Lòng tốt
Chỉ có sự cho đi xứng đáng mới diễn ra trong tâm thái vui vẻ. Khi ta cho đi quá nhiều mà không được đáp lại gì, điều đó tạo ra sự mất cân bằng và sinh ra kỳ vọng. Nguồn gốc của sự kỳ vọng đến từ việc cho đi trong tâm thái thiếu thốn. Những kẻ cảm thấy thiếu thốn và mất mát chỉ luôn muốn chiếm đoạt từ người khác. Trong hoàn cảnh này, sự cho đi không có yếu tố đạo đức nào. Nếu kỳ vọng không được đáp ứng sẽ nảy sinh phẫn nộ và thù ghét.
Có những người tin rằng họ tốt, nhưng lòng tốt của họ không được đền đáp. Họ mất niềm tin vì lòng tốt của họ bị phản bội. Họ cho đi lòng tốt với kỳ vọng nhận lại lòng tốt từ người khác, và điều đó trở thành một thứ giao dịch. Họ đang giao dịch lòng tốt, đây là tâm lý kinh doanh. Vì thế, lòng tốt dù trao cho bất cứ ai cũng đều không đúng chỗ, lòng tốt đó không có tính đạo đức. Lòng tốt là cách gọi của họ, nhưng đó không phải lòng tốt.
Cần hiểu rõ, làm thế nào để có thể đối xử tốt với một người, và tình yêu thương như thế nào mới là đúng, hay thật ra chỉ để thỏa mãn cái tôi và niềm vui của bản thân, nhưng ngụy trang là lòng trắc ẩn. Sự giúp đỡ dành cho người khác chỉ là cơ hội để thể hiện bản thân chứ chẳng bởi lòng tốt nào.
Ta cố gắng xây dựng một địa vị cao trong mắt mọi người, mà người càng yếu thì càng phải cố gồng lên. Ta thích xoáy vào cái yếu của người khác để che dấu cái yếu của bản thân. Ta thích tỏ ra là khôn hơn, thậm chí còn tự cho mình vai trò giáo dục và khai sáng người khác. Giống như việc ta chiếm lấy tiền tài của người khác để giàu lên, thì việc ta chiếm lấy thể diện của kẻ khác để oai phong hơn. Ta trở nên cao quý bằng cách dìm người khác xuống, gây cho họ bao nhiêu đau khổ, nhục nhã. Họ làm sao có thể biết ơn những hành động đó mà chỉ trở nên căm ghét ta.
Có một cách để mua được thể diện đó là bằng cách ban ơn. Ta tạo ra vấn đề cho người khác để ra tay giải quyết. Ta ban phát lòng tốt nhưng không đặt câu hỏi liệu người nhận có thực sự cần cái ta cho hay không. Hay đó chỉ là sự cưỡng cầu đến từ mong muốn của ta và chẳng dựa trên một sự thấu hiểu nào. Nó mang động cơ cá nhân chứ không hướng đến ai cả. Lòng tốt chỉ là cái cớ để giải toả những khoái cảm chất chứa, chẳng có sự hy sinh thực sự nào trong đó. Vì vậy, người nhận sẽ không biết ơn, còn bản thân người cho thì lại quay ra trách móc vì không đạt được mục đích của mình. Sự trách móc không đến từ hy sinh mà chỉ đến từ ích kỷ.
Lòng tốt thực sự là những hành động trong âm thầm, không phải những gì phải cố chứng minh cho người khác thấy.
Niềm vui được chỉ bảo người khác thực chất xuất phát từ cái tôi, và nó tinh tế đến mức ta khó mà nhận ra điều này. Ta trở thành kẻ hiểu biết còn người nghe ở vào vị trí của kẻ ngu dốt. Cái tôi luôn cảm thấy nôn nao vì muốn được khẳng định mình nên không thể trở thành người lắng nghe. Trong thế gian này, lời khuyên chính là thứ duy nhất ai cũng muốn cho đi mà không phải kẻ nào cũng muốn nhận lấy.
Chúng ta cảm thấy tốt hơn nếu có người mang ơn mình. Ta thích đặt ai khác vào vai nạn nhân để làm đấng cứu rỗi, và thích đi tìm một người tổn thương để bản thân trở nên có giá trị. Đó là cách ta cảm thấy hài lòng về bản thân. Nhưng chẳng ai muốn bị giam cầm, ngay cả trong sự quan tâm. Nội tâm cảm thấy thấp kém nên luôn tưởng tượng về những điều cao cả. Những kẻ bất lực và tự ti luôn mơ về sự chở che. Kẻ muốn mang lòng thương với ai khác là kẻ vốn dĩ đáng thương nhất.
