn từ khả năng. Nghĩa là, nếu không có khả năng thì cũng không có hiện thực được. Còn hiện thực mất khả năng tồn tại thì cũng sẽ trở thành cái không.
Vì vậy, ta hiểu rằng:
– Sắc chính là Không: Nghĩa là mọi sự vật, dù có hình tướng cụ thể đến đâu, về bản chất đều không có một thực thể độc lập, cố định. Chúng luôn thay đổi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và không tồn tại tuyệt đối.
– Không chính là Sắc: Ngược lại, không gian, sự trống rỗng cũng không phải là một trạng thái tĩnh tại. Nó luôn chứa đựng tiềm năng để tạo thành những sự vật mới.
Ta phải tìm kiếm thực tại ở nơi nào khác? Nó rất đơn giản. Nếu ta hỏi miệng mình có vị gì, thì chỉ có thể trả lời: nó không ngọt mà cũng không đắng, không chua mà cũng không chát, nó là cái gì còn lại sau khi tất cả các vị này không có. Tương tự như thế, khi tất cả mọi khác biệt và phản ứng không còn, cái còn lại là thực tại, đơn giản và chắc chắn.
Ta chỉ có thể nói về thực tại bằng cách thông qua những thứ không phải nó. Muốn biết về cái thật ta phải phủ định cái không thật. Thay vì nhìn sự vật theo tưởng tượng, hãy biết cách nhìn chúng như chúng là. Khi có thể thấy bất cứ cái gì như chính nó là, thì ta cũng thấy chính ta như ta là. Ta phủ định cái không là để trở về với cái ta là. Điều này cũng như lau sạch một tấm gương. Tấm gương cho ta thấy thế giới như chính nó là, thì chính nó cũng cho ta thấy bộ mặt thật của chính ta. Con đường đi tìm Đạo chính là tấm vải lau, hãy dùng nó.
Những gì mà ta có thể chỉ ra như này, như kia thì không thể nào là chính ta. Ta là cái không thể nhận thức được, hay tưởng tượng ra được. Vì chừng nào biết có nghĩa là sự mô tả theo những gì đã biết, qua nhận định và khái niệm, đều bị giới hạn bởi tâm. Biết mình không biết, chính là cái biết thật. Sự khôn ngoan thực sự nằm ở việc nhận ra sự thiếu hiểu biết của chính mình.
Ký ức tạo ra ý nghĩa cho mọi thứ. Thực tại vượt ra ngoài ký ức nên thực tại không chứa đựng ý nghĩa nào cả. Ký ức thuộc về con người, và chính những ý nghĩa mà chúng ta đang ảo tưởng ra đã tạo nên Bản Ngã. Ta cần phải vượt qua Bản Ngã (ảo tưởng cá nhân) và tìm ra Chân Ngã (bản thể ban đầu, bản chất thật) của mình. Chân Ngã thì luôn thuần khiết, còn ký ức được bồi đắp từ khi chào đời và chỉ gói gọn trong kiếp sống của thân xác. Bản Ngã là cái tôi được hình thành qua quá trình sống, trải nghiệm, học hỏi và tương tác với môi trường xung quanh. Nó có thể thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Chân Ngã là cái tôi thật sự, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Nó là phần không thể thay đổi, vĩnh cửu của mỗi chúng ta.
Ta luôn cần một hình mẫu tốt đẹp để học cách trở nên tốt đẹp. Ta luôn cần một hình mẫu mạnh mẽ để học cách trở nên mạnh mẽ. Lúc nào ta cũng cần một hình mẫu để sao chép, ta không thể độc lập vì không biết mình là ai. Nhưng chỉ trong một mình ta mới chịu nhìn vào nội tâm chính mình. Ta là cái chung hay là cái khác biệt? Cái khác biệt không đem lại sự đồng cảm, nó khiến ta tự ti hoặc tự mãn, ta thoát khỏi sự phân biệt đó bằng cách tìm về cái chung. Cái chung thì không phân biệt, đó là cơ sở của sự đồng cảm và khởi sinh lòng từ bi. Ích kỷ là biểu hiện của tính cá nhân. Con đường thoát khỏi tính cá nhân là đi tìm cái chung, cái chung thì không có Bản Ngã.
Chân Ngã lúc nào cũng ở trong ta, chỉ có điều ta bị ràng buộc vào đủ mọi thứ thuộc về Bản Ngã. Tất cả những nhận dạng về chính mình như thế đều sai lạc. Chính vì chúng mà ta cho rằng ta là những gì không phải là ta. Tất cả mọi định nghĩa chỉ áp dụng cho thân xác và những biểu hiện của nó. Một khi nỗi ám ảnh thân xác không còn nữa, ta sẽ trở lại trạng thái tự nhiên mà chẳng cần cố gắng.
