Khi một chủ đầu tư cần làm dự án, ngoài số vốn tự có còn phải vay thêm tiền từ ngân hàng. Ngân hàng sẽ hứa hẹn cho vay theo nhiều giai đoạn. Để thực hiện dự án thì chủ đầu tư sẽ thuê các nhà thầu và sẽ nợ tiền họ. Nhà thầu lớn sẽ nợ tiền các nhà thầu nhỏ. Các nhà thầu nhỏ sẽ mướn nhiều đơn vị thi công. Các đơn vị thi công sẽ mướn rất nhiều lao động phổ thông.
Ngân hàng sẽ không trực tiếp bóc lột những người lao động phổ thông. Thay vào đó, ngân hàng tác động trực tiếp lên chủ đầu tư bằng cách trì hoãn không rót vốn, khiến chủ đầu tư đến giai đoạn cuối bị gãy dòng tiền. Khi điều này xảy ra thì cả hệ thống từ chủ đầu tư xuống đến những người lao động thấp nhất đều gánh chịu rủi ro. Khiến cho bên trên nợ tiền bên dưới không trả.
Sau đó, các tin xấu về dự án được truyền thông tung ra. Giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp tham gia dự án sẽ bị ép xuống mức thấp nhất và có thể dẫn đến hủy niêm yết. Khi bị gãy dòng tiền, toàn bộ hệ thống gồm đất đai, nhà xưởng và các tài sản đã đầu tư không thể vận hành được vì chưa hoàn thiện. Dự án treo khiến chủ đầu tư chịu áp lực và buộc phải bán rẻ lại cho sân sau của ngân hàng. Doanh nghiệp bị hủy niêm yết cũng là miếng bánh ngon để ngân hàng thâu tóm.
Khi đến giai đoạn đáo hạn khoản vay để tái cấp vốn, ngân hàng sẽ giới thiệu cho bạn các sân sau. Bạn có thể vay lãi suất cao để đáo hạn trong vòng vài ngày. Ngân hàng sẽ tìm mọi lý do để trì hoãn việc tái cấp vốn cho doanh nghiệp, để cho sân sau kiếm thêm lãi suất cao theo ngày. Đôi khi, việc trì hoãn có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm để bào mòn sức khỏe doanh nghiệp. Lúc này, ngân hàng đưa ra đề nghị giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng với yêu cầu sẽ phải mua kèm các gói bảo hiểm khoản vay hoặc bảo hiểm nhân thọ. Kết quả là doanh nghiệp trở thành nô lệ cho ngân hàng qua cái bẫy tài chính.