Mọi người đều sợ thân thiết – Osho

MỤC LỤC

Thân thiết nghĩa là phơi bày bản thân bạn trước người lạ – và chúng ta tất cả đều là người lạ; chẳng ai biết ai. Chúng ta thậm chí còn là người lạ với bản thân mình bởi vì chúng ta không biết chúng ta là ai.

 

Thân thiết đem bạn tới gần người lạ. Bạn phải vứt bỏ tất cả mọi phòng thủ; chỉ thế thì thân thiết mới là có thể. Và nỗi sợ là ở chỗ nếu bạn vứt bỏ tất cả mọi phòng thủ, tất cả mặt nạ của bạn, ai biết người lạ sẽ làm gì với bạn? Chúng ta tất cả đều che giấu cả nghìn lẻ một thứ, không chỉ với người khác mà với bản thân mình, bởi vì chúng ta đã được nuôi dưỡng bởi nhân loại ốm yếu với đủ mọi loại kìm nén, cấm đoán, kiêng kị. Và nỗi sợ là ở chỗ với ai đó là người lạ – và điều đó chẳng thành vấn đề, bạn có thể sống với một người trong ba mươi năm, bốn mươi năm; tính lạ chẳng bao giờ biến mất – người ta cảm thấy an toàn hơn khi giữ chút ít phòng thủ, chút ít khoảng cách, bởi vì ai đó có thể tận dụng điểm yếu của bạn, nhược điểm của bạn, mong manh của bạn. Mọi người đều sợ thân thiết.

 

Vấn đề trở nên phức tạp hơn bởi vì mọi người đều muốn thân thiết. Mọi người đều muốn thân thiết bởi vì nếu không bạn sẽ một mình trong vũ trụ này – không bạn bè, không người yêu, không ai bạn có thể tin cậy được, không người nào bạn có thể mở tất cả các vết thương của mình ra. Và vết thương không thể được chữa lành chừng nào chúng còn chưa được mở ra. Bạn càng che giấu chúng, chúng càng trở nên nguy hiểm hơn. Chúng có thể trở thành ung thư.

 

Một mặt thân thiết là nhu cầu bản chất, cho nên mọi người đều khao khát nó. Bạn muốn người khác thân thiết để cho người khác vứt bỏ phòng thủ của họ, trở thành mong manh, cởi mở tất cả các vết thương của người đó, vứt bỏ tất cả các mặt nạ và cá tính giả của người đó, đứng trần trụi như người đó vậy. Và mặt khác, mọi người đều sợ thân thiết – bạn muốn thân thiết với người khác, nhưng bạn không muốn vứt bỏ phòng thủ của mình. Đây là một trong những xung đột giữa bạn bè, giữa người yêu: Không ai muốn vứt bỏ phòng thủ của mình, và không ai muốn tới trong trần trụi và chân thành, cởi mở hoàn toàn – vậy mà cả hai đều cần thân thiết.

 

Chừng nào bạn còn chưa vứt bỏ tất cả những kìm nén và cấm đoán của mình – cái vốn là món quà của tôn giáo của bạn, văn hoá của bạn, xã hội của bạn, bố mẹ của bạn, giáo dục của bạn – bạn sẽ không bao giờ có khả năng thân thiết với ai đó. Và bạn sẽ phải đi trước.

 

Bạn phải chấp nhận bản thân mình trong tính toàn bộ của mình. Nếu bạn không thể chấp nhận bản thân mình trong tính toàn bộ của mình, làm sao bạn có thể trông đợi ai đó khác chấp nhận bạn được? Vì bạn đã từng bị mọi người kết án, và bạn đã tự kết án mình. Bạn cứ che giấu nó; nó không phải là cái gì đó đẹp đẽ để trưng bày cho người khác. Bạn biết những điều xấu, điều ác đang bị giấu kín trong bạn, bạn biết tính thú vật đang giấu kín trong bạn. Chừng nào bạn còn chưa biến đổi thái độ của mình và chấp nhận bản thân mình như một trong những con vật của sự tồn tại…