Thật ra, chúng ta là cái đại thể trong đó tất cả tính cách con người xuất hiện và biến mất, còn tự thân cái đại thể thì phi nhân cách. Khi đã dứt khoát từ bỏ sự nhận diện sai lầm với thân xác, bản tính đích thực của chúng ta tự hiển hiện là vô hình tướng, vô thân, vô tâm.
Chết là sự thay đổi trong tiến trình sống của một thân xác riêng biệt nào đó. Sự hòa hợp chấm dứt và sự tan rã xảy ra. Chỉ có hàng triệu thân xác được tạo ra và bị hủy diệt, còn bản chất thực tại thì bất sinh và bất tử. Chẳng có ai chết vì chẳng có ai đã được sinh ra.
Cái chết được tạo ra bởi tâm trí con người, nó không tồn tại. Chúng ta được trải nghiệm tất cả các góc cạnh của cái gọi là sự sống. Tôi, bạn, anh ta,… chỉ là các phiên bản của cùng một sự sống, được phân tách bởi cái mà gọi là cái chết. Chúng ta đều trải nghiệm cuộc sống của mỗi người khác nhau, trong tất cả chúng ta.
Quá khứ và tương lai chỉ tồn tại ở trong tâm, thời gian ở trong tâm. Tính nhiều và đa dạng chỉ tồn tại ở trong tâm. Trong thực tại, tất cả ở đây và bây giờ, tất cả là một.
Thời gian chỉ là hình thức của tri giác cảm tính. Bất kỳ cái gì có sự khởi đầu đều có sự kết thúc. Cái giả thì luôn thay đổi, nhưng cái thật thì bất biến. Cái thật không bị giới hạn bởi khái niệm thời gian, không bắt đầu nên không có kết thúc.
Ta thấy mọi sự lẫn lộn và méo mó trong giấc mơ thật hợp lý, bởi vì ta đang nằm mơ, chỉ khi tỉnh dậy ta mới thấy nó vô lý thế nào. Vậy có gì để phủ định thực tại mà ta đang trải nghiệm cũng là một giấc mơ khác, chỉ là ta không nhận ra sự vô lý của nó mà thôi.
Giấc mơ của thân xác được trải nghiệm trong khi ngủ. Nhưng trạng thái thức cũng chỉ là một hình thái khác của giấc mơ, vì nó chỉ là những ảo tưởng trong giới hạn của thân xác, nó là giả, nó không phải cái thật. Ta không cần phải đưa giấc mơ đến một kết thúc nhất định, hay làm cho nó ý nghĩa, cao thượng, vui thú và đẹp đẽ, tất cả những gì cần là nhận ra ta đang nằm mơ, ta cần trở nên Tỉnh Thức.
“Một người đàn ông đi đến tu viện và hỏi một tu sĩ : “Ngài đã học được điều gì từ cuộc sống thầm lặng của mình?”. Nhà sư đang múc nước từ giếng và nói với du khách: “Hãy nhìn xuống giếng và cho tôi biết bạn thấy gì?”. Người đàn ông nhìn vào giếng. “Tôi không thấy gì cả”. Sau một lúc, trong khi vẫn hoàn toàn bình tĩnh, nhà sư nói với vị khách: “Hãy nhìn lại xem, bạn thấy gì trong giếng?”. Người đàn ông vâng lời và trả lời: “Bây giờ tôi nhìn thấy chính mình: hình ảnh phản chiếu của tôi trong nước”. Nhà sư nói: “Bạn thấy đấy, khi tôi thả xô xuống nước chuyển động. Tuy nhiên, bây giờ nước đã tĩnh lặng. Và đây là trải nghiệm của sự im lặng: con người nhìn thấy chính mình!”. Hôm nay, hãy chọn một góc yên tĩnh và tận hưởng sự im lặng.”
– Claudia Pasquariello –
Hình tướng có sẵn hay được sinh ra?
Bản chất là gì? Đó là cái được cho đã nuôi dưỡng và tạo ra hình tướng. Bên trong hình tướng này ta sẽ tìm thấy hình tướng khác, và luôn thấy vô hạn không thể khám phá hết. Bản chất chỉ là hình tướng chưa được tìm thấy, nên bản chất hay hình tướng vốn chỉ là một.
Khi một thân xác chết đi nó dần tan rã và biến mất vào tự nhiên, nhưng nó không thực sự biến mất mà chỉ dần phân nhỏ cho đến vô hạn. Và từ những hạt nhỏ li ti đó lại dần kết tinh thành một hình thái vật chất khác và biết đâu lại thuộc về một thân xác khác.
