Tôi có thể hiểu được nỗi lo nghĩ của bạn. Lý trí là đàn ông, cảm xúc là phụ nữ – bởi vậy mới có sự khó khăn trong giao tiếp giữa đàn ông và phụ nữ, giữa chồng và vợ. Họ luôn hét vào mặt nhau nhưng thông điệp của người này không đến được với người kia vì cách hiểu của họ hoàn toàn khác nhau.
Thật ra, bởi vì có cách hiểu khác nhau nên họ mới quan tâm đến nhau, thu hút lẫn nhau. Họ là hai cực đối lập, giống như điện tích âm và điện tích dương. Họ bị hút về phía nhau. Nhưng vì họ đối lập nên rất khó giao tiếp, gần như không thể.
Đàn ông luôn nói từ cái đầu, còn phụ nữ luôn nói từ trái tim. Lúc này, có hai ngôn ngữ khác nhau, như thể bạn nói tiếng Hoa còn tôi nói tiếng Đức, và không có sự giao tiếp.
Họ đang tranh cãi và người chồng nói: “Đừng cãi nhau nữa, em yêu, hãy thảo luận vấn đề một cách hợp lý”.
“Không”, người vợ giận dữ đáp. “Mỗi khi chúng ta thảo luận một cách hợp lý, em đều thua!”
Chỉ khi sẵn sàng thua cuộc, người phụ nữ mới có thể nói chuyện một cách hợp lý. Và mọi phụ nữ đều biết rằng một cuộc thảo luận hợp lý không phải là cách để giành chiến thắng. Cô ấy sẽ bị đánh bại, bởi vì tâm trí của đàn ông rất giỏi lý luận. Vì vậy, thay vì hành xử hợp lý, cô ấy bắt đầu khóc – giờ thì bạn sẽ bị đánh bại. Bạn yêu người phụ nữ của mình và cô ấy đang khóc… lúc này tranh luận với cô ấy có ích gì đâu? Bạn nói: “Được rồi, em đúng”. Cô ấy hiểu ra rằng nước mắt có hiệu quả hơn nhiều. Và vấn đề không phải là điều gì đúng, mà là ai thắng.
Nếu bạn thật sự muốn giao tiếp với người phụ nữ của mình, hoặc một người phụ nữ muốn giao tiếp với người đàn ông của cô ấy, cách duy nhất là cả hai nên bỏ qua lý trí và cảm xúc. Cả hai nên thiền định hơn. Thiền là không lập luận cũng không có cảm xúc; nó vượt lên trên, vượt ra khỏi sự phân cực. Thiền là siêu việt. Thiền đưa bạn vượt lên trên lý trí và vượt lên trên cảm xúc; nó không xuất phát từ cái đầu, cũng không bắt nguồn từ trái tim. Và khả năng duy nhất của mọi mối giao cảm, mọi sự giao tiếp giữa đàn ông và phụ nữ, chính là thiền. Nếu không, không có gì xảy ra.
Người phụ nữ sẽ gọi lý lẽ của bạn là sự hợp lý hóa. Còn khi người phụ nữ bắt đầu xúc động thì bạn gọi đó là gì? Bạn gọi nó là ủy mị. Đó là những lời chỉ trích.
Hợp lý hoá là một từ dùng để lên án, và khi bạn gọi cảm xúc của người phụ nữ là “ủy mị”, đó cũng là một từ dùng để lên án. Nhưng bạn thấy bản thân mình đúng, và người phụ nữ cũng cảm thấy bản thân cô ấy đúng. Đây chỉ là những cách nghĩ khác nhau. Không ai đúng và không ai sai – bởi vì mọi cách nghĩ đều sai! Trạng thái không suy nghĩ mới là đúng. Trạng thái không cảm xúc mới là đúng.
Vì vậy, khi bạn yêu một người phụ nữ và người đó yêu bạn sâu sắc, ở đó có mối giao cảm, bởi vì trong tình yêu đó có thiền định.
Nhưng thứ mà bạn thường gọi là tình yêu đến rồi đi. Bạn chưa đủ khả năng để giữ nó mãi mãi, thế nên tuần trăng mật sẽ sớm biến mất. Khi bạn yêu lần đầu, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Cả hai đều đồng ý với nhau, không bao giờ có bất kỳ tranh cãi nào – rất thấu hiểu lẫn nhau, rất thương yêu nhau, rất thông cảm với nhau! Nhưng khi tuần trăng mật qua đi thì tới những chuyện nhỏ nhặt… nhỏ đến mức bạn cảm thấy xấu hổ mỗi khi muốn nói về chúng.
Một người hoàn toàn lý trí là người không có niềm tin, không có định kiến, không có ý tưởng tiên nghiệm. Anh ta chỉ tìm hiểu mà không phán xét, không kết luận. Quá trình tìm hiểu đó sẽ quyết định kết luận là gì. Kết luận sẽ được đúc kết bởi chính quá trình tìm hiểu đó. Nếu có mong muốn chứng minh điều gì đó, dù chỉ là một mong muốn mong manh, bạn sẽ chứng minh nó, nhưng bạn đã phá hủy tính khách quan khoa học của nó. Nó không còn là lập luận nữa, nó là sự hợp lý hóa.