 

Từ con vật – animal không xấu. Nó đơn giản nghĩa là sống động; nó bắt nguồn từ anima. Bất kì ai đang sống động đều là con vật. Nhưng con người đã được dạy, “Bạn không phải là con vật; con vật ở xa dưới bạn. Bạn là con người.” Bạn đã được cho sự cao siêu giả dối. Sự thực là, sự tồn tại không tin vào cao siêu và thấp kém. Với sự tồn tại, mọi thứ đều bình đẳng: cây cối, chim chóc, con vật, con người. Trong sự tồn tại, mọi thứ đều tuyệt đối được chấp nhận như nó vậy; không có kết án.

 

Chúng ta đang sống trong giả vờ thế, đạo đức giả thế – đó là lý do tại sao thân thiết tạo ra sợ hãi. Bạn không phải là cái bạn dường như là. Dáng vẻ của bạn là giả. Bạn có thể dường như là thánh nhân, nhưng sâu bên dưới bạn vẫn là con người yếu đuối với tất cả những ham muốn và tất cả những khao khát.

 

Bước đầu tiên là chấp nhận bản thân mình trong tính toàn bộ của bạn – mặc cho tất cả truyền thống của bạn, cái đã đưa toàn thể nhân loại thành điên khùng. Một khi bạn đã chấp nhận bản thân mình như mình vậy, nỗi sợ thân thiết sẽ biến mất. Bạn giống như trẻ thơ, hoàn toàn hồn nhiên. Bạn có thể cởi mở bản thân mình bởi vì bên trong bạn không bị chất đầy những kìm nén. Bạn có thể nói mọi điều mà bạn cảm thấy đích thực và chân thành. Và nếu bạn sẵn sàng để thân thiết, bạn sẽ động viên người khác cũng cởi mở với bạn. Giản dị không giả dối của bạn sẽ giúp cho người khác cũng tận hưởng giản dị, hồn nhiên, tin cậy, yêu mến, cởi mở.

 

Khi hai người yêu nhau thực sự cởi mở với nhau, khi họ không sợ lẫn nhau và không che giấu cái gì với nhau, đó là thân thiết. Khi họ có thể nói mọi điều mà không sợ rằng người kia sẽ bị xúc phạm hay tổn thương… Nếu người này nghĩ rằng người kia sẽ bị xúc phạm, thế thì thân thiết còn chưa đủ sâu đâu. Thế thì đó là một loại dàn xếp, cái có thể bị tan vỡ bởi bất kì cái gì. Nhưng khi hai người yêu bắt đầu cảm thấy rằng không có gì để che giấu và mọi thứ đều có thể được nói, và tin cậy đã đi tới chiều sâu mà cho dù bạn không nói điều đó thì người kia vẫn sẽ biết, thế thì họ bắt đầu trở thành một.

 

Mạo hiểm để chân thực

 

Không mối quan hệ nào có thể là chân thực nếu bạn cứ kìm giữ lại. Nếu bạn vẫn còn láu cá và cứ canh chừng và bảo vệ bản thân mình, chỉ các cá tính gặp gỡ, còn các trung tâm bản chất vẫn một mình. Thế thì chỉ mặt nạ của bạn mới có quan hệ, không phải bạn. Bất kì khi nào điều như vậy xảy ra, đều có bốn người trong mối quan hệ, không phải hai. Hai người giả cứ gặp gỡ, còn hai người thật vẫn là những thế giới rời nhau.