Kiêu ngạo và tự ti
Ta không chấp nhận sự thấp kém ở người khác vì không muốn chấp nhận nó ở bản thân mình. Ở tầng nguyên do ẩn sâu, kiêu ngạo bắt nguồn từ sự tự ti. Sự tự ti thường hay xuất hiện trong dáng vẻ của sự kiêu ngạo. Đôi khi quá kiêu ngạo thì lại chứng tỏ là tự ti. Kẻ kém hơn thường hay chỉ trích, kẻ bất tài thường hay bất mãn.
Tự ti nghĩa là ta nhìn ra khoảng trống thiếu sót của mình. Chúng ta thường cảm thấy không hài lòng với bản thân mình, vậy nên cũng không cho phép hài lòng với người khác được. Không hài lòng với bản thân nên sinh ra tự ti, không hài lòng với người khác nên sinh ra kiêu ngạo. Bởi vậy mà kiêu ngạo bắt nguồn từ tự ti.
Cái tôi cá nhân luôn đặt bản thân ở vị trí cao hơn người khác. Do đó, khi ta không hài lòng với chính mình, ta không thể hài lòng với người khác.
Khi nhận thấy người khác không giống như mình ta bắt đầu trở nên lo lắng. Càng giống nhau thì càng đồng cảm, càng khác biệt thì dẫn đến hơn thua. Tự ti và kiêu ngạo là hai hình thái của sự khác biệt, ta sẽ dao động trong hai chiều hướng đó. Sự tự ti dồn nén trong khoảng thời gian dài sẽ chờ đợi một cơ hội nào đó để đảo chiều thành một sự kiêu ngạo tương ứng.
Sự ghen tị
Khi làm việc gì muốn đi theo hướng xấu, thường không có ai ngăn cản. Nhưng khi muốn đi theo hướng tốt, lại luôn có những người tìm cách gây khó khăn, muốn cản trở bước tiến của chúng ta.
Chúng ta luôn so sánh và không thể chịu được khi phải sống dưới cái bóng của những người ưu tú, và luôn ghen tị với họ. Vì vậy, chúng ta trở nên phấn khích khi có thể hạ bệ những người trên tầng cao xuống ngang bằng hoặc thấp hơn mình.
Sự ghen tị sâu sắc nhất không phải với những người xa lạ, mà là với những người gần gũi và thân thiết, đặc biệt là trong những mối quan hệ tương đương trong tầng bậc xã hội. Sự gần gũi và ngang bằng tạo ra một sự đồng nhất giữa ta và người khác, đó là sự bình đẳng không có Bản Ngã. Khi có sự thay đổi mang tính đột phá từ một phía làm mất đi tính bình đẳng, Bản Ngã hiện diện bằng cảm giác ghen tị.
Có những người ghen tị, họ đưa ra những lời khuyên dưới vỏ bọc lòng tốt. Nhưng ghen tị về bản chất là sự đối địch, họ không thể chấp nhận điều tốt đẹp xảy ra với người khác. Nên sẽ luôn có động lực thúc đẩy khiến họ có hành động nhằm hạ bệ người mà họ ghen tị.
Sự bất mãn
Ta luôn suy nghĩ về những thuận lợi. Thuận lợi là kỳ vọng, kỳ vọng là một ý tưởng về tương lai. Nhưng khi một rào cản gai góc đâm vỡ bong bóng ảo tưởng đó, ta chịu một cú sốc và trở nên tức giận.
Cái nội tâm tự nó so sánh và hơn thua để rồi trở nên bất mãn. Ta không thể hài lòng với người khác, không phải vì ta hơn gì họ, cũng không phải vì họ làm điều gì sai trái. Ta đi chửi mắng người khác vì bản thân không thể giải quyết vấn đề của mình. Khi bất mãn nhiều hơn hài lòng, ta đổ những dư thừa đó lên người khác. Rộng lượng là khi hài lòng nhiều hơn bất mãn.
Thật ra, cái tôi không quan tâm một người hay một việc là tốt hay xấu, nó chỉ đưa vào góc nhìn của mình những trạng thái mà nó đang có, tốt xấu do tự nó quyết định. Những gì ta thể hiện chính là những gì ta thu nhận. Khi ta phải gánh chịu một điều, ta cũng muốn dành điều đó cho kẻ khác.
Sự ích kỷ
Khi quan sát một người xa lạ, họ ở ngoài mối bận tâm của ta, nên chẳng có ràng buộc hay cảm xúc nào tồn tại và chi phối nhận định của ta, ta thật sự sáng suốt. Nhưng khi ta nảy sinh một cảm xúc với họ, sự quan sát của ta với họ bỗng bị một lăng kính cảm xúc che mờ.