Chuyện tương tự cũng xảy ra với cảm xúc. Cảm xúc là sự trong trẻo, ủy mị là một thủ thuật. Người phụ nữ biết nếu cô ấy khóc, cô ấy sẽ là người chiến thắng trong cuộc tranh luận. Bây giờ, đôi khi nước mắt không thể rơi, bởi vì khóc không phải là việc dễ thao túng như vậy. Nhưng cô ấy cố gắng khóc, cô ấy diễn, cô ấy giả vờ. Những giọt nước mắt đó là giả. Ngay cả khi chảy ra từ hốc mắt, nước mắt đó vẫn giả bởi vì chúng không nảy sinh từ tình huống đó, về thực chất, chúng là thứ được cố tình dẫn ra.
Sự ủy mị là cảm xúc nhân tạo, được thao túng một cách ranh mãnh. Lý trí là một chuyện; sự hợp lý hóa là một kiểu thao túng lý lẽ, giống như sự ủy mị là thao túng cảm xúc. Nếu bạn lý trí, thật sự lý trí, bạn sẽ trở thành một nhà khoa học. Nếu thật sự cảm tính, bạn sẽ trở thành một nhà thơ. Đây là những điều đẹp đẽ. Tuy nhiên, như vậy vẫn rất khó để có được một cuộc đối thoại thật sự.
Bước đầu tiên là loại bỏ mọi kiểu hợp lý hóa và tính đa sầu đa cảm. Bước thứ hai là loại bỏ luôn lý trí và cảm xúc. Tiếp theo, trong trạng thái xuất thần đó, trong sự thiền định đó, sự giao cảm xuất hiện.
Lực hút và lực đẩy
Có một vài điều cơ bản cần phải hiểu. Đầu tiên, đàn ông và đàn bà là hai nửa của nhau, nhưng mặt khác lại là hai cực đối lập nhau. Hai cực đối lập đó hấp dẫn họ đến với nhau. Khoảng cách càng xa, sức hấp dẫn càng lớn; họ càng khác biệt, sự quyến rũ, vẻ đẹp và sức hấp dẫn càng cao.
Những người yêu nhau hạnh phúc nhất là những người không bao giờ gặp nhau! Một khi họ gặp nhau, chính sự đối lập tạo nên sức hút đó sẽ biến thành xung đột. Ở từng điểm nhỏ, thái độ của họ khác nhau, cách tiếp cận của họ khác nhau. Mặc dù nói cùng ngôn ngữ nhưng họ không thể hiểu nhau.
Cách nhìn thế giới của đàn ông khác với cách nhìn thế giới của phụ nữ. Chẳng hạn như, tâm trí người đàn ông quan tâm đến những thứ xa xôi – tương lai của nhân loại, những vì sao ở rất xa, hay sự sống ở các hành tinh khác. Tâm trí của phụ nữ sẽ cười khúc khích trước toàn bộ những điều vô nghĩa đó. Cô ấy chỉ quan tâm đến những việc nhỏ bé, gần gũi quanh mình – hàng xóm, gia đình, ông chồng nào đang cắm sừng vợ, vợ ai đang qua lại với gã tài xế. Sự quan tâm của cô ấy là cụ thể và có tính người. Cô ấy không lo lắng về sự tái sinh; cô ấy cũng chẳng quan tâm đến sự sống sau cái chết. Mối quan tâm của phái nữ thực tế hơn, gắn với hiện tại hơn, với những gì đang xảy ra ở đây, vào lúc này.
Đàn ông không bao giờ ở đây, ngay lúc này, anh ta luôn ở một nơi nào đó. Anh ta có những mối bận tâm kỳ lạ – sự tái sinh, sự sống sau cái chết, sự sống ở những hành tinh khác.
Nếu cả hai đều nhận thức được thực tế rằng nó là cuộc gặp gỡ của hai cực đối lập, rằng họ không cần phải biến nó thành xung đột, khi đó họ sẽ có nhiều cơ hội hiểu được trọn vẹn quan điểm của đối phương và chấp nhận nó. Khi đó, sự chung sống của người nam và người nữ có thể trở thành một bản hòa ca thật đẹp. Bằng không, nó sẽ là cuộc tranh cãi triền miên.
–
Osho (còn được gọi là Bhagwan Shree Rajneesh) là một nhà tư tưởng, giảng viên, và nhà sư phương Tây – Ấn Độ. Ông sinh năm 1931 tại Madhya Pradesh, Ấn Độ và qua đời năm 1990 tại Oregon, Mỹ.
Osho được biết đến với triết lý của mình, bao gồm việc khuyến khích con người tìm kiếm sự tự do và hạnh phúc bên trong chính họ thay vì phụ thuộc vào các giáo điều và quy tắc xã hội.