Tất cả những thứ con người chế tạo được dù mới mẻ về hình thù cũng đều phải khai thác nguyên liệu từ tự nhiên, và cũng chỉ là chuyển hóa chúng từ dạng này sang dạng khác chứ không thực sự sinh ra thêm. Vì vậy, tất cả mọi thứ trong vũ trụ đều có sẵn và chỉ chuyển hóa theo các hình thức khác nhau, không có thêm hay bớt. Vì vậy, Đạo không tăng cũng không giảm.
Duyên
Mọi thứ xảy ra một cách ngẫu nhiên hay được sắp đặt?
Nếu được sắp đặt thì luôn phải có một sự sắp đặt đằng sau đến vô tận. Nếu vậy thì chẳng tồn tại cái nguồn gốc đầu tiên nào cho mọi thứ. Con người thích tưởng tượng có một đấng sáng tạo có ý chí giống như mình, với quyền năng vô hạn và đã tạo ra mọi thứ trong vũ trụ này. Vậy ai sẽ tạo ra đấng sáng tạo đó? Và cái nguồn gốc tối thượng đó biết đâu có thể lại được tạo nên từ một sự ngẫu nhiên. Dù sự ngẫu nhiên có xác xuất thấp như thế nào thì nó luôn có thể xảy ra. Sự ngẫu nhiên là vô hạn, còn sự sắp đặt chỉ đúng trong cái giới hạn nào đó thôi.
Con người khám phá thế giới và thấy rằng mọi cấu trúc và sự phức tạp của mọi sự vật trong tự nhiên thật vi diệu, nó không thể được tạo ra một cách ngẫu nhiên được. Nhưng cũng phải biết rằng, con người đối với vũ trụ chỉ như một hạt cát trong sa mạc vô tận, và sự đơn giản của vũ trụ đối với con người thì lại trở nên vô cùng phức tạp.
Cái nhỏ nằm trong cái lớn, cái nhỏ chịu tác động của cái lớn. Có thể nói, cái nhỏ được cái lớn sắp đặt với nhau. Cái lớn nhìn cái nhỏ với sự ngẫu nhiên, cái nhỏ nhìn cái lớn với sự sắp đặt.
Con người đề cao sự sắp đặt vì hợp với óc logic của nó. Nhân Quả tồn tại khi con người dùng suy nghĩ để hợp lý hóa những gì đang xảy ra. Nó tưởng tượng một thẩm phán tối cao sẽ khiến mọi thứ công bằng. Còn nếu đứng ra ngoài suy nghĩ ta lại thiên về sự ngẫu nhiên vì muốn thoát ra khỏi logic, thoát ra khỏi giới hạn của bộ óc.
Chúng ta chỉ quan tâm đến những món trang sức bằng vàng, mà không quan tâm đến bản chất của chúng đều chỉ là vàng. Giữa những món trang sức khác nhau không hề có liên hệ Nhân Quả. Khi ta nấu chảy một món trang sức để làm thành món khác, không hề có liên hệ Nhân Quả giữa hai món. Yếu tố chung là vàng, nhưng ta không thể nói vàng là nguyên nhân. Vàng không thể được gọi là nguyên nhân, vì tự thân vàng chẳng tạo ra món trang sức nào. Nó được phản chiếu trong tâm như tên gọi và hình dáng riêng của món trang sức, nhưng tất cả đều là vàng. Cũng cách đó, thực tại làm cho mọi vật khả hữu, nhưng không có gì làm cho một vật như nó là, danh xưng và hình tướng của nó từ thực tại mà ra.
Không có ý nghĩa nào khác trong thế giới này ngoài ý nghĩa mà chúng ta mang đến cho nó. Mọi tính hợp lý và những sự diễn giải đều là sản phẩm của tâm. Con người thì lý tính còn vũ trụ thì phi lý. Không có người tốt hay người xấu, điều gì xảy ra là xảy ra, và nó cũng có thể xảy ra với một người tốt cũng như với một người xấu. Tại bất cứ thời điểm nào, bất cứ điều gì cũng có thể xảy đến với bất cứ ai.
Thời vận
Con người là một tiến trình hoạt động trong hình thức một thân xác, cái thân xác mà ta vẫn định nghĩa nó là sự sống. Và cái tiến trình đó cũng chỉ là một phần trong một tiến trình lớn hơn thôi. Cái lớn hơn chi phối cái nhỏ hơn. Nếu ta là một con cá trong dòng chảy, ta không thể thay đổi sự quyết định của dòng chảy đó. Những gì xảy ra với mỗi người là kết quả của một chuỗi sự kiện phức tạp, vượt xa tầm kiểm soát của cá nhân.
