Tôn giáo có phải là một hình thức thống trị và bóc lột các đệ tử?
Trước khi nói về những điều tốt đẹp của tôn giáo, chúng ta hãy cùng xem xét những khía cạnh tiêu cực của nó. Thực tế là, tôn giáo là phương pháp hiệu quả và dễ dàng để tổ chức mọi người và khiến họ im lặng tuân theo những nguyên tắc nhất định mà không cần thắc mắc. Tôi tin rằng thực tế này đang khiến rất nhiều người trở nên nhu nhược, yếu đuối và định kiến hơn.
Tôn giáo thực sự đã giúp ngăn chặn một số hành vi tàn ác trên khắp thế giới. Cho đến khi con người bắt đầu khai thác và tận dụng tôn giáo để thực hiện mục đích ích kỷ của họ. Họ sử dụng tôn giáo như một công cụ để đạt được của cải vật chất và quyền lực chính trị bằng cách chi phối tâm trí của những người dễ bị tổn thương và thiếu sự hoài nghi. Giờ đây, mọi người được đào tạo để loại bỏ đi góc nhìn từ suy nghĩ cá nhân. Vì vậy, sẽ không có sự chống đối nào khi mà bạn không thể lập luận và suy nghĩ logic một cách độc lập.
Con người trong xã hội đang phải vật lộn trong cuộc sống thường ngày của họ. Nhưng họ lại không thể hoặc không muốn giải quyết các vấn đề đang tồn tại một cách có ý thức, mặc dù đó là điều họ nên làm, và cuối cùng họ tìm đến tôn giáo. Điều đó có lợi cho các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người có thể tích lũy quyền lực và của cải.
Con người là sinh vật đau khổ và yếu ớt về tâm trí. Vì vậy, tâm linh là giải pháp để giúp chúng ta thoát khỏi thực tại khắc nghiệt. Nó trở thành nguồn hy vọng và sự an ủi duy nhất cho chúng ta. Khi niềm tin giúp chúng ta bớt cảm thấy đau khổ, chúng ta sẵn lòng tin vào bất cứ điều gì.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo thường sử dụng các bài giảng, kinh thánh hoặc các tác phẩm được coi là thiêng liêng, để truyền đạt những giá trị đạo đức và quan điểm về vũ trụ cho đệ tử của mình. Những bài giảng này thường xoay quanh những giá trị và nguyên tắc đạo đức, như tình yêu thương, tính trung thực, sự khoan dung,… Chúng cung cấp một cách nhìn về cuộc sống và vũ trụ dựa trên quan điểm tôn giáo.
Những ý tưởng này nghe thật tốt đẹp, chúng có vẻ đúng đắn về mặt đạo đức và chính trị. Tuy nhiên, những gì mà các nhà giảng đạo đang che giấu lại trái ngược với những điều họ rao giảng và các nguyên tắc mà những người theo họ phải tuân thủ. Họ tích lũy quyền lực, của cải và đặc quyền. Nhưng họ không bị trừng phạt về mức độ thao túng và lợi dụng lòng khao khát của những người theo họ.
Tại sao chúng ta tin vào thần linh và những thứ không có thật?
Chúng ta tin vì đó là những điều không có khả năng kiểm chứng. Bản năng sinh tồn trong việc học hỏi và phát triển bản thân khiến cho chúng ta chấp nhận những điều mình không hiểu rõ. Để có thể học hỏi cái mới, bước đầu tiên là chúng ta phải tin vào những điều mới, chúng ta phải tin cho dù chúng ta không biết, đó là cách chúng ta học hỏi.
Con người nhận thức được giới hạn hiểu biết của mình về cuộc sống. Vì thế chúng ta không bao giờ phủ nhận những điều chúng ta không biết. Chúng ta chỉ phủ nhận những điều chúng ta đã biết. Thần linh và ma quỷ là những thứ chúng ta chỉ được nghe đến qua những lời kể, và những trải nghiệm không rõ ràng. Đôi khi là những sự hợp lý hoá bằng logic. Vì chúng ta không biết về chúng, nên chúng ta thà tin chúng hoặc cứ mơ hồ về chúng chứ không muốn phủ nhận chúng.
Chúng ta không phủ nhận những điều mơ hồ, và cũng thường cảm thấy sợ hãi về chúng. Tôn giáo có những câu chuyện không thể kiểm chứng. Chúng luôn được kể theo cách thuyết phục nhất. Chúng được truyền qua nhiều thế hệ, đó là những sự trừng phạt và đọa đày khơi dậy sự sợ hãi của chúng ta. Đó là cách tôn giáo thao túng bằng sự sợ hãi.
