Hãy coi cơ thể con người là một cỗ máy, và tâm trí con người là một trung tâm điều khiển. Vậy thì Cái Tôi chính là thứ tồn tại bên trong trung tâm điều khiển, nó ở đó và kiểm soát cỗ máy.
Khi có sự hiểu biết và nhận ra được Cái Tôi, bạn sẽ đạt được trạng thái Tỉnh Thức: sự tỉnh táo trong nhận thức. Trong trạng thái đó Cái Tôi không còn nắm quyền kiểm soát và tác động lên nhận thức của bạn nữa, bạn sẽ quyết định mọi thứ một cách sáng suốt nhất. Góc nhìn của bạn không còn bị Cái Tôi che mờ, bạn nhìn nhận mọi thứ với một sự tinh tường. Đó là biểu hiện của trí tuệ.
Vậy thì, Bản Ngã là gì?
“Bản” nghĩa là nguồn gốc, bản chất. “Ngã” ám chỉ Cái Tôi. Bản Ngã là nguồn gốc sinh ta Cái Tôi.
Khi bạn đi tìm nguyên nhân sinh ra Cái Tôi là bạn đang đi tìm khái niệm về Bản Ngã. Bản Ngã là một ý tưởng mà nếu suy nghĩ theo cách đó thì Cái Tôi trong bạn sẽ tồn tại. Bản Ngã đối lập với Vô Ngã (không có Cái Tôi).
Khi bạn nói về bản thân mình bạn luôn dùng từ “tôi” chứ không phải là “anh ấy” hay “cô ấy”. Bản Ngã là khi bạn tìm cách phân biệt bản thân với người khác: “tôi” không phải là họ. Cái Tôi luôn phân biệt nó với những cá nhân khác.
Tức là, tất cả chúng ta đều là những cá thể riêng biệt, có cơ thể và suy nghĩ riêng. Bạn luôn có đặc điểm nào đó khác biệt với mọi người. Chính sự độc lập và khác biệt đó, khiến bạn tồn tại trên đời với mục đích và sứ mệnh riêng. Đó là một ý tưởng, đó là Bản Ngã. Sự tồn tại của Bản Ngã tạo ra những điều có ý nghĩa đối với riêng bạn. Những điều có ý nghĩa đó hình thành nhận thức về bản thân bạn.
Bản Ngã không chỉ khiến bạn phân biệt bản thân mình với đồng loại mà còn với những sinh vật khác cùng tồn tại trên thế giới này: “tôi” không phải con vật kia, “tôi” không phải cái cây kia,… Nếu chỉ có duy nhất bạn tồn tại trong vũ trụ này, bạn không có đối tượng để chung sống và so sánh thì Bản Ngã sẽ không tồn tại và bạn tồn tại một cách vô nghĩa.
Bản Ngã sinh ra từ đâu? Nó sinh ra từ hoạt động của lý trí. Khi bạn so sánh bản thân mình với người khác. Tức là, lý trí là nguồn gốc của Bản Ngã. Bản Ngã bao gồm chân dung về bản thân và những ý nghĩa trong cuộc sống của bạn, và chúng được xây dựng dựa trên những ý niệm (ý tưởng và khái niệm) mà lý trí tạo ra trong quá trình tư duy. Nếu không nhận ra rằng bạn đang bị định hình bởi các suy nghĩ của lý trí, bạn vẫn cho rằng bản chất của mình nằm trong những suy nghĩ đó.
Bản Ngã xuất hiện một cách rất tự nhiên và hợp lý. Chính việc ta so sánh và nhận thức được rằng mình độc lập và khác biệt với mọi người mà sinh ra Bản Ngã.
Sau khi nhận ra sự khác biệt của mình, bạn bắt đầu tự đánh giá. Khi bạn tự đánh giá, bạn bắt đầu nhận ra tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của mình, và điều này thúc đẩy bạn khao khát được ghi nhận. Vì vậy, bạn có nhu cầu được tôn trọng và thể hiện bản thân. Rồi từ đó sinh ra tâm lý tự tin hoặc tự ti. Bạn bắt đầu nảy sinh ghen tị, kiêu ngạo,… và tất cả những cảm xúc tích cực và tiêu cực.