Dòng chảy vũ trụ bao trùm và cũng tồn tại bên trong nội tại vạn vật, từ đó chi phối và kéo theo tất cả. Nhưng đa số chúng ta vẫn chấp nhặt vào tiểu tiết, và chỉ dám nghĩ trong thế giới quan của mình. Vậy nên, tâm trí không thể mở mang để nhìn thấy cái bao quát và lớn lao hơn. Mỗi sự xuất hiện và biến mất, đến và đi đều là vì dòng chảy đó mà không bởi một nguyên nhân cụ thể nào. Đôi khi, ta phát hiện có nhiều thứ tương đồng xảy ra vào cùng một không gian và thời điểm. Đó là một sự biến chuyển lớn lao và sự tác động bao phủ lên những thứ thuộc nội vi của nó, và cái ý thức nhỏ bé trong nó thì khó mà có thể nhận ra được.
Âm Dương
Bản chất của tâm là phân chia và gây đối nghịch, nó tạo nên hai chiều hướng đối lập và không bao giờ chấm dứt. Hai chiều hướng, hai mặt đối lập nhau nhưng không tách biệt không gian và thời gian nên thoát khỏi mặt này thì tức là thoát khỏi mặt kia, chúng tăng giảm cùng nhau tạo nên sự cân bằng Âm Dương.
Âm Dương không sinh ra một cách đơn độc, sinh Âm tất cũng sẽ sinh Dương, sinh Dương tất cũng sẽ sinh Âm. Khi một ý niệm nảy sinh thì một ý niệm đối lập cũng nảy sinh cùng nó. Có cái tốt là vì được so sánh với cái xấu, có cái đúng là vì được so sánh với cái sai. Có yêu tất có ghét, có vui tất có buồn. Một mặt hiện thì mặt kia ẩn, ta chỉ nhìn thấy mặt hiện mà không nhận ra mặt ẩn, mặt ẩn tuy không bộc lộ nhưng chắc chắn tồn tại, gặp thuận lợi là đảo ngược.
Đau khổ và phấn khích cũng là hai chiều hướng của sự phân cực đó. Suốt nhiều năm chúng ta tìm kiếm hạnh phúc. Ta không thể tìm ra nó, vì một cái mà bản chất vốn dĩ bất an thì không thể nào an. Người ta đau khổ và tìm thuốc giảm đau trong phấn khích. Tất cả hạnh phúc mà con người có thể hình dung được là ở trong sự bảo đảm cho phấn khích được tái diễn.
Ta theo đuổi phấn khích, nhưng cũng lại chạy trốn mặt trái của nó là đau khổ. Sự phấn khích đưa ta lên cao bao nhiêu thì khiến ta ngã đau bấy nhiêu, đau khổ đến từ sự sụp đổ của phấn khích. Hai mặt là hai nhưng chúng sinh ra và hiện hữu cùng nhau, mặt này được định nghĩa từ mặt kia, vì vậy bản chất là một. Ta theo đuổi và chạy trốn cùng một thứ để rồi rơi vào cái vòng luẩn quẩn.
Trên thực tế, thế giới này không có sự phân biệt giữa tốt và xấu, chẳng phải tất cả những thứ đó đều là do con người tự gán cho sao. Người có ít hơn thì muốn lấy, người có nhiều hơn thì muốn ban phát. Người lấy trở thành xấu, người cho trở thành tốt. Con người luôn dao động giữa xấu và tốt. Từ xấu trở thành tốt, rồi lại từ tốt trở thành xấu. Chẳng ai xấu hoàn toàn, và chẳng ai tốt hoàn toàn. Con người biết ích kỷ thì cũng biết hy sinh, nên sự ghét và yêu dành cho cùng một con người.
Thứ gì hữu hạn sẽ dẫn đến sự tranh giành, có người được thì có kẻ mất. Ta vướng mắc vào sự được mất nên chẳng thể an lòng. Khi hai chiều hướng đối lập xuất hiện, lòng tham mới dần bộc lộ. Lòng tham là bản chất con người, nó là sự dao động trong tâm con người. Được lòng ta mất lòng người, được lòng người mất lòng ta. Chọn chiều hướng nào thì cũng là mâu thuẫn giữa được và mất.
Tâm tạo ra hai chiều hướng đối nghịch, tận cùng của hai chiều hướng là hai cực điểm, ta sẽ dao động trong giới hạn đó, hoặc sẽ trở nên thiện hoặc sẽ trở nên ác đó là bản tính tự nhiên của tâm. Nằm chính giữa của hai cực điểm đối xứng là trung tâm, là điểm không dao động. Đó là sự an lạc, tĩnh lặng, lắng nghe,… Đạo là đạt đến trung tâm cuộc sống, nó nằm ngoài thiện ác, đúng sai, hay dở,… nằm ngoài mọi danh và tượng. Vì vậy, muốn được Đạo, muốn có hạnh phúc thật sự, phải bỏ cái óc phân chia sự vật.
