Bản năng là những hành vi tự nhiên, không cần học hỏi hay suy nghĩ, được sinh ra bên trong mỗi cá nhân. Bản năng được tích lũy qua quá trình tiến hóa và được di truyền qua các thế hệ.
Quá trình giáo dục và định kiến xã hội đã tạo ra những luồng nhận thức đi ngược lại bản năng vốn có và tạo ra mâu thuẫn bên trong. Khi ta không thuận theo bản năng tự nhiên của mình và thực hiện hành động trái ngược, sẽ có một sự không hòa hợp xuất hiện. Hành động đó trở nên cứng nhắc và ta cảm thấy ngượng ngùng. Điều này không chỉ khiến ta tự cảm thấy ngu ngốc mà còn khiến người khác cảm thấy như vậy. Đây là nguồn gốc của sự thiếu tự tin.
Nếu ai đó chống đối ta, ta có thể bỏ đi. Nhưng nếu ta chống đối chính mình ta sẽ không thể bỏ đi đâu cả. Mỗi khi chúng ta chống lại bản năng, tâm trí và cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi và thiếu động lực. Những người mẫu mực và chấp hành nhất trong xã hội, ta không thấy chút sống động hay nội lực nào tỏa ra từ họ. Vì họ luôn kìm nén bản năng, luôn ngoan ngoãn thực thi những quy tắc xã hội một cách tự động mà không chút cân nhắc hay phản đối. Họ đã bị tư tưởng chấp hành ngấm quá sâu vào tâm trí, đến mức nó đã trở thành bản chất con người họ. Đó là một sự bảo thủ bám rễ sâu trong tâm trí không thể lấy đi.
Sự mạnh mẽ của lý trí đã khiến chúng ta xa lánh bản năng thuần tuý, và thực hiện những hành động trái với mong muốn của bản thân. Ta nghĩ rằng bản thân mình đang kiểm soát mọi thứ bằng lý trí. Nhưng thực tế, lý trí đang kiểm soát ta, và đâu đó trong tâm can ta đang cảm thấy mâu thuẫn.
Trí thông minh logic đã giúp con người vượt xa các giới hạn để mang đến một cuộc sống tiện nghi. Nhưng chưa bao giờ chúng ta mong manh về tinh thần như bây giờ. Chúng ta đã đặt quá nhiều sự tập trung vào lý trí và tự khiến mình mất cân bằng. Khi tâm trí rơi vào rối bời, đây là lúc lắng nghe tiếng nói của bản năng. Nó sẽ cho ta biết nên đi về hướng nào.
Lý trí được bồi đắp qua dạy dỗ và kinh nghiệm. Đó là những gì ta đã tiếp thu và học được từ bên ngoài. Lý trí không phải lúc nào cũng đúng, vì nó chỉ là sự hợp lý hóa dựa trên logic. Con người không hoàn toàn logic, chỉ có máy móc mới như vậy. Những kết luận logic không phải là mong muốn sâu thẳm trong lòng ta. Nhưng bản năng thì luôn đúng, vì nó là bản chất tự nhiên của ta.
Ngành công nghiệp chữa lành đang cố gắng thao túng tâm lý, nó nêu bật nỗi đau để bán giải pháp. Nó chỉ khiến chúng ta ngày càng tự ti, mặc cảm, ngại ngùng, xấu hổ và phải cố gắng che giấu bản chất thật của mình. Điều này xảy ra vì chúng ta luôn tự động so sánh mình với các tiêu chuẩn và hình mẫu mà xã hội dựng lên. Chúng ta luôn bị tiêm nhiễm để tự cảm thấy thiếu sót và muốn nhiều hơn.
Đây là một căn bệnh được lây lan bằng truyền thông. Đằng sau nó là sự khai thác niềm tin, kích thích tiêu dùng và kinh doanh trục lợi. Khi được giáo dục và truyền thông đủ nhiều, những tiêu chuẩn đó ăn sâu vào tâm trí và ta chấp nhận nó hoàn toàn lúc nào không hay. Thực tế là mỗi chúng ta đều có sự khác biệt. Tâm lý sợ đơn độc khiến chúng ta không dám trở nên khác biệt, và quên mất đi những mong muốn sâu thẳm.
