Ý nghĩa của cái đẹp là gì?
Cái đẹp là một yếu tố bắt nguồn từ nghệ thuật. Vì thế, hãy nói về nghệ thuật trước. Nghệ thuật là một phương tiện con người sử dụng để truyền tải thông điệp, cảm xúc và ý tưởng. Nghệ thuật không phải là cái đẹp, đó là góc nhìn hạn hẹp. Cái đẹp chỉ là một tiêu chuẩn trong nghệ thuật. Nghệ thuật là một công cụ để phục vụ cuộc sống con người. Và để công cụ đó phục vụ tốt hơn, chúng ta đặt ra các tiêu chuẩn cho nghệ thuật. Cái đẹp là một tiêu chuẩn trong đó. Vì thế, mục đích của cái đẹp là để đánh giá mức độ hiệu quả của nghệ thuật.
Vậy thì, cái đẹp là gì? Nó được tạo ra như thế nào?
Khởi đầu của nghệ thuật chỉ mang tính chất tái hiện lại. Nghệ thuật được truyền tải bằng cách tác động tới các giác quan của chúng ta, và theo các hình thức nhìn, nghe, đọc. Cái đẹp là một yếu tố liên quan đến thị giác. Đối với các môn nghệ thuật được truyền tải thông qua thị giác, chúng ta nghiên cứu về cảm nhận thị giác. Từ đó, tìm ra các tiêu chuẩn đánh giá nghệ thuật dựa trên những hiểu biết về thị giác. Và những tác phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, chúng ta nói nó đẹp. Vì thế, cái đẹp là kết quả khi một tác phẩm hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn về thị giác mà chúng ta đặt ra.
Cái đẹp là một thứ thực dụng, chúng ta không muốn chỉ dừng lại ở sự vừa mắt, mà muốn tác động nhiều hơn đến người xem. Chúng ta tìm cách tạo ra nhiều cảm xúc hơn thông qua hình ảnh. Một tác phẩm không chỉ cần đẹp mà còn cần có ý nghĩa. Chúng ta bắt đầu tìm kiếm những nguyên liệu từ cuộc sống và chế biến chúng để thể hiện câu chuyện chúng ta muốn kể.
Bắt đầu từ đây, giá trị của một tác phẩm không chỉ dừng lại trong những khuỗn mẫu của thị giác. Nó chứa đựng nhiều hơn, nó chứa đựng câu chuyện. Vì thế, chúng ta thưởng thức một tác phẩm không chỉ vì nó đẹp, mà còn phải lắng nghe câu chuyện bên trong nó. Cái đẹp mang tính ứng dụng, không mang nhiều tính thưởng thức. Cái đẹp của các tác phẩm thì giống nhau, nhưng câu chuyện thì khác nhau. Chúng ta không phân biệt các tác phẩm bằng cái đẹp, mà phân biệt bằng câu chuyện được kể.
Chúng ta cố gắng kể những câu chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh. Để hiểu được tác phẩm, người xem phải đọc hiểu ngôn ngữ hình ảnh. Nhưng ngôn ngữ hình ảnh đôi khi không thể hiện được hết. Chúng chỉ mang tính chất gợi ý, và phần còn lại là trí tưởng tượng của người xem. Câu chuyện hay không phải câu truyện được kể chi tiết, mà là câu chuyện được kể vừa đủ.
Để thưởng thức nghệ thuật, chúng ta phải có tính nhạy cảm với nghệ thuật. Nó chỉ có được thông qua kiến thức và trải nghiệm. Vì thế, nghệ thuật ứng dụng hiện diện mọi nơi trong cuộc sống. Nhưng nghệ thuật thưởng thức thì rất kén người xem.
Cái đẹp đến từ tự nhiên hay thuộc về con người?
Tự nhiên không có chủ ý, cái đẹp là một chủ ý, nó tồn tại trong khái niệm của con người. Cái đẹp thuộc về con người và phục vụ con người, nó phải được sắp đặt theo cách của con người. Cái đẹp là thứ rất sự sống, vì nó cho thấy sự rung động trong ta.
