Cái đầu và trái tim – Osho

MỤC LỤC

Liệu chúng ta có thể sống trong sự hòa hợp của cái đầu và trái tim hay không, hay là hai thứ này phải luôn tách rời nhau? Chúng ta có phải đưa ra lựa chọn tỉnh táo giữa lý trí và cảm xúc không?

 

Tất cả phụ thuộc vào bạn, bởi vì cả cái đầu và trái tim đều là những cơ chế hoạt động. Bạn không phải là cái đầu, cũng không phải là trái tim. Bạn có thể đi qua cái đầu, bạn có thể di chuyển qua trái tim. Tất nhiên, bạn sẽ đến những nơi khác nhau bởi vì hướng đi của cái đầu và trái tim là hoàn toàn đối lập.

 

Cái đầu sẽ mải miết suy nghĩ, nghiền ngẫm, nói chuyện triết lý; nó chỉ biết từ ngữ, logic và lập luận. Bởi cái đầu là vùng đất cằn cỗi; từ cái đầu, bạn không thể đúc kết được bất kỳ điều gì liên quan đến sự thật, bởi vì sự thật không cần logic, không cần lập luận, không cần triết lý. Sự thật vô cùng đơn giản; cái đầu khiến cho sự thật trở nên vô cùng phức tạp. Suốt hàng thế kỷ, các triết gia đã tìm kiếm sự thật thông qua cái đầu. Không ai trong số họ tìm thấy thứ gì, nhưng họ đã xây dựng được những hệ thống tư tưởng vĩ đại. Tôi đã nghiên cứu kỹ tất cả các hệ thống tư tưởng này và không có kết luận nào được đúc kết.

 

Trái tim cũng là một cơ chế, khác với cơ chế của cái đầu. Bạn có thể gọi cái đầu là công cụ logic và trái tim là công cụ cảm xúc. Toàn bộ các triết lý, các thuyết thần học đều được tạo ra từ cái đầu; mọi sự thành tâm, mọi lời cầu nguyện và tình cảm đều đến từ trái tim. Nhưng trái tim cũng luẩn quẩn trong cảm xúc.

 

Cảm xúc là một từ đẹp đẽ. Hãy nhìn mà xem, từ này chứa đựng sự chuyển động. Vì vậy, trái tim chuyển động, nhưng trái tim mù quáng. Nó chuyển động nhanh và vội, bởi vì không có lý do gì để chờ đợi. Trái tim không phải suy nghĩ nên nó cứ thế xông vào mọi chuyện. Nhưng không có cảm xúc nào giúp tìm ra sự thật. Cảm xúc cũng là một rào cản không khác gì logic. Logic là phần nam tính và trái tim là phần nữ tính trong bạn. Nhưng sự thật không liên quan gì đến nam tính và nữ tính. Sự thật là ý thức của bạn. Bạn có thể quan sát cái đầu suy nghĩ, bạn có thể dõi theo nhịp đập rộn ràng cảm xúc của trái tim. Chúng có thể có mối quan hệ nhất định nào đó với nhau…

 

Trong sự sắp đặt thông thường của xã hội, cái đầu là chủ và trái tim là kẻ tôi tớ, bởi vì xã hội là sản phẩm của tâm trí và tâm lý đàn ông. Trái tim thì lại nữ tính. Và giống như đàn ông vẫn luôn giữ phụ nữ trong vị trí nô lệ, cái đầu cũng bắt trái tim làm nô lệ. Chúng ta có thể đảo ngược tình thế này; trái tim có thể trở thành chủ và cái đầu có thể trở thành người hầu. Nếu phải chọn một trong hai, nếu bị buộc phải chọn một trong hai, vậy thì tốt hơn hết là chúng ta nên chọn trái tim làm người chủ và cái đầu làm người hầu.

