Điều đầu tiên: cách thức con người được nuôi dưỡng giữ một vai trò rất xác định trong việc đó. Nếu bạn bất hạnh, bạn được cái gì đó từ nó, bạn bao giờ cũng thu được. Nếu bạn hạnh phúc, bạn bao giờ cũng mất.
Ngay từ chính ban đầu đứa trẻ tỉnh táo bắt đầu cảm thấy sự phân biệt. Bất kì khi nào nó bất hạnh, mọi người đều thông cảm với nó; nó có được sự thông cảm. Mọi người cố gắng hướng tình yêu về nó; nó có được tình yêu. Và thậm chí còn hơn thế, bất kì khi nào nó bất hạnh mọi người đều chú ý tới nó – nó có được sự chú ý. Sự chú ý có tác động tựa như thức ăn cho bản ngã, sự kích thích rất ngây ngất. Nó cho bạn năng lượng; bạn cảm thấy mình là ai đó. Do đó mới có biết bao nhu cầu, có biết bao ham muốn được chú ý tới.
Nếu mọi người nhìn bạn, bạn trở nên quan trọng. Nếu không ai nhìn bạn, bạn cảm thấy dường như bạn không có đó, bạn không còn nữa, bạn không hiện hữu. Những người nhìn bạn, những người chăm sóc bạn, đem lại cho bạn năng lượng.
Bản ngã tồn tại trong quan hệ. Càng nhiều người chú ý tới bạn, bạn càng thu được nhiều bản ngã. Nếu không ai nhìn bạn, bản ngã tan biến. Nếu mọi người hoàn toàn quên mất bạn, làm sao bản ngã có thể tồn tại được? Làm sao bạn có thể cảm thấy bạn đang hiện hữu? Do đó cần có hội, hiệp hội, câu lạc bộ. Câu lạc bộ có trên khắp thế giới, hàng triệu câu lạc bộ và hội. Những hội và câu lạc bộ này tồn tại chỉ để đem cho sự chú ý tới những người không thể có được sự chú ý theo các cách khác.
Ngay từ ban đầu trẻ con đã học chính trị. Chính trị là: trông bất hạnh, khổ sở, thế thì bạn được sự thông cảm, thế thì mọi người chú ý tới. Trông ốm yếu – bạn trở nên quan trọng. Đứa trẻ ốm trở thành kẻ độc tài; cả gia đình phải theo nó – bất kì điều gì nó nói cũng là luật lệ.
Khi nó hạnh phúc chẳng ai nghe nó. Khi nó mạnh khoẻ chẳng ai chăm sóc nó. Khi nó hoàn hảo chẳng ai chú ý tới. Ngay từ ban đầu chúng ta bắt đầu chọn bất hạnh, khổ sở, buồn tủi, bi quan, phía tối hơn của cuộc sống. Đấy là một điều.
Điều thứ hai có liên quan với nó là: bất kì khi nào bạn hạnh phúc, bất kì khi nào bạn vui vẻ, bất kì khi nào bạn cảm thấy cực lạc và phúc lạc, mọi người đều ghen tị với bạn. Ghen tị nghĩa là mọi người đối kháng, không ai thân thiện; vào khoảnh khắc đó mọi người đều là kẻ thù. Cho nên bạn đã học không tỏ ra cực lạc, không biểu lộ niềm phúc lạc của mình, không cười to.
Đây là kiểu xã hội gì vậy? Nếu ai đó bất hạnh mọi thứ là tốt; người đó phù hợp bởi vì toàn thể xã hộI ít nhiều cũng bất hạnh. Người đó là một thành viên, người đó thuộc về chúng ta. Nếu ai đó trở nên cực lạc chúng ta nghĩ người đó gàn dở, hâm hâm. Người đó không thuộc về chúng ta – và chúng ta cảm thấy ghen tị.
Xã hội không thể cho phép cực lạc. Cực lạc là cuộc cách mạng vĩ đại nhất. Tôi nhắc lại điều đó: cực lạc là cuộc cách mạng vĩ đại nhất. Nếu mọi người trở nên cực lạc thì toàn bộ xã hội sẽ phải thay đổi, bởi vì xã hội này dựa trên khổ sở.
Trở nên tỉnh táo. Mỗi khoảnh khắc khi bạn chọn lựa khổ, hãy nhớ: đây là chọn lựa của bạn. Thậm chí sự lưu tâm này sẽ có ích – tỉnh táo biết rằng đây là sự chọn lựa của mình và mình chịu trách nhiệm, và đây là điều mình đang làm cho bản thân mình, đây là việc làm của mình. Ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt. Phẩm chất của tâm trí sẽ thay đổi. Sẽ dễ dàng hơn cho bạn để đi tới hạnh phúc.