Mắt thấy đẹp, nhưng cái đẹp đó không phải do mắt. Tai nghe hay, nhưng cái hay đó không phải do tai. Các giác quan quy định kiểu dữ liệu thu nạp, đó chỉ là hình thức, còn cái đẹp cái hay lại do nội dung quyết định. Biểu hiện cái đẹp là vật lý, nhưng bản chất cái đẹp lại là tâm lý.
Có cái đẹp đến sau một diễn biến, có cái đẹp đến tức thì. Có cái đẹp từ một điều ý nghĩa, có cái đẹp đến từ dục vọng. Có cái đẹp do nhận định về giá trị của một thứ, và những thứ không lợi ích bỗng trở nên xấu xí.
Cái đẹp đối với mỗi người lại khác nhau. Mỗi cá nhân là một biến số, tần số khác nhau. Điều đó khiến cho cái đẹp là sự tương đối, sự biến thiên, sự thay đổi. Nếu cái đẹp nào không đúng với tư tưởng của ta thì ta không thấy nó đẹp. Xem tranh cũng như chọn người, cần sự tương đồng nhất định mới có thể cảm nhận được tranh.
Thời đại thay đổi, con người thay đổi, tư tưởng thay đổi, quan niệm về cái đẹp cũng thay đổi. Xã hội khác nhau thì quan niệm cái đẹp cũng trở nên khác nhau. Cái đẹp ở đỉnh cao sẽ song hành với xã hội phát triển ở mức đỉnh cao. Một chế độ bị loại bỏ thì cái đẹp theo quan niệm của nó cũng dần bị lãng quên.
Cái đẹp trong nghệ thuật là gì?
Cái đẹp trong nghệ thuật không có sẵn mà được con người sáng tạo ra trong quá trình sống. Cái đẹp trong nghệ thuật là sự đúc kết của cái đẹp trong tự nhiên. Từ vô số những cái đẹp cụ thể, cá biệt, tản mạn khắp nơi trong cuộc sống, nghệ sĩ đã gom nhặt, chắt lọc, tinh luyện nên những cái đẹp mới. Đó là những cái đẹp hoàn chỉnh và điển hình, trong đó chứa đựng những nét chủ yếu, bản chất, tiêu biểu cho những cái đẹp cùng loại trong cuộc sống. Người ta đánh giá cái đẹp trong nghệ thuật cao hơn cái đẹp trong tự nhiên vì muốn đề cao sự làm chủ của con người với tự nhiên.
Cái đẹp trong nghệ thuật dùng chất liệu cuộc sống nhưng không tái hiện lại cuộc sống. Nếu cái đẹp là tái hiện lại điều mà ai cũng thấy, thế thì giống như một chiếc máy ảnh, và còn thua cả một trải nghiệm thực tế. Nghệ thuật mượn những chất liệu hữu hình để thể hiện được cái vô hình, đó là tâm tưởng của người nghệ sĩ.
Người nghệ sĩ muốn gửi gắm tâm hồn, cảm xúc của anh ta vào trong tác phẩm của mình. Nghệ thuật không phải ký ức chân thực, mà đã được phóng chiếu qua lăng kính của người nghệ sĩ. Tâm sao thì cảnh vậy, mượn cảnh để nói về tâm. Qua tác phẩm, họ chia sẻ những cảm xúc sâu kín nhất, những góc khuất riêng tư và cả cái ngông, cái điên của mình. Người ta không thích một kẻ điên, nhưng họ khoái biết về cái mà kẻ điên nhìn thấy, cảm thấy. Người thưởng thức, khi chiêm ngưỡng những tác phẩm ấy, như đang lạc vào một thế giới riêng, nơi mà mọi cảm xúc đều được phóng đại và được tô đậm. Đó là một hành trình khám phá những điều kỳ lạ, những cái mới mẻ mà chỉ có nghệ sĩ mới có thể tạo ra.