 

Có những việc mà trái tim không thể làm được và cũng có những việc nằm ngoài khả năng của cái đầu. Cái đầu không biết yêu, nó không thể cảm nhận, nó không có cảm giác. Trái tim không thể lý trí, nó không biết lý lẽ. Trái tim và cái đầu đã xung đột trong suốt thời gian qua. Sự xung đột đó chỉ cho thấy sự mâu thuẫn và đấu tranh giữa đàn ông và phụ nữ. Nếu thường nói chuyện với vợ thì hẳn bạn phải biết chuyện này rồi – bạn không thể nói chuyện, không thể tranh luận, không thể đi đến một quyết định công bằng với phụ nữ bởi vì phụ nữ hoạt động thông qua trái tim. Cô ấy chuyển từ chuyện này sang chuyện khác mà không cần bận tâm xem hai chuyện đó có liên quan với nhau hay không. Cô ấy không thể tranh luận nhưng cô ấy có thể khóc. Cô ấy không thể lý trí nhưng cô ấy có thể la hét. Cô ấy không hợp tác để cùng đưa ra kết luận. Trái tim không thể hiểu được ngôn ngữ của cái đầu.

 

Phương thức của tôi được mô tả như con đường của trái tim, nhưng điều đó không đúng. Trái tim sẽ mang đến cho bạn đủ loại tưởng tượng, ảo giác, ảo tưởng, những giấc mơ ngọt ngào, nhưng nó không thể cho bạn sự thật. Sự thật nằm ở đằng sau cả cái đầu lẫn trái tim; nó nằm trong ý thức của bạn, nơi không thuộc về cái đầu và cũng chẳng thuộc về trái tim. Chính vì tách biệt với cả hai nên ý thức mới có thể sử dụng cả hai một cách hài hòa.

 

Cái đầu nguy hiểm trong một số lĩnh vực, bởi vì nó có mắt nhưng không có chân: nó bị liệt. Trái tim có thể vận hành trong một số phạm vi nhất định. Nó không có mắt nhưng lại có chân; nó mù quáng nhưng có thể di chuyển rất nhiều, với tốc độ rất nhanh – dĩ nhiên là nó không biết mình đang đi đâu! Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, tình yêu đều được diễn tả là mù quáng. Không phải tình yêu bị mù, mà là trái tim không có mắt.

 

Khi có thể thiền định ở mức độ sâu sắc hơn, khi bắt đầu bớt phụ thuộc vào cái đầu lẫn trái tim, bạn sẽ nhận ra mình đang trở thành một chiếc kiềng ba chân. Và thực tại của bạn nằm trong chân trụ thứ ba: ý thức. Ý thức có thể xoay xở vô cùng dễ dàng, bởi vì cả trái tim lẫn cái đầu đều thuộc về ý thức.

 

Cái đầu có mắt và trái tim có dũng khí để xông pha. Bạn phải kết hợp được cả hai. Và tôi phải nhấn mạnh rằng trong tổ hợp đó, trái tim vẫn làm chủ và cái đầu trở thành người hầu.

 

Một người có ý thức sẽ sử dụng cái đầu như người hầu và trái tim như người chủ. Việc này cực kỳ đơn giản đối với người có ý thức. Một khi không lệ thuộc vào cái đầu hay trái tim mà chỉ đơn giản là quan sát cả hai, bạn có thể nhận ra đặc điểm nào nên được đề cao và đặc điểm nào nên được lấy làm mục tiêu. Khi được đặt ở vị trí người hầu, cái đầu có thể mang đến những đặc điểm này, nhưng nó cần được chỉ huy và chỉ dẫn. Ngay lúc này, và trong suốt hàng thế kỷ, chuyện ngược lại đang diễn ra: người hầu trở thành chủ. Và người chủ chân chính thì lịch thiệp đến mức không hề đánh trả; anh ta cam tâm tình nguyện làm nô lệ. Hậu quả là sự điên rồ đang hoành hành trên khắp trái đất này.

 

Chúng ta phải sắp xếp lại toàn bộ những gì bên trong con người và sự thay đổi cơ bản nhất sẽ đến khi trái tim được quyết định các giá trị mà nhân loại coi trọng. Nó không thể chọn chiến tranh, nó không thể ủng hộ vũ khí hạt nhân, nó không thể có xu hướng giết chóc. Trái tim là mật ngọt của cuộc sống. Một khi cái đầu phục vụ trái tim, nó phải làm theo những gì trái tim mách bảo. Và cái đầu có thừa khả năng làm bất cứ điều gì; nó chỉ cần được hướng dẫn đúng cách. Nếu không, nó sẽ cáu tiết, nó sẽ trở nên điên rồ. Đối với cái đầu, mọi giá trị đều không tồn tại. Đối với cái đầu, mọi sự đều vô nghĩa. Đối với cái đầu, tình yêu không tồn tại, vẻ đẹp và sự duyên dáng cũng không tồn tại – chỉ có lý lẽ và không có gì ngoài lý lẽ.