Như vậy, vạn vật trong vũ trụ hiện hữu đều do hai yếu tố: Đạo và Đức. Đạo là nguồn gốc của vũ trụ, là trung tâm cuộc sống, nó không có tính cách riêng nên nằm ngoài thiện ác, đúng sai, hay dở,… nghĩa là tuyệt đối. Đức là chỉ sự phân chia tính cách, là thiện ác, đúng sai, hay dở,… nghĩa là tương đối.
Ý thức
Nếu dựa theo quan điểm Lục Căn trong Đạo Phật, thì ngoài 5 căn Mắt/Tai/Mũi/Lưỡi/Thân ra thì Ý là “giác quan” thứ 6, và nó để tiếp nhận Pháp, Pháp là đối tượng của ý, đó là những suy nghĩ. Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân chạm, ý thức. Thức là hành vi của Ý. Ý thức là chỉ việc nhận ra, tiếp nhận những suy nghĩ. Cũng giống như 5 giác quan kia, mỗi thứ đều bị hấp dẫn với Sắc/Âm/Hương/Vị/Xúc thì Ý bị hấp dẫn với Pháp là những suy nghĩ, sáng kiến, tưởng tượng,… khiến cho ta lan man và vướng mắc vào chúng.
Ý thức là một sự tự nhận thức. Nhưng ý thức thì không thể nhận biết được chính nó, vì sự nhận biết chỉ xảy ra khi có sự tách biệt chủ thể và đối tượng. Cũng giống như mắt không thể nhìn thấy mắt, mũi không thể biết mùi của mũi, miệng không thể biết vị của miệng,…
Ý thức của ta chỉ trong phạm vi thân xác này mà thôi. Nếu ý thức là một thể bao phủ và tồn tại trong tất cả mọi thứ thì ta đã phải đọc được suy nghĩ của người khác.
Suy nghĩ
Suy nghĩ là một hoạt động phức tạp trong phạm vi bộ óc. Cách thức của suy nghĩ là logic và tạo ra các khái niệm theo hai chiều hướng đối lập. Ngôn từ sinh ra từ tư duy con người. Hễ sử dụng nó không thể tránh khỏi đối lập. Sự suy diễn của logic sẽ tạo ra vô số góc nhìn khác nhau, nhưng đều chỉ xoay quanh một hiện tượng mà không thể mô tả phần bản chất không thấy. Cái biết mà có thể phân tích, giải thích thì không phải cái biết thật vì đã vướng mắc vào suy nghĩ của bộ não. Mọi lý thuyết chỉ là dẫn dắt và khơi dậy, không bao giờ có định nghĩa cụ thể.
Nếu không có một câu trả lời thỏa đáng, ta cứ mãi bế tắc trong câu hỏi đó. Suy nghĩ chỉ thỏa mãn khi nó có câu trả lời, chỉ khi đó suy nghĩ mới để yên cho ta. Nếu có một câu trả lời thỏa đáng, ta sẽ lại nghĩ ra được một câu hỏi khác, và không có hồi kết. Phải trở nên bối rối trong logic ta mới chịu thoát ra khỏi nó.
Suy nghĩ là phản ánh của những gì ta tiếp thu từ tự nhiên. Suy nghĩ không hoạt động nếu không có ký ức, suy nghĩ không mới mẻ. Suy nghĩ học logic từ đâu? Con người quan sát mọi thứ và nhận ra điểm tương đồng, từ đó tìm thấy quy luật và đúc kết thành công thức. Công thức đó định hình suy nghĩ khiến nó khó mà thoát ra khỏi khuôn khổ đó. Để tìm ra công thức khác, ta phải có một trải nghiệm khác. Trước khi con người tìm ra công thức, phải có đối tượng hoặc trải nghiệm để rút ra công thức. Sự sáng tạo bởi suy nghĩ chỉ là áp dụng công thức cũ cho một đối tượng khác. Dần dần con người ngày càng có được nhiều công thức phức tạp hơn. Nhưng có lẽ những cảm nhận ban đầu về đối tượng thì không thay đổi, chỉ có các góc nhìn về nó thì ngày càng phức tạp và đa dạng hơn, có nhiều tính đúng sai trong đó hơn.
Khi sự lặp đi lặp lại đủ nhiều sẽ tạo ra một niềm tin tuyệt đối và ta bám víu vào nó. Đó chỉ là những cái đúng đắn cũ kỹ như những con thiên nga trắng, nếu thiên nga đen không xuất hiện thì ta luôn tin rằng ta là sự đúng đắn nhất. Sự phát triển đến từ việc tìm ra cái đúng hơn. Trải qua biết bao sự đi tìm đã chứng minh rằng, cái đúng nhất bây giờ thì sau này vẫn luôn tìm được cái đúng hơn. Có lẽ chính việc đi tìm đã dẫn ta đi qua những cái sai cũ để tìm được những cái sai mới hơn.