Chuyên gia và nghệ sĩ
Một chuyên gia và một nghệ sĩ. Một kẻ tìm tòi ở thế giới bên ngoài, một kẻ thì quay vào bên trong. Chuyên gia đi tìm mối liên hệ chung. Nghệ sĩ đi tìm cá tính riêng của mình, anh ta mang tính cá nhân vào mọi thứ.
Đứng trước cái đẹp, chuyên gia tìm cách mổ xẻ nó, đong đếm nó và tìm một ngôn từ cho nó. Người nghệ sĩ thì chỉ lắng nghe cảm nhận của mình. Anh ta không tìm cách ngôn từ hóa nó, đối với anh ta mọi ngôn từ đều dẫn đến sai lệch.
Thế giới nghệ thuật là thế giới của cái phi lý, cảm nhận trở nên quan trọng hơn. Bởi thế mà chuyên gia cảm thấy nghệ thuật thật khó hiểu, chỉ vì anh ta luôn muốn tìm ra lý do. Cái đẹp không phải là vật chất, nó là phi vật chất, càng mổ xẻ càng vô nghĩa, ta chẳng thể giải mã được, chẳng ngôn từ nào có thể mô tả được. Chúng ta dễ bám chấp vào ngôn từ. Chúng ta học ngôn ngữ nhưng kèm theo đó là những quy ước gắn vào ngôn ngữ đó. Chúng chẳng bao giờ thể hiện được hết. Chúng vô hình chung làm cho ta bị giới hạn vào những khuôn mẫu.
Vẻ đẹp thực sự phải là thứ vẻ đẹp không lời. Nghệ thuật có thể giảm đi khoảng cách và tạo ra những điểm chạm, nhưng không phải nhờ ngôn từ nào cả. Nếu cứ chạy theo những lý lẽ ta sẽ bị ngôn từ dẫn dắt, ngôn từ sẽ dẫn dắt ta ra khỏi sự thấu cảm. Lý trí truyền đạt bằng ngôn từ, nhưng chỉ trong im lặng trái tim mới lên tiếng.
Tri thức và thấu cảm là hai chiều hướng khác nhau. Tri thức là thông tin. Ta có thể thu nạp nó, tích lũy nó, nhưng điều đó không đưa ta tới thấu cảm. Trái tim là trung tâm của thấu cảm, cái đầu là trung tâm của tri thức. Ta thấu cảm thông qua trái tim, ta trở thành người có tri thức thông qua cái đầu. Cái đầu có thể biết nhiều mà lại chẳng biết gì hết.
Chúng ta chỉ có thể rơi vào một trong hai trạng thái: cảm nhận hoặc tư duy. Thứ này hiện diện thì thứ kia vắng mặt. Khi ta tập trung cảm nhận thì không thể tư duy. Khi ta tập trung tư duy thì mọi rung động của cảm nhận cũng tan biến.
Tâm trí của chuyên gia như một thứ máy móc, anh ta không ngừng nạp thêm cho nó những khái niệm. Nhưng tâm trí dù được vun đắp bao nhiêu chăng nữa, vẫn cứ mắc kẹt lại với những cái đã biết, cái mới lại củng cố thêm cho cái cũ. Tâm trí đó hoàn toàn bị kiềm tỏa và trở nên tĩnh tại. Nó khiến anh ta không thể chuyển động tự do, không thể chuyển động như một vũ điệu.
Mối liên kết giữa văn hóa và nghệ thuật
Tính cách bên trong được hình thành qua bẩm sinh và bối cảnh sống. Khi tính cách đó bộc lộ ra ngoài, kết quả là một hình thức biểu đạt. Văn hóa là gì? Văn là chỉ hình thức biểu đạt, hóa là chỉ sự hình thành. Khi một cộng đồng qua thời gian hình thành nên một hình thức biểu đạt cụ thể, nó mang trong mình một bản sắc và tạo nên một nền văn hóa.
