Hạnh phúc là điều không thể nào tin được. Dường như là con người không thể nào hạnh phúc được. Nếu bạn nói về suy nhược, buồn rầu, khổ sở của mình, mọi người đều tin điều đó; điều đó dường như là tự nhiên. Nếu bạn nói về hạnh phúc của mình, chẳng ai tin bạn, điều đó dường như phi tự nhiên.
Sigmund Freud sau bốn mươi năm nghiên cứu về tâm trí con người, làm việc với hàng nghìn người, quan sát hàng nghìn tâm trí rối loạn, đã đi tới kết luận hạnh phúc là hư huyễn: Con người không thể nào hạnh phúc được. Nhiều nhất, chúng ta có thể làm mọi thứ thoải mái thêm một chút, có vậy thôi. Nhiều nhất, chúng ta có thể giảm bớt bất hạnh đi một chút, nhưng hạnh phúc sao? Con người không thể hạnh phúc được.
Điều này có vẻ rất bi quan… nhưng nếu bạn nhìn vào nhân loại, điều đó dường như đích xác đang xảy ra đấy; điều đó dường như là sự kiện. Chỉ con người mới bất hạnh. Cái gì đó sâu bên dưới đã đi sai.
Tôi nói điều này với bạn theo thẩm quyền riêng của tôi: Con người có thể hạnh phúc, hạnh phúc còn nhiều hơn chim chóc, nhiều hơn cây cối, nhiều hơn các vì sao, bởi vì con người có cái gì đó mà không cây cối, không chim chóc, không vì sao nào có được. Con người có ý thức.
Nhưng khi bạn có ý thức, hai phương án thành có thể: Hoặc là bạn có thể trở nên hạnh phúc hoặc bạn có thể trở nên bất hạnh. Thế thì đấy là chọn lựa của bạn.
Mọi người đang tìm kiếm thiền. Thiền được cần tới bởi vì bạn đã không chọn là hạnh phúc. Nếu bạn chọn là hạnh phúc, không cần thiền gì cả. Thiền là thuốc: Nếu bạn ốm thế thì thuốc được cần tới. Một khi bạn đã bắt đầu chọn hạnh phúc, một khi bạn đã quyết định rằng bạn sẽ là hạnh phúc; thế thì chẳng cần thiền. Thế thì thiền bắt đầu xảy ra theo cách riêng của nó.
Có nhiều tôn giáo như vậy bởi vì nhiều người đang bất hạnh. Người hạnh phúc không cần tôn giáo, không cần đền chùa, không cần nhà thờ, bởi vì với người hạnh phúc toàn thể vũ trụ là đền chùa rồi, toàn thể sự tồn tại là nhà thờ rồi. Họ không theo đuổi hoạt động tôn giáo bởi vì cả đời người đó mang tính tôn giáo rồi.
Câu hỏi quan trọng nhất của tất cả các câu hỏi là: Hạnh phúc thực sự là gì? Và có khả năng đạt tới nó không? Hạnh phúc thực sự liệu có thể có không, hay tất cả chỉ là tạm thời? Cuộc sống chỉ là giấc mơ, hay có cái gì đó bản chất trong nó nữa? Cuộc sống có bắt đầu bằng sinh và kết thúc bằng tử, hay có cái gì đó siêu việt lên trên sinh và tử? Bởi vì không có cái vĩnh hằng thì không có khả năng nào cho hạnh phúc thực sự. Với cái tạm thời, hạnh phúc sẽ vẫn còn phù du: Khoảnh khắc này nó ở đây, khoảnh khắc khác nó mất đi, và bạn còn lại trong thất vọng và bóng tối lớn lao.
Có những khoảnh khắc của phúc lạc và có những khoảnh khắc của khổ; tất cả đều trộn lẫn, mớ hổ lốn. Bạn không thể giữ được những khoảnh khắc của hạnh phúc tới với bạn. Chúng tới theo cách của chúng và chúng biến mất theo cách của chúng; bạn không là người chủ. Và bạn không thể né tránh được những khoảnh khắc của khổ; bạn đơn giản là nạn nhân. Và giữa hai điều này – hạnh phúc và bất hạnh – bạn bị giằng xé. Bạn không bao giờ được thoải mái.
Do đó câu hỏi cơ bản và nền tảng nhất là: Hạnh phúc thực sự là gì? Chắc chắn hạnh phúc mà chúng ta biết là không thực; nó là chất liệu mơ và nó bao giờ cũng biến thành cái đối lập của nó. Cái có vẻ giống như hạnh phúc vào khoảnh khắc này biến thành bất hạnh vào khoảnh khắc tiếp.