Bắt đầu là chính mình, thoát khỏi những hình mẫu mà lý trí thu nhận từ bên ngoài, chúng phục vụ cho mục đích của người khác. Ta không bao giờ có thể theo kịp hoặc đáp ứng được các hình mẫu đó. Ta cần đi tìm hình mẫu bên trong bản thân mình.
Chúng ta cứ bị thôi thúc chạy theo những hình mẫu lý tưởng, nhưng kết quả chỉ là những phiên bản sao chép đầy khiếm khuyết. Vì chỉ bắt chước được cái vỏ ngoài, mà không thể kế thừa những phẩm chất ở tầng năng lực sâu bên dưới. Càng tìm kiếm cái bên ngoài thì càng cách xa trung tâm của chính mình, nên chúng ta cố mãi mà không sâu sắc được. Chỉ khi có được góc nhìn từ bên trong, hiểu thấu chính mình mới có cơ hội hiểu thấu kẻ khác, và không bị những diện mạo trưng ra đánh lừa.
Chúng ta đã mất khả năng chân thật và chỉ giao tiếp với nhau ở cái vỏ bên ngoài. Trách sao được, vì hễ gỡ bỏ cái vỏ ấy đi sẽ có nguy cơ bị nắm thóp. Con người có lòng tham nên hễ biết được điểm yếu của kẻ khác là thừa cơ vụ lợi. Bởi vậy, phản xạ tự nhiên nên ai cũng có những lớp phòng thủ và vùng cấm địa của riêng mình. Khi học được cách che đậy, người ta tìm cách tô vẽ cho cái thứ mình khoác lên. Dần dần nó tích lũy trở thành nghệ thuật sống và đem ra để dạy nhau. Vì thế mà những thứ sáo rỗng như Đắc Nhân Tâm mới ra đời.
Con người được trang bị một cấu trúc linh hoạt trên khuôn mặt để có thể biểu hiện cảm xúc tự nhiên của mình. Tuy nhiên, chúng ta đã học cách điều chỉnh và chủ động biến đổi nó theo lý trí để phục vụ những động cơ thầm kín.
Mọi sự giả tạo không thể qua mắt người khác được. Những hành vi đó không tự nhiên, mà dưới sự tính toán của lý trí. Người cố gắng tự nhiên không bao giờ tự nhiên được. Nhưng chúng ta thà đồng lõa với những sự giả tạo đó còn hơn nói ra để mà mất lòng nhau.
Ta không đánh giá một người khi họ có mục đích rõ ràng, mà là khi mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên nhất. Bởi vì, chúng ta thường cố ý biểu hiện và che đậy nhiều điều để có thể đạt được mục đích. Ta luôn giữ khoảng cách với những gì giả tạo và mở lòng với sự chân thật. Chúng ta bộc lộ rõ nhất khi trở nên thật hài lòng hoặc thật khó chịu, vì chẳng ai muốn kìm nén bản thân và sự kìm nén dễ dàng bị nhận ra. Chỉ khi đưa đẩy tình huống lên cao trào chúng ta mới thực sự hiểu nhau.
Lòng tin là một thứ xa xỉ. Cái ngây thơ tinh khiết từ khi là một đứa trẻ, nó không tự mất đi mà vì chúng ta đã tự loại bỏ nó khỏi mình. Chúng ta lựa chọn thực dụng và trở nên ranh ma với nhau hơn, vì sinh tồn cả thôi. Chúng ta quan trọng uy tín chứ, nhưng thực chất vì chúng ta quan trọng giao kèo. Giao kèo có lợi nên ta coi uy tín của mình như kim cương. Uy tín là thứ đảm bảo cho những giao kèo tiếp theo. Không có uy tín đảm bảo thì ai dám giao kèo. Nếu thế thì uy tín là công cụ chứ đâu phải đạo đức.