Nghệ thuật là phương tiện truyền đạt của một nền văn hóa. Vì vậy, nói đến phong cách nghệ thuật là nói đến cái tính cách đặc trưng trong cách truyền đạt, nó là sự phản ánh của văn hóa và được đúc rút để trở thành một hệ tư tưởng. Mỗi vị trí địa lý và giai đoạn lịch sử lại có sự thay đổi trong bối cảnh, và cũng tùy thuộc vào mỗi giống nòi hay dân tộc thì phong cách nghệ thuật lại có những đặc trưng riêng.
Người họa sĩ và doanh nghiệp
Hoạ sĩ là người kể câu chuyện của riêng mình, hoặc kể lại câu chuyện của người khác theo cách của riêng mình. Doanh nghiệp là người bán hàng, người bán hàng là người đi kể chuyện. Người hoạ sĩ đem câu chuyện của doanh nghiệp vào thiết kế và áp dụng các tiêu chuẩn về thị giác để có một sản phẩm đẹp. Hoạ sĩ cố gắng thể hiện câu chuyện một cách hiệu quả nhất. Ý tưởng thiết kế là cách mà hoạ sĩ thể hiện câu chuyện. Ý tưởng không phải là câu chuyện. Hoạ sĩ lắng nghe câu chuyện của doanh nghiệp và kể lại nó theo ý tưởng của mình. Vậy thì, hoạ sĩ sáng tạo cái gì? Hoạ sĩ không sáng tạo câu chuyện, mà sáng tạo ra nhiều cách thể hiện câu chuyện.
Tại sao cảm nhận thẩm mỹ của chúng ta khác nhau như vậy?
Tôi thấy xấu, bạn thấy đẹp. Tôi thích phong cách này hơn, bạn thích phong cách kia hơn. Cảm nhận thẩm mỹ có thể phụ thuộc vào các yếu tố như tính cách, trải nghiệm, giáo dục và văn hoá. Những điều này tạo nên nhận thức của mỗi cá nhân. Nếu xấu đẹp là thuộc về cân bằng thị giác, thì quan điểm xấu đẹp của chúng ta hàm chứa nhiều hơn thế, và nó trở thành biến số. Chúng ta đưa những góc nhìn cá nhân mạnh mẽ vào trong nó, lúc này yếu tố cân bằng thị giác chỉ đóng một vai trò rất nhỏ bé. Điều này luôn xảy ra với những người không được qua đào tạo, vì thế quan điểm xấu đẹp của họ hoàn toàn đến từ quá trình trải nghiệm cá nhân và những nhận định mơ hồ.
Có nghĩa là nghệ thuật chỉ dành cho đối tượng đã được qua đào tạo thôi sao? Và các tác phẩm nghệ thuật chỉ dành cho các nghệ sĩ chứ không dành cho tất cả mọi người? Tất nhiên điều này không đúng.
Phần lớn đối tượng của nghệ sĩ là những người không được qua đào tạo. Tác phẩm nghệ thuật không làm ra chỉ để cho bản thân người làm ra đánh giá, đó là những tác phẩm vô giá trị, chúng không có tính ứng dụng hay phục vụ nhu cầu nào của người khác. Giá trị của chúng phải được đánh giá bởi đối tượng chúng hướng đến. Các nghệ sĩ cố gắng thể hiện tác phẩm của mình để phù hợp nhất với những đối tượng mình cần hướng đến. Với những nghệ sĩ muốn kể câu chuyện của riêng mình, họ cũng có mong muốn đem nó đến với mọi người.
Đa số các tác phẩm không thể chạm đến tất cả mọi người, vì chúng chỉ có thể đáp ứng một nhóm đối tượng cụ thể. Nhóm đó có đặc trưng riêng về tính cách, trải nghiệm, giáo dục và văn hoá. Vì thế, những nhóm đối tượng nằm ngoài không thể cảm nhận được ý đồ mà nghệ sĩ thể hiện. Chúng ta thường dùng các phương tiện truyền thông theo nhiều hình thức diễn tả, giải thích, kể chuyện,… để mở rộng nhóm đối tượng của mình, đưa tác phẩm đến với nhiều người hơn.