Hạnh phúc biến thành bất hạnh đơn giản chỉ ra rằng hai điều này không tách rời – có thể là hai mặt của cùng một đồng tiền. Và nếu bạn có mặt này của đồng tiền, thì mặt kia bao giờ cũng ẩn giấu đằng sau, chờ đợi cơ hội để khẳng định. Khi bạn hạnh phúc, sâu bên dưới ở đâu đó là nỗi sợ đang giấu kín rằng nó sẽ không kéo dài, rằng chẳng chóng thì chầy nó sẽ qua đi, rằng đêm buông xuống, rằng bất kì khoảnh khắc nào của bạn cũng sẽ bị nhấn chìm vào trong bóng tối.
Điều bạn gọi là hạnh phúc chỉ là vấn đề tương đối. Điều chư phật gọi là hạnh phúc là cái gì đó tuyệt đối, không liên quan tới bất kì ai khác. Nó không có trong so sánh với ai đó khác; nó đơn giản là của bạn, nó là cái bên trong.
Gốc rễ của khổ
Con người trong khổ, và con người vẫn còn trong khổ suốt nhiều thế kỉ. Hiếm khi bạn có thể tìm thấy người không khổ. Nó hiếm hoi đến độ điều đó gần như không thể nào tin được. Đó là lý do tại sao mọi người không tin rằng những người như Phật đã tồn tại. Mọi người không thể tin được vào điều đó. Họ bị vướng mắc trong nó sâu đến mức họ không thấy rằng có thể có khả năng nào thoát ra.
Ý tưởng này nảy sinh bởi vì Phật hiếm hoi thế, ngoại lệ thế. Ông ấy không phải là quy tắc.
Một điều căn bản phải được hiểu. Con người muốn hạnh phúc; đó là lý do tại sao con người lại khổ. Bạn càng muốn được hạnh phúc, bạn sẽ càng khổ. Điều này dường như rất ngớ ngẩn, nhưng đây là nguyên nhân gốc rễ đấy. Và khi bạn hiểu quá trình về cách tâm trí con người vận hành bạn sẽ có khả năng nhận ra điều đó.
Con người muốn được hạnh phúc; do đó con người tạo ra khổ. Nếu bạn muốn thoát ra khỏi khổ, bạn sẽ phải thoát ra khỏi ham muốn của mình về hạnh phúc – thế thì không ai có thể làm bạn khổ được.
Làm sao điều đó lại xảy ra được? Tại sao ngay chỗ đầu tiên bạn lại ham muốn hạnh phúc? Và ham muốn đó làm gì với bạn?
Ham muốn hạnh phúc đơn giản chỉ ra rằng bạn không hạnh phúc ngay khoảnh khắc này, rằng bạn là người khổ. Và người khổ đang phóng chiếu vào tương lai rằng lúc nào đó, ngày nào đó, bằng cách nào đó, người đó sẽ hạnh phúc. Phóng chiếu của bạn bắt nguồn từ khổ; nó mang chính hạt mầm của khổ. Nó tới từ bạn. Nó là đứa con của bạn.
Ham muốn hạnh phúc khiến cho bạn nhìn đi đâu đó khác, và thế thì bạn cứ bỏ lỡ. Hạnh phúc không được tạo ra – nó chỉ được nhìn thấy. Nó đã là hiện tại rồi. Chính khoảnh khắc này, bạn có thể trở nên hạnh phúc vô cùng.
Đây là cách điều đó đã xảy ra cho Phật. Ông ấy là con vua, ông ấy có mọi thứ nhưng lại không hạnh phúc. Ông ấy trở nên ngày một bất hạnh hơn – bạn càng có nhiều, bạn càng trở nên bất hạnh hơn. Ông ấy giàu có. Ông ấy có mọi thứ mà có thể có được. Ông ấy đã trở nên rất bất hạnh. Một hôm ông ấy trốn khỏi cung điện của mình, bỏ lại tất cả mọi giàu sang, bỏ lại vợ đẹp, đứa con mới sinh – ông ấy đã trốn đi. Ông ấy trở thành người ăn xin. Ông ấy bắt đầu tìm hạnh phúc. Ông ấy đi tới guru này, tới guru nọ; ông ấy đã hỏi mọi người phải làm gì để hạnh phúc – và tất nhiên đã có cả nghìn lẻ một người sẵn sàng cho ông ấy lời khuyên và ông ấy đã theo lời khuyên của mọi người. Ông ấy càng theo lời khuyên của họ, ông ấy càng trở nên lẫn lộn hơn.