Ta vẫn biết ích kỷ là gì qua quan sát và được chỉ bảo, nhưng hoàn toàn là lý thuyết. Vì là lý thuyết nên ta biết nó mà không thể nhận thức được nó. Ta nhận ra nó ở người khác nhưng không bao giờ nhận ra ở bản thân mình. Bởi vì, ta không thể tách ra thêm một tâm trí khác để tự quan sát mình. Ta chỉ nhận ra mình ích kỷ khi có một cú đánh từ thực tế làm cho mình bừng tỉnh, nếu không ta không bao giờ cho rằng mình ích kỷ, ta sẽ vô tình rơi vào nó mà không hề biết. Người có thể chọn không ích kỷ là vì bản thân anh ta đã từng ích kỷ, anh ta đã thực sự trải qua, anh ta hiểu rõ nó là gì, anh ta ghi nhớ nó và nó trở thành kinh nghiệm. Ngược lại, khi phải trải nghiệm sự ích kỷ từ người khác, ta cũng có thể nhận biết sự ích kỷ ở bản thân để không lặp lại nó.
Khi phạm phải sai lầm, ta sẽ biết được sai lầm là gì và biết cách không lặp lại. Biết được sai lầm là gì, ta sẽ đến gần hơn với sự thật, với chân lý. Đó là hành trình khám phá của riêng mỗi người, ta không thể dựa vào kết luận của người khác.
Chúng ta còn giới hạn với những trải nghiệm. Vì vậy, sự đối chiếu của ta luôn là những ý nghĩ đã lỗi thời. Trải nghiệm từ người khác đến với ta chỉ là lý thuyết, là thông tin. Ta có thể tưởng tượng ra nó, nhưng sự tưởng tượng không đem lại kinh nghiệm mới, vì nó là ảo ảnh, nó không có thực, nó chỉ là trải nghiệm cũ được phóng chiếu. Ta chẳng thể học được thêm điều gì mới cả nếu không thực sự dấn thân.
Sự đồng cảm
Sự kết nối về mặt tinh thần là khi chúng ta thấu hiểu nhau dựa trên sự đồng cảm. Chúng ta gắn bó với nhau chỉ khi chúng ta có sự tương đồng, có cùng một mối quan tâm, cùng thuộc về một trải nghiệm, cùng một quá khứ,… Nếu không, chúng ta sẽ chỉ như hai kẻ xa lạ đến từ hai thế giới khác nhau, không cùng chung tiếng nói, không thể giao tiếp. Sự kết nối về lợi ích đến từ sự khác biệt, nhưng sự kết nối về tinh thần đến từ sự tương đồng.
Đồng cảm là ta hoà nhập vào Bản Ngã của người khác. Ta rung động trong câu chuyện của người khác. Thực tế, sự đồng cảm chỉ có thể xảy ra ở những người có chung trải nghiệm. Làm sao ta có thể thấy đồng cảm với câu chuyện mà ta chưa từng trải qua. Không có gì sai trái nếu ta không thể đồng cảm với ai đó. Việc giả tạo với họ mới thực sự sai trái.
Sự tự tin
Sự tự tin không phù hợp với địa vị là sự kiêu ngạo ngớ ngẩn nhất. Một người nông dân giả làm hoàng đế sẽ chỉ là một thằng hề.
Sự tự tin không phải là một khả năng để có thể sở hữu hoặc không. Nó là một đặc tính đi kèm. Ta thường thấy tự tin khi chắc chắn làm được một việc nào đó. Nhưng nếu không có sự chắc chắn đó, làm sao ta có thể tự tin? Nói một cách nhân khẩu học thì sự tự tin đó là đạo đức giả, năng lực luôn phải đi trước sự tự tin.
Ta không thể giả làm một người mà ta không phải, và nếu có thể giả vờ, có lẽ vấn đề của ta không đến mức tồi tệ đến thế.
Ta không thể tự tin ở tất cả mọi mặt của cuộc sống. Tự tin chỉ xuất hiện trong những lĩnh vực và tình huống cụ thể mà ta có sở trường. Đó là sự tự tin có giới hạn và phụ thuộc vào ngoại cảnh. Vì khi ngoại cảnh thay đổi, khi ta không còn kiểm soát được, thì sự tự tin cũng sẽ tan biến.
Người thích thể hiện và phô trương thường không phải tự tin, chỉ vì thiếu thốn bên trong nên phải phô diễn bên ngoài. Bên ngoài cứng cáp thì chứng tỏ bên trong càng mỏng manh. Người tự tin thực sự luôn điềm đạm và bình tĩnh trong mọi tình huống.
Thay vì theo đuổi sự tự tin giả tạo, tốt hơn là không cần thiết phải tự tin. Việc chấp nhận những giới hạn của bản thân, đó mới là người hiểu lý lẽ, đó mới là sự tự tin bền vững mà không bị ngoại cảnh tác động.