Những gì tồn tại vì nó tồn tại tự nhiên như vậy, những gì xảy ra vì nó xảy ra tự nhiên như vậy. Nhưng ta cố chấp gán cho nó một lý do, một ý nghĩa và tìm cách chứng minh. Càng chứng minh lại càng dẫn đến một kết quả tương đối, đúng với người này lại sai với người khác. Những sự tranh cãi xung quanh một điều tuyệt đối, chỉ vì ta cố gắng tìm cách chứng minh mà biến hóa ra biết bao góc nhìn tương đối.
Năng lượng
Suy nghĩ giống như những giọng nói bên trong nội tâm và ta không thể dừng nó lại. Vậy thì, giọng nói nội tâm đến từ đâu và ai đang kiểm soát nó?
Giọng nói nội tâm xuất hiện khi thân xác này bắt đầu nhận thức được thế giới. Tâm càng chứa đựng nhiều thì càng nhiều giọng nói. Giọng nói đó giống như một sự thúc đẩy. Thân xác khác nhau, mỗi cá nhân lại có sự thúc đẩy khác nhau, tạo nên tính cách khác nhau. Ta không biết tại sao ta muốn một điều, ta không tự do khỏi mong muốn cá nhân. Nhưng khi ta “thức tỉnh” khỏi “giấc mơ” cá nhân, ta tự do khỏi mong muốn, và ở một “chiều cao hơn”, không có tính cá nhân nào. Vậy thì, giọng nói nội tâm chẳng phải chính là “ảo tưởng” đến từ thân xác hay sao?
Nhưng đối với những người có khả năng ngoại cảm thì sao? Điều đó nghĩa là có những giọng nói đến từ cá nhân, và cũng có cả đến từ bên ngoài cá nhân, đó là sự kết nối giữa cá nhân và tổng thể, giữa cái đang tồn tại và cái dường như không tồn tại.
Giọng nói nội tâm là sản phẩm của một cái tôi luôn khao khát tồn tại và khẳng định bản thân. Nó là sự kết hợp phức tạp giữa bản năng, ký ức và những ảnh hưởng từ môi trường. Khi chúng ta nhận thức được tính tương đối của những tiếng nói này, chúng ta có thể vượt qua giới hạn của bản ngã và kết nối với một thực tại rộng lớn hơn. Giọng nói nội tâm cũng là cầu nối giữa thế giới hữu hình và vô hình. Nó là sự giao thoa giữa ý thức cá nhân và vũ trụ bao la. Một số người có khả năng lắng nghe những tiếng nói vượt qua giới hạn của cá nhân, nhận biết được những thông tin từ một chiều kích khác. Điều này gợi mở về sự tồn tại của một ý thức chung, một trường năng lượng kết nối tất cả mọi sinh vật.
Tinh thần là gì? Tinh nghĩa là tinh hoa, tinh túy, tinh khiết. Nó ám chỉ những gì quý giá nhất, là cốt lõi, bản chất của một sự vật, hiện tượng. Thần nghĩa là sự ám chỉ phần phi vật chất, không thể nhìn thấy, nhưng lại chi phối hành vi, tư tưởng và cảm xúc của con người. Tinh thần là năng lượng, là sức mạnh nội tại bên trong con người. Nguồn năng lượng tinh thần từ đâu mà sinh ra? Và ta có thể làm chủ hoặc thay đổi nó không? Nhiều triết gia và tôn giáo quan niệm rằng tinh thần là một phần của vũ trụ, là sợi dây liên kết giữa con người với một thực tại cao hơn. Năng lượng tinh thần có thể được coi là một dạng năng lượng vũ trụ. Nó tồn tại trong mỗi con người như một dòng chảy nhỏ thuộc về cả dòng chảy lớn.
Năng lượng tinh thần không có tiếng nói, nhưng nó là nguồn gốc tiềm ẩn của tiếng nói nội tâm. Nó chi phối và thúc đẩy ta trong lặng lẽ. Ta luôn bị thúc đẩy để trở thành tính cách mà sẽ dẫn lối ta đến với vận mệnh của mình, và toàn bộ năng lượng phải được chuyển hóa thì ta mới thoát khỏi sự ràng buộc ấy. Khi mà vẫn còn xuất hiện những câu hỏi trong cuộc sống thì ta vẫn phải theo đuổi và không ngừng nghĩ về nó. Sự thôi thúc sẽ dẫn ta đi đến tận cùng để tìm ra đáp án cho tất cả, tìm ra chân lý bất biến. Những hành trình sẽ dần đi đến kết thúc để rồi rơi vào lãng quên, quên càng nhiều thì cái tâm càng trong sạch. Ta giống như một chiếc bình rỗng để lại đón nhận những điều mới mẻ khác. Cho đến lúc chẳng còn điều gì là mới mẻ với ta nữa sẽ là một điểm dừng hoàn toàn tĩnh tại.