Phật đã thử bất kì cái gì được nói với ông ấy. Ai đó nói: “Hãy công phu hatha yoga”; ông ấy trở thành nhà hatha yoga. Chẳng cái gì xảy ra từ điều đó. Có thể bạn có thân thể tốt hơn qua hatha yoga, nhưng bạn không thể trở nên hạnh phúc được. Chỉ thân thể tốt hơn, thân thể mạnh khoẻ hơn, chẳng tạo ra khác biệt gì. Với nhiều năng lượng bạn sẽ có năng lượng sẵn có để trở nên bất hạnh – nhưng bạn sẽ trở nên bất hạnh. Bạn sẽ làm gì với nó?
Phật đã vứt bỏ tất cả yoga. Ông ấy đi tới thầy giáo khác, thầy về raja yoga, người không dạy các tư thế thân thể mà chỉ dạy mật chú, tụng niệm, thiền. Ông ấy đã thực hành những điều đó nữa, nhưng chẳng cái gì xảy tới từ nó. Ông ấy đã thực sự đi tìm kiếm. Nhưng chẳng cái gì có thể giúp được.
Những phàm nhân mà ông gặp, họ không phải là người tìm kiếm thực sự. Người tìm kiếm thực sự là người đi tới tận cùng của việc tìm kiếm, và nhận ra rằng tất cả mọi việc tìm kiếm đều vô nghĩa. Bản thân việc tìm kiếm là con đường của ham muốn – Phật đã nhận ra vào một ngày nào đó. Ông ấy đã bỏ lại cung điện của mình, ông ấy đã bỏ lại tài sản trần gian của mình; một ngày nào đó, sau sáu năm tìm kiếm tâm linh, ông ấy vứt bỏ mọi việc tìm kiếm. Tìm kiếm vật chất đã bị vứt bỏ trước đó, bây giờ ông ấy vứt bỏ nốt tìm kiếm tâm linh. Thế giới này đã bị vứt bỏ trước đó, bây giờ ông ấy vứt bỏ thế giới kia nữa.
Ông ấy hoàn toàn gạt bỏ ham muốn… và chính khoảnh khắc đó nó xảy ra. Chính khoảnh khắc đó đã có phúc lành. Tất cả mọi ham muốn bị vứt bỏ, tất cả mọi hi vọng bị vứt bỏ, tất cả mọi hi vọng bị bỏ bẵng, bỗng nhiên Gautama Siddhartha trở thành Phật. Nó bao giờ cũng có đó nhưng ông ấy đã đi tìm ở đâu đó khác. Nó có đó – bên trong, bên ngoài, nó là cách vũ trụ được tạo nên. Nó là phúc lạc, nó là chân lí, nó là điều thiêng liêng.
Hiểu biết là chìa khoá
Bạn phải hiểu một điều: rằng chứng ngộ không phải là trốn khỏi nỗi đau mà là hiểu biết về nỗi đau, hiểu biết về khổ của bạn – không phải là che đậy, không phải là thay thế, mà là cái nhìn thấu sâu sắc: “Tại sao mình lại khổ, tại sao lại có nhiều lo âu thế, nguyên nhân gì trong mình đang tạo ra nó?” Và thấy những nguyên nhân đó một cách rõ ràng thì sẽ được tự do khỏi chúng.
Cái nhìn thấu suốt vào khổ của bạn sẽ đem tới tự do khỏi khổ. Và cuối cùng là chứng ngộ. Chứng ngộ không phải là cái gì đó tới với bạn. Nó sẽ có khi mà đau đớn, cực khổ và lo âu đã được hiểu hoàn toàn rõ và chúng đã bay hơi bởi vì bây giờ chúng không có nguyên nhân để tồn tại trong bạn – trạng thái đó là chứng ngộ. Nó sẽ đem tới cho bạn, lần đầu tiên, sự mãn nguyện thực sự, phúc lạc thực sự, cực lạc đích thực. Và chỉ thế thì bạn mới có thể so sánh được, điều bạn thường gọi là “mãn nguyện” trước đây không phải là mãn nguyện đâu. Điều bạn vẫn quen gọi là “hạnh phúc” trước đây không phải là hạnh phúc đâu. Nhưng ngay bây giờ không gì có thể so sánh với nó cả.
–
Osho (còn được gọi là Bhagwan Shree Rajneesh) là một nhà tư tưởng, giảng viên, và nhà sư phương Tây – Ấn Độ. Ông sinh năm 1931 tại Madhya Pradesh, Ấn Độ và qua đời năm 1990 tại Oregon, Mỹ.
Osho được biết đến với triết lý của mình, bao gồm việc khuyến khích con người tìm kiếm sự tự do và hạnh phúc bên trong chính họ thay vì phụ thuộc vào các giáo điều và quy tắc xã hội.