Tất cả chúng ta đều có những điểm giống nhau, nhưng cũng có những điểm khác nhau cả về sinh học và tư duy độc lập. Từ những sự tách biệt đó mà bạn bắt đầu coi trọng bản thân mình, bạn biết ích kỷ, bạn biết tham lam, bạn làm mọi thứ vì bản thân mình chứ không phải ai khác. Đó là nguồn gốc của bản năng sinh tồn trong bạn.
Khi ta biết rằng thất bại là điều chắc chắn sẽ xảy ra, ta không thể cảm thấy phiền muộn. Khi ta biết rằng mình đã làm tốt nhất có thể, ta sẽ chấp nhận mọi kết quả mà không chút phiền muộn. Nhưng ta có thể phiền muộn với cái đạt được, nếu biết rằng có một điều lớn hơn đã bị bỏ lỡ. Ta phiền muộn vì sự so sánh, đó là đặc trưng của lòng tham, đó là biểu hiện của Bản Ngã. Lòng tham không bao giờ muốn dừng lại, nó không bao giờ muốn ở yên một vị trí, nó không bao giờ thỏa mãn với cái đạt được.
Khi bạn đứng một mình, bạn mang Cái Tôi của cá nhân. Khi bạn thuộc về một tập thể, bạn mang Cái Tôi của tập thể. Khi bạn thuộc về một quốc gia, bạn mang Cái Tôi của quốc gia. Ngay cả khi bạn thuộc về cả nhân loại, bạn cũng mang theo Cái Tôi đối với những giống loài khác. Cái Tôi về bản chất luôn xung đột giữa nó và những đối tượng tách biệt khác. Sự xung đột củng cố bản sắc nhóm, xung đột với bên ngoài càng làm các thành viên trong nhóm trở nên gắn kết. Bên trong ranh giới của Cái Tôi là sự gắn kết, bước ra ngoài ranh giới đó là sự xung đột.
Bản Ngã tồn tại là có lý do, nhưng chúng ta không muốn Bản Ngã kiểm soát bản thân mình. Vì vậy, để thoát khỏi sự kiểm soát đó, chúng ta tìm kiếm sự Tỉnh Thức thông qua việc hiểu biết về Bản Ngã.
Sự Tỉnh Thức là khả năng quan sát và cảm nhận sự hiện diện của Bản Ngã một cách hoàn toàn lý trí, gọi tên được nó và nhận thức trọn vẹn về nó. Từ đó, mọi quyết định mà ta đưa ra sẽ đến từ sự tỉnh táo. Dấu hiệu của bản ngã là ham muốn, ích kỷ, ghen tị, kiêu ngạo, giận dữ, sợ hãi, lo lắng,… Quan sát Bản Ngã chính là quan sát những hiện tượng đó, từ đó tìm ra nguyên nhân sinh ra chúng.
Ta có thể quan sát Bản Ngã của người khác với một tâm trí tách biệt. Nhưng khi tự quan sát chính mình, ta không thể chia tách tâm trí và Bản Ngã ra thành hai thứ riêng biệt, và để cho thứ này quan sát thứ kia, điều đó là không thể. Ta có thể tưởng tượng về sự tách ra đó, nhưng nó không thực sự tồn tại, nó không có hiệu lực. Tâm trí chỉ nhận ra Bản Ngã khi nó đã xảy ra, khi nó đã trở thành quá khứ, nhưng không thể nhận ra Bản Ngã ở hiện tại.
Để nhận ra Bản Ngã trong hiện tại, ta không được cố gắng tách ra, hoạt động tách ra là sự phủ nhận, đó là kìm nén. Ta phải chấp nhận nó, không chối bỏ nó, nó là ta, ta là nó, nó thuộc về ta. Ta không thể quan sát sự phủ nhận, ta chỉ có thể quan sát khi ta chấp nhận sự tồn tại của nó trong ta, để cho tâm trí của ta tự quan sát chính nó. Đó chính là cách thức của sự thấu cảm.