Bất kỳ một tổ chức nào không thể tồn tại mà không có một nhà lãnh đạo. Nhưng chẳng ai có thể lãnh đạo một mình. Anh ta không thể tự quản lý ngân sách, tự thi hành luật và tự điều phối những dự án. Anh ta cần nắm trong tay những chủ chốt.
Các chủ chốt sẽ giúp tổ chức hoạt động ổn định và gia tăng ngân sách. Ngay cả vị trí lãnh đạo có bấp bênh hay không cũng phụ thuộc vào các chủ chốt có chịu phục tùng hay không. Chỉ khi kéo được họ về phía mình thì nhà lãnh đạo mới thực sự có quyền hành, anh ta sẽ có mọi thứ, nếu không, hoặc anh ta sẽ bị thay thế, hoặc tổ chức sụp đổ, kết quả nào thì bản chất đều giống nhau. Quyền lực của nhà lãnh đạo không xuất phát từ bản thân anh ta, mà xuất phát từ những chủ chốt trung thành: một “vị vua” luôn cần đến các “bá quan”. Ai nắm giữ được những chủ chốt, người đó trở thành người có quyền lực.
Điều gì giúp nhà lãnh đạo duy trì địa vị của mình? Điều gì khiến các chủ chốt trung thành với nhà lãnh đạo? Anh ta không thể chỉ giữ hết ngân sách và lợi ích cho mình mà phải chia sẻ với các chủ chốt.
Tầng lớp thấp nhất trong tổ chức là lực lượng những người trực tiếp lao động để nuôi dưỡng tổ chức, đó là các “thần dân”. Nhưng “vị vua” không tồn tại dựa vào “thần dân”, mà dựa vào “bá quan”. Vì “thần dân” không có sự liên kết nào với “vị vua”, mà dưới quyền điều khiển và thao túng của những “bá quan”, “thần dân” không thay thế “vị vua”, “bá quan” mới làm việc đó.
Nếu nhà lãnh đạo nào vì tầng lớp lao động dưới cùng mà bỏ qua quyền lợi của các chủ chốt, thì chính sự tử tế đó khiến anh ta bấp bênh ở vị trí của mình. Nó đồng nghĩa với việc phần được chia của các chủ chốt sẽ giảm bớt, bởi vì ngân sách có hạn, điều này không giúp duy trì sự trung thành. Các chủ chốt cần được nhận đủ phần của mình, sự trung thành cần được mua.
Một nhà lãnh đạo có thể không hứa hẹn với các chủ chốt để cho họ những của cải một cách trực tiếp. Nhưng họ sẽ nhận được ơn huệ và quyền lợi một cách gián tiếp. Đó có thể là những lỗ hổng trong các quy định, hoặc thông qua các quy định có lợi cho người soạn ra, hoặc sự làm ngơ cho các sai phạm, hoặc là hợp đồng trong các thương vụ béo bở.
Có những chủ chốt luôn trung thành dù cho có chuyện gì xảy ra. Nhưng cũng có những chủ chốt sáng suốt luôn quan sát và sẵn sàng đổi phe nếu nhà lãnh đạo trở nên yếu thế. Số lượng chủ chốt càng ít thì phần được chia cho mỗi người càng nhiều, và sự trung thành càng lớn. Ngược lại, số lượng chủ chốt càng nhiều thì ngân sách càng bị phân tán và khó nắm bắt họ.
Nếu một chủ chốt trở nên không cần thiết, bởi vì năng lực của họ không cần thiết nữa, nhà lãnh đạo phải đá họ ra. Khi một nhà lãnh đạo mới lên thay thế, anh ta sẽ bỏ quên một số người giúp anh ta lên nắm quyền, và hợp tác với một số chủ chốt của nhà lãnh đạo cũ, miễn là anh ta hứa hẹn đầy đủ quyền lợi cho họ. Bởi vì, người giúp có được quyền hành và người giúp duy trì quyền hành là hai loại khác nhau. Chi tiền cho một người quan trọng trong quá khứ nhưng vô dụng ở hiện tại thật vô ích, và không giúp tối ưu sự trung thành của những người khác.