 

Sẽ có mạo hiểm nếu bạn trở thành chân thực, không ai biết liệu mối quan hệ này sẽ có khả năng hiểu tính chân thực, đích thực không; liệu mối quan hệ này có đủ mạnh để đứng trong bão tố không. Bởi vì cái mạo hiểm mà mọi người vẫn còn rất cảnh giác. Họ nói những điều phải nói, họ làm những điều phải làm; tình yêu trở thành như nghĩa vụ. Nhưng thế thì thực tại vẫn còn đói, và cái bản chất không được ăn. Cho nên cái bản chất trở nên ngày một buồn hơn. Cái dối trá của cá tính đè rất nặng lên cái bản chất, lên linh hồn. Mạo hiểm là có thực, và không có đảm bảo gì về nó, nhưng tôi sẽ bảo bạn rằng mạo hiểm là xứng đáng.

 

Nhiều nhất, mối quan hệ có thể tan vỡ. Nhưng tốt hơn cả là tách rời ra và là thực, còn hơn là không thực và ở cùng nhau, bởi vì như thế thì nó sẽ chẳng bao giờ thoả mãn cả. Phúc lành sẽ chẳng bao giờ bắt nguồn từ nó. Bạn sẽ vẫn còn đói và khát, và bạn sẽ cứ kéo lê, chỉ chờ đợi phép màu nào đó xảy ra.

 

Mạo hiểm mọi thứ vì chân thật đi; bằng không bạn sẽ vẫn còn bất mãn. Bạn sẽ làm nhiều thứ, nhưng chẳng cái gì sẽ thực sự xảy ra cho bạn. Bạn sẽ di chuyển nhiều, nhưng bạn sẽ không bao giờ tới đâu cả. Cứ dường như là bạn đói và bạn đơn giản mơ màng về thức ăn. Nhưng mơ là mơ thôi; nó không phải là thực. Bạn không thể ăn thức ăn không có thực được. Trong nhiều khoảnh khắc bạn có thể tự lừa dối mình, bạn có thể sống trong thế giới tựa như mơ, nhưng giấc mơ sẽ không cho bạn cái gì cả. Nó sẽ lấy đi nhiều thứ từ bạn, và nó sẽ không cho lại bạn cái gì cả.

 

Thời gian bạn dành cho việc dùng cá tính giả đơn giản bị phí hoài; nó sẽ không bao giờ quay lại nữa. Cùng những khoảnh khắc đó có thể đã là thực, đích thực. Ngay cả một khoảnh khắc của tính đích thực cũng còn tốt hơn toàn thể cuộc sống mà không có thực. Cho nên đừng sợ. Tâm trí sẽ nói với bạn cứ canh chừng người khác và bản thân mình, để giữ an toàn. Đó là cách hàng triệu người đang sống.

 

Cho nên đừng sợ, đi vào trong nó đi. Nếu mối quan hệ sống được qua chân thật, nó sẽ đẹp. Nếu nó chết, là thế đi nữa cũng là tốt bởi vì một quan hệ giả phải chấm dứt và bây giờ bạn sẽ có nhiều khả năng để đi vào trong mối quan hệ khác, chân thật hơn, vững chắc hơn, liên quan tới điều bản chất hơn.

 

Bạn đã từng quan sát điều đó chưa? Chân thực với người lạ còn dễ hơn. Mọi người đi cùng trên chuyến tàu bắt chuyện với người lạ, và họ khẳng định những điều họ chưa bao giờ khẳng định cho bạn bè mình, bởi vì với người lạ, chẳng cái gì bị mắc mứu. Sau nửa giờ ga xuống của bạn sẽ tới, và bạn sẽ đi hẳn; bạn sẽ quên, và người đó sẽ quên điều bạn đã nói. Cho nên bất kì cái gì bạn đã nói cũng đều chẳng tạo ra khác biệt gì. Chẳng cái gì lâm nguy với người lạ.