Ký ức chính là năng lượng, vì khi hồi tưởng lại những gì đã qua, ta luôn bị kích thích và thúc đẩy. Những trải nghiệm chính là việc tích góp năng lượng và lưu vào ký ức. Mọi thứ ta tiếp xúc đều phát ra năng lượng vô hình, và các giác quan là cánh cổng hấp thụ những năng lượng đó. Bản thân ta cũng là một trường năng lượng, các trường năng lượng hấp dẫn nhau nhưng cũng có thể xung đột nhau. Năng lượng của ta tập trung vào khía cạnh nào sẽ hấp dẫn những người ở khía cạnh đó.
Có một thứ năng lượng là niềm tin. Các tôn giáo có học thuyết khác nhau nhưng điểm chung là đều khiến các đệ tử có một niềm tin vào điều gì đó. Cơ chế đó mang đến cho người đi theo nguồn năng lượng về tinh thần. Nó cũng tác động không nhỏ đến thái độ và hành xử của một tập thể.
Khi năng lượng không được giải phóng, ta cảm thấy bức xúc, nhưng khi thiếu năng lượng, ta trở nên trì trệ và không thể tập trung vào bất cứ điều gì. Năng lượng có thể được tập trung vào một việc cụ thể, nhưng lại không thể dùng cho một việc khác. Có thể nói, biểu hiện của năng lượng chính là những ý muốn, nhưng ta lại không thể làm chủ ý muốn. Sự thay đổi tâm trạng chính là những biến động của năng lượng. Những năng lượng đó tưởng chừng thuộc về thân xác này, nhưng lại vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của ta.
Các dòng suy nghĩ như các dòng năng lượng vậy. Để làm chủ năng lượng phải là một thứ không phải chính nó. Năng lượng biểu hiện qua các hoạt động của tâm trí, đó là sự cố gắng, kiểm soát, kìm nén, chống đối,… Vì vậy, trạng thái làm chủ năng lượng phải là trạng thái không phải năng lượng, đó là sự tĩnh tại. Sự tĩnh tại đó đến từ việc nhận biết, cảm nhận những gì đang diễn ra. Khi ta không còn tập trung vào đối tượng của dòng suy nghĩ, mà chính dòng suy nghĩ là đối tượng của ta, thì ta đã tự đặt mình vào vị trí của chủ thể vô cùng tĩnh tại và sáng suốt. Bây giờ, ta là kẻ lựa chọn những suy nghĩ của mình.
Tâm
Tâm mà đã bị bao phủ bởi quá nhiều lớp lang khái niệm và định kiến thì chẳng bao giờ có thể nhìn sự vật, sự việc như nó vốn có, vì lăng kính đầy bụi phủ mờ nên mất đi cái cảm với hiện tại. Hễ cái tâm mà đã có tính cách thì đã có thiên vị, mà thiên vị thì không đưa ta đến sự thật. Nên muốn có cái tâm trong trẻo thì phải dọn dẹp cho sạch banh không còn gì cả.
Cái đã biết là giới hạn, nếu cứ vướng mắc vào cái đã biết thì chỉ luôn tự cao tự đại trong một miệng giếng, không bao giờ học được sự khiêm tốn. Cái biết thuộc về tâm, muốn đi xa hơn cái biết thì phải chịu buông tâm của mình ra. Từ cái hữu tìm đến cái vô. Từ hỗn độn tìm đến tĩnh lặng. Ta quan sát cái hữu bằng cách đặt mình vào cái vô. Khi đã hướng sự quan sát vào hỗn độn chẳng phải ta đã tự đặt mình vào tĩnh lặng rồi sao.
Nhưng đừng quan trọng cái vô trông ra sao. Cũng giống như mắt không thể nhìn thấy mắt, mũi không thể biết mùi của mũi, miệng không thể biết vị của miệng,… nhưng chúng lại giúp ta nhận ra biết bao nhiều điều. Bản chất của tâm không phải là những cái mà nó nhận biết.
Ta cứ vội vã chạy từ điểm này đến điểm kia trong cuồng loạn để hơn bạn, hơn bè, hơn đời nhưng dần dần mới nhận ra biết bao sự thiếu sáng suốt, tưởng nhanh mà chậm. Rồi trong một khoảng lặng bất chợt cái cần đến đã tự đến, tưởng chậm mà lại nhanh. Tâm để vào dòng chảy thì cuốn theo dòng chảy, muốn chiêm ngưỡng dòng chảy phải để tâm ra ngoài nó chứ, và biết đâu ta học được gì từ sự quan sát đó.