Càng thiếu tự tin càng muốn dành vị trí đệ nhất về cho mình. Nếu đủ tự tin, ta có thể sống mà không cần quan tâm thứ hạng do kẻ khác xếp đặt. Dù là chọn hạ mình hoặc để cho cái tôi tự cao tự đại, ta cũng trở nên mâu thuẫn với người khác. Để người khác lấn lướt, hoặc lấn lướt người khác, không thể làm hài lòng tất cả. Vậy thì, chẳng bận tâm cao thấp, chẳng dính mắc hơn thua. Ta không thể hiện vì người khác, cũng không thể hiện vì bản thân, mà cứ thuận theo tự nhiên, những gì đến tự nhiên luôn được đón nhận.
Nỗi sợ
Nỗi sợ đến từ việc ta coi trọng thân thể này và các điều kiện thuận lợi cho nó, ta không muốn để bản thân rơi vào những rắc rối. Ta không thể tĩnh lặng trong rắc rối, ta chỉ có thể tĩnh lặng khi một mình và trong vòng tròn an toàn của mình. Nhưng khi bước ra khỏi vòng tròn đó ta trở nên bối rối và sợ hãi. Ta trốn thoát khỏi sợ hãi bằng cách làm cho người khác sợ hãi. Nếu không có ai đó sợ hãi thì ta sẽ trở nên sợ hãi.
Ta sợ những gì lạ lẫm, chúng là cái không biết nên làm cho suy nghĩ bế tắc. Ta đang sống bằng các suy nghĩ, ta chính là các suy nghĩ. Suy nghĩ không thể hoạt động trong trống rỗng, nó cần nguyên liệu là ký ức. Lý trí không thể suy nghĩ về cái không biết và cái không nhớ, nó trở nên bối rối. Suy nghĩ chỉ có dữ liệu từ cái đã biết, cái đã biết gặp cái không biết sẽ sinh ra nỗi sợ. Cái không biết khiến cho suy nghĩ sợ hãi.
Tương lai và quá khứ là hai chiều hướng đối lập, hiện tại ở giáp ranh của hai chiều hướng đó. Ảo tưởng về tương lai là kinh nghiệm lặp lại từ quá khứ, nỗi sợ tương lai cũng là nỗi sợ quá khứ. Ta sợ tương lai nên luôn phải có sự chuẩn bị. Rủi ro đến từ cái không biết, nếu không phán đoán được tương lai, rủi ro sẽ xuất hiện.
Thực ra, nỗi sợ là quá khứ, ta sợ cái không biết vì đã từng gặp nó nhiều lần. Ta đã từng phải nhận hậu quả vì thiếu hiểu biết. Cái không biết là cũ kỹ, nó không phải cái mới lạ, vì cái mới lạ chưa xuất hiện. Cái không biết không phải tương lai, nó chỉ là một trạng thái để bù lấp vào khoảng trống của tương lai. Nỗi sợ luôn đến từ ký ức, nên nỗi sợ sau luôn lớn hơn nỗi sợ trước, nỗi sợ lặp lại luôn rõ ràng hơn.
Nguyên nhân của sợ hãi là ký ức. Ký ức về đau khổ đã qua và nhận định về sự tái diễn của nó làm cho con người sợ hãi về tương lai. Người nào chưa từng đau khổ thì không sợ hãi.
Ta suy nghĩ về những gì sắp xảy ra và cảm thấy sợ hãi. Tương lai là phán đoán dựa trên quá khứ, tương lai luôn cũ kỹ. Ta có khả năng ghi nhớ nên ta biết sợ hãi. Đó là cái giá của kinh nghiệm, càng nhiều kinh nghiệm càng nhiều sợ hãi. Ta phản ứng với tương lai bằng thổn thức và sợ hãi, ta phản ứng với hiện tại bằng vô thức và bản năng.
Hiện tại chỉ có thể cảm nhận, còn tương lai là ảo tưởng nên nỗi sợ cũng là một ảo tưởng. Mọi cảm xúc đều đến từ những suy tưởng, cảm xúc không tồn tại trong hiện tại. Những loài vô tri sống bản năng và không có khả năng ghi nhớ thì không có cảm xúc.
Khi các giác quan tiếp nhận một dấu hiệu, suy nghĩ sẽ phản ứng với nó bằng cách lục tìm lại những ký ức tương đồng nhất và đem ra đối chiếu với sự kiện mới. Nếu ký ức đó không tốt đẹp, suy nghĩ sẽ nhận định có sự nguy hiểm và sinh ra trạng thái sợ hãi.
Không sợ hãi không phải là bạo dạn, bạo dạn chỉ là đang kìm nén nỗi sợ. Không sợ hãi nghĩa là nhận ra mong muốn trốn chạy. Khi nhận ra mong muốn trốn chạy thì ta đã tách ra khỏi nó.