 

Mọi người nói với người lạ chân thật hơn, và họ để lộ trái tim mình. Nhưng nói với bạn bè, với họ hàng – bố, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em – có cấm đoán vô thức sâu. “Không nói điều này, anh ấy có thể cảm thấy bị tổn thương. Không làm điều đó, chị ấy sẽ không thích điều đó đâu. Đừng cư xử theo cách này, bố già rồi, bố có thể bị choáng.” Cho nên người ta cứ kiểm soát. Dần dần, chân thực bị vứt xuống tầng ngầm của bản thể bạn, và bạn trở nên rất láu cá và tinh ranh với cái không thực. Bạn cứ nở nụ cười giả tạo, chỉ được tô vẽ trên môi. Bạn cứ nói những điều tốt lành, chẳng có nghĩa gì. Bạn phát chán với bạn trai của mình hay với bố bạn, nhưng bạn cứ nói, “Được gặp anh mừng quá!” Và cả con người bạn lại nói, “Bây giờ để tôi một mình!” Nhưng về lời nói bạn cứ giả vờ. Và họ cũng làm cùng điều đó.

 

Dù đánh cược bất kì cái gì, cứ thử nó, nhưng đừng đi theo cách giả tạo. Mối quan hệ có thể đủ mạnh. Nó có thể mang được chân thực. Thế thì nó rất đẹp. Nếu bạn không thể chân thực với người bạn yêu, thế thì bạn sẽ chân thực ở đâu? Ở đâu? Nếu bạn không thể chân thực với người bạn nghĩ họ yêu bạn – nếu bạn sợ ngay cả với họ, bạn không để lộ chân thực, bạn không trần trụi toàn bộ về tâm linh, nếu ngay cả ở đó bạn cũng che giấu – thế thì bạn sẽ tìm đâu ra chỗ và không gian để bạn có thể tự do toàn bộ?

 

Đó là ý nghĩa của tình yêu, rằng ít nhất trong sự hiện diện của một người chúng ta có thể trần trụi toàn bộ. Chúng ta biết rằng người đó yêu, cho nên người đó sẽ không hiểu lầm. Chúng ta biết rằng người đó yêu, cho nên nỗi sợ biến mất. Người ta có thể để lộ tất cả. Người ta có thể mở mọi cánh cửa, người ta có thể mời người này vào. Người ta có thể bắt đầu tham dự vào bản thể của người khác.

 

Tình yêu là việc tham dự, cho nên ít nhất với người yêu đừng không chân thật. Tôi không nói đi ra bãi chợ và chân thật bởi vì điều đó sẽ tạo ra rắc rối không cần thiết ngay bây giờ. Nhưng bắt đầu với người yêu, thế rồi với gia đình, thế rồi với những người xa xôi hơn. Dần dần bạn sẽ học được rằng, chân thật đẹp tới mức bạn sẵn lòng mất mọi thứ cho nó. Thế thì ở bãi chợ cũng được – thế thì chân thật trở thành cách sống của bạn. Bảng chữ cái của tình yêu, chân thật, phải được học với những người rất gần gũi bởi vì họ sẽ hiểu.

 

Bí ẩn của quan hệ

 

Hai người gặp nhau, điều đó có nghĩa là hai thế giới gặp nhau. Nó không phải là sự việc đơn giản mà là rất phức tạp, phức tạp nhất. Mỗi người đều là một thế giới của riêng mình, một bí ẩn phức tạp với quá khứ dài và tương lai vĩnh cửu.

 

Ban đầu chỉ có ngoại vi gặp gỡ. Nhưng nếu mối quan hệ trở thành thân mật, trở nên gần gũi hơn, trở nên sâu sắc hơn, thì dần dần các trung tâm bắt đầu gặp nhau. Khi các trung tâm gặp nhau điều đó được gọi là yêu. Khi các ngoại vi gặp nhau đấy mới chỉ là quen biết. Bạn chạm vào một người từ bên ngoài, từ biên giới, thế thì đó là làm quen. Nhiều lần bạn bắt đầu coi quen biết của mình là yêu. Thế thì bạn đang trong ảo tưởng. Quen biết không phải là yêu.