Nhìn ngược lại về quá khứ, khi khái niệm đạo đức và luân lý chưa tồn tại, một vị Chúa Trời trừng phạt mọi điều ác là rất cần thiết. Nhưng chúng ta không thực sự biết gì về vị Chúa Trời đó. Vì vậy, nỗi sợ hãi sự tồn tại của cái ác và nhu cầu cần được bảo vệ, đây là những công cụ được sử dụng bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo, để giữ cho các đệ tử trung thành với họ.
Con người có tính thắc mắc và luôn tự hỏi tại sao về sự tồn tại của chính mình, về ý nghĩa sâu sắc của thế giới xung quanh, nhưng lại không thể tự trả lời một cách dễ dàng. Tâm trí con người về bản chất sẽ tìm cách để lấp đầy những khoảng trống đó. Trong giai đoạn đầu tiên, khi kiến thức và khả năng giải thích còn hạn chế, con người đã dựa vào truyền thống, mê tín và thần thoại để lấp đầy các khoảng trống tri thức đó.
Trải qua hàng ngàn năm, chúng ta đã chứng kiến những sự thay đổi đáng kể trong cách mọi người hiểu và tiếp cận với tôn giáo và tâm linh. Trong quá trình tiến bộ của khoa học và sự mở rộng nhận thức của con người, một số người có thể trở nên lý trí hơn, nhưng cũng có những người cảm thấy sợ hãi hơn.
Có hai luồng thái độ trong cách con người tiếp cận với ý thức và vũ trụ. Một số người có thái độ tiêu cực đối với tôn giáo và coi nó là mê tín dị đoan. Họ cho rằng các học thuyết tôn giáo không có căn cứ khoa học, không thể chứng minh được, và do đó không đáng tin cậy. Trong khi những người khác có thái độ tích cực và thấy tôn giáo là một phần quan trọng của cuộc sống và ý thức con người.
Chúng ta có nên đặt niềm tin vào tôn giáo?
Ngay từ đầu, tôn giáo nhằm giúp duy trì đạo đức và niềm tin tốt đẹp. Tôi tin rằng trong các tôn giáo cái tốt nhiều hơn cái xấu. Tôn giáo là một nguồn lực cần thiết trong quá trình phát triển của loài người, là kết quả của nền văn minh. Tuy nhiên, do sự tham lam ích kỷ của các nhà lãnh đạo mà tôn giáo đã thay đổi diện mạo của nó. Giống như nhiều triết lý khác, những gì người ta làm với nó mới là xấu hoặc tốt, không phải bản thân triết lý. Nhiều điều tốt đẹp đã được thực hiện và đạt được nhân danh tôn giáo. Nhiều điều xấu cũng đã được thực hiện nhân danh tôn giáo.
Những người không theo tôn giáo có thể dựa vào lương tâm của chính họ để xác định đạo đức, từ đó hành động theo đúng giá trị và nguyên tắc mà họ tin tưởng. Họ cân nhắc hậu quả của một hành động và lấy lương tâm làm kim chỉ nam. Điều quan trọng là hiểu rằng lương tâm không chỉ đơn thuần là những gì chúng ta cảm thấy đúng. Lương tâm là kết quả của sinh học phức tạp đã phát triển qua hàng triệu năm để đảm bảo sự tồn tại. Chúng ta thực sự không có bất kỳ lựa chọn nào về lương tâm của mình, nó được lập trình về mặt di truyền. Sự lựa chọn duy nhất mà chúng ta có là liệu chúng ta có lắng nghe nó hay không.
Dù bằng cách nào, cách bạn lựa chọn để đáp lại tôn giáo của bạn hoặc lương tâm của bạn là chìa khóa. Vì các tôn giáo thường không khuyến khích tư duy tự do, và khiến chúng ta trở thành nô lệ của nó. Thực sự, một số học thuyết tôn giáo có thể được coi là cứng nhắc và không thể bị thách thức. Nó khiến con người không có khả năng tư duy phản biện, điều này rất nguy hiểm trong thời đại internet. Nó có thể ngăn cản những người trẻ tuổi tiếp thu kiến thức khoa học. Thậm chí trong một số trường hợp, những học thuyết này có thể gây hại khi chúng bị hiểu sai, hoặc trở thành công cụ để kiểm soát và thao túng vì một động cơ thầm kín nào đó.
Chúng ta không thực sự biết mục đích của các tôn giáo sẽ dẫn đến kết quả tốt hay xấu. Nhưng nếu bạn không thể tìm hiểu và học hỏi từ những điều dẫn dắt bạn, để nhìn thấu những thứ không rõ ràng thành rõ ràng. Thì liệu chúng có thực sự đáng tin hay không? Cho dù bạn có đi theo bất kỳ tôn giáo nào, hãy luôn tỉnh táo và luôn kiểm chứng.