Nỗi sợ đến từ việc ta coi trọng thân xác này và các điều kiện thuận lợi cho nó, ta không muốn để bản thân rơi vào những rắc rối. Ta không thể tĩnh lặng trong rắc rối, ta chỉ có thể tĩnh lặng khi một mình và trong vòng tròn an toàn của mình. Nhưng khi bước ra khỏi vòng tròn đó ta trở nên bối rối và sợ hãi. Ta trốn thoát khỏi sợ hãi bằng cách làm cho người khác sợ hãi. Nếu không có ai đó sợ hãi thì ta sẽ trở nên sợ hãi.
Ta sợ những gì xa lạ, chúng là cái ta không biết và làm cho suy nghĩ trở nên bế tắc. Ta đang sống bằng các suy nghĩ, và bản chất của chúng ta chính là những suy nghĩ ấy. Suy nghĩ không thể tồn tại trong sự trống rỗng, nó cần nguyên liệu là ký ức. Suy nghĩ không thể vận hành khi đối mặt với những điều chưa biết hoặc không thể nhớ lại, điều này khiến nó trở nên bối rối. Suy nghĩ chỉ có thể dựa trên những dữ liệu đã biết, cái đã biết gặp cái không biết sẽ sinh ra nỗi sợ.
Ảo tưởng về tương lai là kinh nghiệm lặp lại từ quá khứ, nỗi sợ tương lai cũng là nỗi sợ quá khứ. Ta sợ tương lai nên luôn phải có sự chuẩn bị. Rủi ro đến từ cái không biết, nếu không phán đoán được tương lai, rủi ro sẽ xuất hiện.
Thực ra, nỗi sợ là quá khứ, ta sợ cái không biết vì đã từng gặp nó nhiều lần. Ta đã từng phải nhận hậu quả vì thiếu hiểu biết. Cái không biết là cũ kỹ, nó không phải cái mới lạ, vì cái mới lạ chưa xuất hiện. Cái không biết không phải tương lai, nó chỉ là một trạng thái để bù lấp vào khoảng trống của tương lai. Nỗi sợ luôn đến từ ký ức, nên nỗi sợ sau luôn lớn hơn nỗi sợ trước, nỗi sợ lặp lại luôn rõ ràng hơn.
Nguyên nhân của sợ hãi là ký ức. Ký ức về đau khổ đã qua và nhận định về sự tái diễn của nó làm cho con người sợ hãi về tương lai. Người nào chưa từng đau khổ thì không sợ hãi.
Ta suy nghĩ về những gì sắp xảy ra và cảm thấy sợ hãi. Tương lai là phán đoán dựa trên quá khứ, tương lai luôn cũ kỹ. Ta có khả năng ghi nhớ nên ta biết sợ hãi. Đó là cái giá của kinh nghiệm, càng nhiều kinh nghiệm càng nhiều sợ hãi.
Có những nỗi sợ xuất hiện bởi vì điều gì đó chắc chắn sẽ xảy ra. Điều ta cần làm không phải là tìm cách xua tan nó khỏi tâm trí, vì nó vốn không phải một làn khói ảo tưởng, điều duy nhất ta có thể làm trước hiện thực là đón nhận nó. Luôn có lý do và cơ sở để sợ một điều gì đó, nỗi sợ không sai. Vấn đề là ta không muốn nỗi sợ tồn tại và kìm nén nỗi sợ. Điều đó khiến nỗi sợ trở nên xấu tính và khiến ta đau khổ. Hãy coi ta là nỗi sợ, để nỗi sợ tự do thì ta cũng sẽ tự do.
Khi các giác quan tiếp nhận một dấu hiệu, suy nghĩ sẽ phản ứng với nó bằng cách lục tìm lại những ký ức tương đồng nhất và đem ra đối chiếu với sự kiện mới. Nếu ký ức đó không tốt đẹp, suy nghĩ sẽ nhận định có sự nguy hiểm và sinh ra trạng thái sợ hãi.
Sự an toàn là chạy trốn, chạy trốn là sợ hãi. Càng ở vùng an toàn ta càng cảm thấy sợ hãi. Không sợ hãi không tồn tại ở nơi nào mà được cho là an toàn. Hành trình đi tìm nơi trú ẩn là hành trình nuôi dưỡng sợ hãi. Sự an toàn không thể nhận ra chính nó, ở trong vùng an toàn ta chỉ có thể nhìn thấy những điều đáng sợ đang bao vây mình.
Không sợ hãi không phải là bạo dạn, bạo dạn chỉ là đang kìm nén sợ hãi. Không sợ hãi nghĩa là nhận ra mong muốn chạy trốn. Khi nhận ra mong muốn chạy trốn thì ta đã tách ra khỏi nó.