 

Tình yêu rất hiếm hoi. Gặp gỡ một người tận trung tâm người đó là phải trải qua cuộc cách mạng chính bản thân bạn, bởi vì nếu bạn muốn gặp một người tận trung tâm người đó thì bạn sẽ phải cho phép người đó cũng đạt tới trung tâm của bạn nữa. Bạn sẽ phải trở nên mong manh, hoàn toàn mong manh, mở toang. Đó là mạo hiểm. Cho phép ai đó đạt tới trung tâm của bạn là mạo hiểm, nguy hiểm, bởi vì bạn chẳng bao giờ biết người đó sẽ làm gì với bạn. Và một khi tất cả bí mật của bạn đều được biết, một khi điều che dấu của bạn đã trở thành không được che dấu, một khi bạn bị phơi bầy hoàn toàn, bạn chẳng bao giờ biết được người kia sẽ làm gì. Nỗi sợ có đó, đó là lý do tại sao bạn chẳng bao giờ cởi mở.

 

Chỉ mới quen biết và chúng ta nghĩ rằng tình yêu đã xảy ra. Các ngoại vi gặp nhau và chúng ta nghĩ chúng ta đã gặp nhau. Bạn không phải là ngoại vi của mình. Thực sự, ngoại vi là biên giới nơi bạn kết thúc, chỉ là hàng rào quanh bạn; nó không phải là bạn. Ngoại vi là nơi bạn kết thúc và là nơi thế giới bắt đầu. Thậm chí những người chồng và vợ, có thể đã sống với nhau nhiều năm trời, nhưng mới chỉ là quen biết nhau. Họ có thể không biết lẫn nhau. Họ quên hoàn toàn rằng các trung tâm vẫn còn chưa được biết tới.

 

Cho nên tôi nói với bạn rằng có hai kiểu sống. Một đằng, sống theo sợ hãi; một đằng, sống theo tình yêu. Sống theo sợ hãi chẳng bao giờ đưa bạn vào mối quan hệ sâu sắc. Bạn vẫn còn sợ hãi và người kia không thể được phép thâm nhập vào tận cốt lõi bạn. Bạn cho phép người khác tới một mức độ nào đó thế rồi tới bức tường và mọi thứ dừng lại.

 

Khi hai trung tâm gặp nhau, một điều mới được tạo ra. Điều mới đó là tình yêu. Bỗng nhiên bạn trở nên hài lòng. Đó là dấu hiệu thấy được của tình yêu; bạn trở nên hài lòng, dường như bạn đã đạt được mọi thứ. Bây giờ chẳng còn gì phải đạt tới nữa; bạn đã đạt tới mục đích. Không còn mục đích thêm nữa, định mệnh đã được hoàn thành.

 

Mãn nguyện sâu sắc là dấu hiệu thấy được của tình yêu. Bất kì khi nào một người đang yêu, người đó đều trong mãn nguyện sâu sắc. Tình yêu không thể thấy được nhưng có thể thấy sự mãn nguyện, sự thoả mãn sâu sắc quanh người đó… mọi hơi thở của người đó, mọi khoảnh khắc của người đó, chính sự hiện hữu của người đó – sự hài lòng.

 

Bạn có thể ngạc nhiên khi tôi nói với bạn rằng tình yêu làm cho bạn vô ham muốn, nhưng ham muốn đi kèm với không thoả mãn. Bạn ham muốn bởi vì bạn không có. Bạn ham muốn bởi vì bạn nghĩ nếu bạn có được cái gì đó, nó sẽ đem lại cho bạn mãn nguyện. Ham muốn bắt nguồn từ không thoả mãn. Khi có tình yêu, và hai trung tâm đã gặp nhau, tan biến và hợp nhất và một chất kim đan mới được sinh ra, sự mãn nguyện có đó.

 

Và điều cuối cùng cần phải nhớ là: trong quan hệ của tình yêu, bạn bao giờ cũng trách người kia nếu có điều gì đó đi sai. Nếu điều gì đó không xảy ra như nó đáng phải xảy ra, người kia chịu trách nhiệm. Điều này sẽ phá huỷ toàn bộ khả năng của trưởng thành tương lai. Nhớ rằng bạn bao giờ cũng có trách nhiệm, và tự thay đổi mình. Vứt bỏ những cá tính gây ra rắc rối. Làm cho tình yêu thành việc tự biến đổi mình.