Và một khi bạn biết rằng đây là chọn lựa của bạn, thế thì toàn thể sự việc đã trở thành trò chơi. Thế thì nếu bạn thích khổ, cứ việc khổ, nhưng nhớ đây là chọn lựa của bạn và đừng phàn nàn. Không ai khác chịu trách nhiệm cho điều đó. Đây là vở kịch của bạn. Nếu bạn thích cách này, nếu bạn thích cách khổ, nếu bạn muốn trải qua cuộc sống trong khổ sở, thế thì đây là chọn lựa của bạn, trò chơi của bạn. Bạn đang chơi nó – chơi cho hay!
Bạn sẽ để ý vài điều: khi bạn khổ bạn là người tuân thủ. Xã hội thích điều đó, mọi người kính trọng bạn, bạn có được sự kính trọng lớn lao. Bạn thậm chí trở thành thánh nhân; do đó thánh nhân của bạn tất cả đều là người khổ. Khổ này được viết to lên khuôn mặt của họ, trong đôi mắt họ. Bởi vì họ là người khổ nên họ chống lại mọi vui vẻ. Họ kết án mọi vui vẻ là chủ nghĩa khoái lạc; họ kết án mọi khả năng của vui vẻ là tội lỗi. Họ là người khổ và họ muốn thấy toàn thế giới khổ. Thực tế trong thế giới khổ họ mới có thể được nghĩ là thánh nhân!
Tôi đã thấy nhiều thánh nhân, và tôi đã nhìn vào trong các kiếp sống của thánh nhân quá khứ của bạn. Chín mươi chín trong số một trăm thánh nhân đơn giản là bất thường – thần kinh hay thậm chí tâm thần. Nhưng họ đã được kính trọng – và họ đã được kính trọng bởi khổ của họ, nhớ lấy. Họ càng sống qua khổ nhiều, họ càng được kính trọng nhiều. Đã có những thánh nhân có thể đánh đập thân thể mình bằng roi mọi ngày, và mọi người sẽ tụ tập để xem khổ hạnh lớn lao này, chủ nghĩa khổ hạnh, trừng phạt. Người vĩ đại nhất là người có vết thương trên khắp thân thể mình – và những người này được coi là thánh nhân đấy! Đã có những thánh nhân phá huỷ đôi mắt mình, bởi vì chính qua đôi mắt mà người ta trở nên nhận biết về cái đẹp, và thèm khát nảy sinh. Và họ đã được kính trọng bởi vì họ đã phá huỷ đôi mắt của mình. Họ đã được trao cho đôi mắt để thấy cái đẹp của sự tồn tại, nhưng họ đã quyết định trở nên mù. Đã có những thánh nhân cắt đi bộ phận sinh dục của mình, và họ đã được kính trọng rất nhiều, vô cùng, bởi lẽ đơn giản là họ đã tự huỷ diệt mình, bạo hành với chính mình. Những người này đều bệnh hoạn về tâm lý.
Nhìn vào khổ của bạn và bạn sẽ thấy những điều nền tảng nào đó. Nó cho bạn sự kính trọng. Mọi người cảm thấy thân thiện hơn hướng tới bạn, thông cảm hơn. Bạn sẽ có nhiều bạn bè hơn nếu bạn khổ. Đây là thế giới rất kì lạ, cái gì đó sai từ nền tảng với nó. Người hạnh phúc phải có nhiều bạn hơn chứ. Nhưng cứ hễ hạnh phúc là mọi người trở nên ghen tị với bạn, họ không còn thân thiện nữa. Họ cảm thấy bị lừa; bạn có cái gì đó mà không sẵn có với họ. Sao bạn lại hạnh phúc? Cho nên chúng ta đã học qua nhiều thời đại một cơ chế tinh vi để kìm nén hạnh phúc và bày tỏ khổ. Nó đã trở thành bản tính phụ.
Bạn phải vứt bỏ cơ chế này đi. Học cách hạnh phúc và học cách kính trọng người hạnh phúc và chú ý nhiều hơn tới người hạnh phúc. Điều này sẽ là phục vụ lớn lao cho nhân loại. Đừng thông cảm quá nhiều với những người khổ. Nếu ai đó đang khổ, giúp đỡ nhưng đừng thông cảm. Đừng cho người đó ý tưởng rằng khổ là cái gì đó đáng giá. Để người này cảm thấy rằng khổ là xấu, rằng khổ không phải là cái gì đó đức hạnh, rằng người đó không làm việc phục vụ lớn lao nào cho nhân loại.
Hạnh phúc, kính trọng hạnh phúc, và giúp mọi người hiểu rằng hạnh phúc là mục đích của cuộc sống. Bất kì khi nào bạn thấy người phúc lạc, kính trọng người đó.
–
Osho (còn được gọi là Bhagwan Shree Rajneesh) là một nhà tư tưởng, giảng viên, và nhà sư phương Tây – Ấn Độ. Ông sinh năm 1931 tại Madhya Pradesh, Ấn Độ và qua đời năm 1990 tại Oregon, Mỹ.
Osho được biết đến với triết lý của mình, bao gồm việc khuyến khích con người tìm kiếm sự tự do và hạnh phúc bên trong chính họ thay vì phụ thuộc vào các giáo điều và quy tắc xã hội.