 

Thế nhưng chuyện này phức tạp hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Xã hội này là một xã hội nam quyền; đàn ông đã và đang lập ra tất cả các quy tắc, còn phụ nữ chỉ đang phục tùng. Tình trạng này đã thành thâm căn cố đế vì nó đã diễn ra suốt hàng triệu năm.

 

Nếu sự thay đổi này xảy ra trong từng cá nhân và trái tim lại được lên ngôi, được đảm nhiệm đúng vị trí làm chủ của nó, còn cái đầu được trả về đúng vai trò của một người hầu tận tụy, toàn bộ cấu trúc xã hội sẽ được thay đổi. Việc này là khả dĩ, nhưng có một điều kiện cơ bản cần được đáp ứng, đó là bạn trở nên ý thức hơn, trở thành người chứng kiến, người quan sát tất cả những gì diễn ra bên trong bạn. Vì nhìn thấy cảm xúc nên anh ta hoàn toàn chắc chắn rằng “Tôi không phải là những cảm xúc của mình”. Anh ta có thể nhìn thấy các ý nghĩ; anh ta có thể đưa ra một kết luận đơn giản rằng “Tôi không phải là quá trình suy nghĩ của mình”.

 

Cái đầu phải bị truất ngôi và vương miện phải được đưa về cho trái tim. Khi sự thay đổi này xảy ra trong nhiều người, nó sẽ mang lại một xã hội mới, một nhân loại mới. Nó sẽ làm thay đổi rất nhiều thứ đến mức bạn không tài nào hình dung nổi.

 

Khoa học sẽ mang một phong vị hoàn toàn khác. Nó sẽ không phục vụ cho cái chết nữa, nó sẽ không tạo ra các loại vũ khí hủy diệt toàn bộ sự sống trên trái đất. Nó sẽ làm cho cuộc sống phong phú hơn, khám phá ra những nguồn năng lượng có thể giúp con người mãn nguyện hơn, giúp con người sống trong sự thoải mái và xa hoa, bởi vì các giá trị sẽ thay đổi hoàn toàn. Tâm trí vẫn hoạt động nhưng dưới sự hướng dẫn của trái tim.

 

Con đường của tôi là thiền định – không phải con đường của cái đầu hay trái tim, mà là con đường của một ý thức không ngừng phát triển vượt lên cả tâm trí lẫn trái tim.

 

 

Osho (còn được gọi là Bhagwan Shree Rajneesh) là một nhà tư tưởng, giảng viên, và nhà sư phương Tây – Ấn Độ. Ông sinh năm 1931 tại Madhya Pradesh, Ấn Độ và qua đời năm 1990 tại Oregon, Mỹ.

 

Osho được biết đến với triết lý của mình, bao gồm việc khuyến khích con người tìm kiếm sự tự do và hạnh phúc bên trong chính họ thay vì phụ thuộc vào các giáo điều và quy tắc xã hội.

Chia sẻ:
Facebook
Bài viết liên quan

Những trường phái nghệ thuật, với tính độc đáo và sự đa dạng, đã tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và di sản nghệ thuật. Bài viết này sẽ đưa bạn vào một hành trình khám phá qua các trường phái nghệ thuật đa dạng và...

Có biết bao nhiêu phong cách thiết kế và chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và công trình độc đáo. Hãy cùng khám phá những phong cách thiết kế đa dạng và đặc trưng trong bài viết này.   Phong cách...

Bất kỳ một tổ chức nào không thể tồn tại mà không có một nhà lãnh đạo. Nhưng chẳng ai có thể lãnh đạo một mình. Anh ta không thể tự quản lý ngân sách, tự thi hành luật và tự điều phối những dự án. Anh ta cần nắm...

Suy nghĩ là một hoạt động. Hoạt động suy nghĩ sẽ hình thành ý nghĩ. Quá trình suy nghĩ và tưởng tượng sẽ hình thành ý tưởng. Chúng ta định nghĩa sự sáng tạo là quá trình tạo ra ý tưởng mới. Vậy thì ý tưởng mới đến từ đâu?...

NỔI BẬT
Theo dõi chúng tôi trên MXH:
Liên hệ:
contact.hbth@gmail.com
© 2023 hatbuitamhon. All rights reserved.
Scroll to Top