 

Nhưng nếu bạn nghĩ rằng người kia là sai, bạn đang tự đóng mình lại với người kia. Và người kia cũng nghĩ rằng bạn là sai. Suy nghĩ có tính truyền nhiễm. Nếu bạn nghĩ người kia sai thì cho dù bạn không nói ra điều đó, cho dù bạn vẫn mỉm cười và biểu lộ rằng bạn không nghĩ người kia sai – người kia vẫn nhận được vấn đề qua đôi mắt bạn, qua cử chỉ bạn, qua khuôn mặt bạn. Cho dù bạn có là nghệ sĩ, và bạn có thể hoá trang khuôn mặt mình, điệu bộ mình theo ý bạn, dù như thế đi nữa phần vô thức vẫn cứ gửi ra tín hiệu: Đằng ấy sai. Và khi bạn nói rằng người kia sai, người kia bắt đầu cảm thấy rằng bạn sai.

 

Quan hệ bị phá huỷ khi gặp khó khăn và thế là người ta trở nên đóng. Nếu bạn nói ai đó là sai, người đó bắt đầu đề phòng, canh gác. Thế rồi việc đóng kín xảy ra. Luôn nhớ: trong tình yêu bạn bao giờ cũng sai. Và thế thì khả năng sẽ mở ra và người kia cũng sẽ cảm thấy cùng điều đó. Chúng ta tạo ra cảm giác trong người kia. Khi những người yêu không cởi mở, lập tức ý nghĩ nhảy từ người nọ sang người kia. Cho dù họ không nói lời nào, họ im lặng, họ vẫn trao đổi. Ngôn ngữ chỉ dành cho những người không yêu, những người không trong tình yêu. Với những người yêu nhau, im lặng cũng đủ là ngôn ngữ. Không nói điều gì nhưng họ vẫn cứ nói với nhau.

 

 

Osho (còn được gọi là Bhagwan Shree Rajneesh) là một nhà tư tưởng, giảng viên, và nhà sư phương Tây – Ấn Độ. Ông sinh năm 1931 tại Madhya Pradesh, Ấn Độ và qua đời năm 1990 tại Oregon, Mỹ.

 

Osho được biết đến với triết lý của mình, bao gồm việc khuyến khích con người tìm kiếm sự tự do và hạnh phúc bên trong chính họ thay vì phụ thuộc vào các giáo điều và quy tắc xã hội.

 

Chia sẻ:
Facebook
Bài viết liên quan

Những trường phái nghệ thuật, với tính độc đáo và sự đa dạng, đã tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và di sản nghệ thuật. Bài viết này sẽ đưa bạn vào một hành trình khám phá qua các trường phái nghệ thuật đa dạng và...

Có biết bao nhiêu phong cách thiết kế và chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và công trình độc đáo. Hãy cùng khám phá những phong cách thiết kế đa dạng và đặc trưng trong bài viết này.   Phong cách...

Bất kỳ một tổ chức nào không thể tồn tại mà không có một nhà lãnh đạo. Nhưng chẳng ai có thể lãnh đạo một mình. Anh ta không thể tự quản lý ngân sách, tự thi hành luật và tự điều phối những dự án. Anh ta cần nắm...

Suy nghĩ là một hoạt động. Hoạt động suy nghĩ sẽ hình thành ý nghĩ. Quá trình suy nghĩ và tưởng tượng sẽ hình thành ý tưởng. Chúng ta định nghĩa sự sáng tạo là quá trình tạo ra ý tưởng mới. Vậy thì ý tưởng mới đến từ đâu?...

NỔI BẬT
Theo dõi chúng tôi trên MXH:
Liên hệ:
contact.hbth@gmail.com
© 2023 hatbuitamhon. All rights reserved.
Scroll to Top