Khi không còn sự để tâm, ta lại thu hoạch được điều gì đó. Càng tập trung tư tưởng ta càng bị trói buộc vào những định kiến sẵn có, và loay hoay trong những lối mòn. Đi tìm thực tại là đi tìm sự quên, ta đi tìm bằng cách không đi tìm. Cái không biết sẽ chẳng lộ diện trước một tâm trí bị vây chặt bởi ham muốn và khao khát. Cái muôn vàn bị núp bóng và thực tại trở nên vô hình, vì một đôi mắt sáng chỉ khiến ta đui mù qua những gì nó nhìn thấy.
Tĩnh lặng là bản chất của cội nguồn, năng động là bản chất của bề mặt. Tĩnh lặng là một dạng phi năng lượng, và nó là nguồn gốc của mọi loại năng lượng khác. Cái tâm động lấy đi biết bao nhiêu năng lượng, thì trong tĩnh lặng năng lượng lại được tích tụ. Và khi đã đủ năng lượng cho mình, phần còn lại ta lan tỏa tới người khác.
Tĩnh tại
Tĩnh tại là một điểm cố định, còn sự vận động chỉ xảy ra khi có sự phân chia hai điểm. Sự sống là vận động, mà sự vận động nào cũng có hai chiều hướng, từ điểm này đến điểm kia và ngược lại. Suy nghĩ là biểu hiện của một sự sống năng động, nên nó luôn dịch chuyển theo hai chiều hướng. Vì vậy, vui buồn, yêu ghét, sướng khổ,… là biểu hiện của một sự sống năng động. Ta cảm thấy mình được sống chỉ khi trái tim vẫn còn rung động. Vì vậy, dù có trở nên phấn khích hay đau đớn thế nào thì sự sống trong ta vẫn đeo bám lấy những trạng thái đó.
Cái suy nghĩ mà ta có trong đầu, bản thân nó không phải vấn đề. Vấn đề là ở chỗ mâu thuẫn giữa hai suy nghĩ thuận và nghịch, giữa nên và không nên, giữa có thể và không thể, điều đó khiến ta trở nên bối rối.
Việc lựa chọn trạng thái tĩnh tại có phải là đang phủ nhận sự sống không? Tại sao sự năng động tự nhiên đó trở thành vấn đề? Sự hợp nhất của hai chiều hướng dẫn đến điều gì? Tại sao ta có thể tìm thấy một sự tĩnh tại trong tâm của sự sống năng động này, giống như mắt bão, nơi sự tĩnh tại nằm ngay giữa tâm bão?
Sự tĩnh tại đến từ việc xuôi theo những gì đang xảy ra. Khi ta và sự vật có cùng tốc độ, ta đã đứng yên đối với nó. Đó là sự buông bỏ mọi kháng cự, mọi cố gắng kiểm soát. Hoặc theo một quan điểm khác, sự tĩnh tại đó tồn tại dường như tách biệt nhưng lại nuôi dưỡng sự sống này, đó là nguồn gốc sự sống. Sự sống chỉ là hiện tượng bên ngoài, còn điều gì đó ẩn chứa bên trong.
Sự nhận biết đến bất ngờ trong một khoảnh khắc nào đó, mà không phải cứ dùng suy nghĩ là có thể tìm được. Khi sự nhận biết xảy ra, ta mới phát hiện và dùng suy nghĩ để diễn giải về nó. Ta lại tiếp tục dùng suy nghĩ và ngôn từ để dẫn dắt người khác tìm thấy trạng thái đó. Nhưng người khác cũng lại dùng suy nghĩ để cố gắng tìm cách phủ nhận nó. Bởi vì, suy nghĩ không thể đem lại cảm nhận chân thật hay là sự mới mẻ, nó chỉ là những ảo tưởng.
Mỗi sự nhận biết đều đưa ta đến tĩnh tại, nhưng rõ ràng bản thân ta chẳng có khả năng đó, mà giống như ta đã được cất nhắc vậy. Khi đó, ta ở một chiều cao hơn.
Sự tĩnh tại mà ta thường có chỉ là ở trong vùng an toàn, nhưng nếu bước ra khỏi đó thì bắt đầu hỗn loạn. Đây không phải sự tĩnh tại mà ta tìm kiếm. Vậy ta phải đi đâu? Dạo chơi trong những biến thiên, ta sẽ tìm ra những gì bất biến. Bằng cách phát hiện những gì thay đổi, ta sẽ tìm ra những gì không thay đổi. Đó là nơi khởi đầu, đó là sự hoá giải cho những mâu thuẫn. Khi đào sâu vào cội nguồn vấn đề ta sẽ tìm thấy nó, ta ở lại với nó, còn những biến thiên chỉ tồn tại ở trên bề mặt.
Vậy những biến thiên mà ta chưa gặp thì sao? Bài học cũ vẫn áp dụng được cho bài học mới. Sự bất biến không phân biệt cái cũ và cái mới. Điều quan trọng, bài học chỉ đúng khi có người cần học. Ta không thể đưa câu trả lời cho một người không đặt câu hỏi.