Nếu bạn không ích kỷ, bạn sẽ không vị tha đâu, nhớ lấy. Chỉ người ích kỷ rất sâu sắc mới có thể không ích kỷ được. Nhưng điều này phải được hiểu bởi vì nó có vẻ như nghịch lý.
Ý nghĩa của việc có tính ích kỷ là gì? Điều cơ bản thứ nhất là lấy mình làm trung tâm. Điều cơ bản thứ hai là bao giờ cũng tìm phúc lạc cho mình. Nếu bạn lấy mình làm trung tâm, bạn sẽ ích kỷ dù bạn làm bất kỳ điều gì. Bạn có thể đi và phục vụ mọi người nhưng bạn sẽ làm điều đó chỉ bởi vì bạn tận hưởng nó, bởi vì bạn yêu thích làm điều đó, bạn cảm thấy hạnh phúc và phúc lạc khi làm điều đó. Bạn không làm vì bất kỳ nghĩa vụ nào; bạn không phục vụ nhân loại. Bạn không phải là kẻ tử vì đạo vĩ đại; bạn không hy sinh. Đây toàn là những thuật ngữ vô nghĩa. Bạn đơn giản hạnh phúc theo cách riêng của mình – điều đó làm cho bạn cảm thấy thoải mái. Bạn tới bệnh viện và phục vụ người ốm ở đó, hay bạn đi tới người nghèo và phục vụ họ, nhưng bạn yêu thích điều đó. Đó là cách bạn trưởng thành. Sâu bên dưới bạn cảm thấy phúc lạc và im lặng, hạnh phúc về bản thân mình.
Người không ích kỷ bị mất gốc rễ, không định tâm. Người đó trong loạn thần kinh sâu sắc. Người đó đang chống lại tự nhiên; người đó không thể khỏe mạnh và toàn thể được. Người đó đang đấu tranh chống lại dòng chảy cuộc sống, sự hiện hữu, sự tồn tại – người đó đang cố gắng để không ích kỷ. Người đó làm sao có thể không ích kỷ được – bởi vì chỉ người ích kỷ mới có thể không ích kỷ.
Khi bạn hạnh phúc bạn có thể chia sẻ nó; khi bạn không có nó, làm sao bạn có thể chia sẻ nó được? Để chia sẻ, ngay ở đầu tiên người ta phải có nó. Người không ích kỷ bao giờ cũng nghiêm chỉnh, sâu bên dưới ốm yếu, trong khổ sở. Người đó đã bỏ lỡ cuộc sống riêng của mình. Và nhớ lấy, bất kỳ khi nào bạn bỏ lỡ cuộc sống của mình, bạn trở thành kẻ giết người hoặc tự tử. Bất cứ khi nào có người sống trong đau khổ, người đó sẽ muốn huỷ diệt.
Khổ mang tính huỷ diệt; hạnh phúc mang tính sáng tạo. Chỉ có một tính sáng tạo và đó là của phúc lạc, vui đùa, vui sướng. Khi bạn vui sướng bạn muốn tạo ra cái gì đó – có thể là đồ chơi cho trẻ con, có thể là bài thơ, có thể là bức hoạ, cái gì đó. Bất cứ khi nào bạn quá vui sướng trong cuộc sống, làm sao diễn đạt nó? Bạn sáng tạo ra cái gì đó – cái này hay cái nọ. Nhưng khi bạn đau khổ, bạn lại muốn đập nát và phá huỷ cái gì đó. Bạn muốn trở thành chính khách, bạn muốn trở thành thành người lính – bạn muốn tạo ra tình huống nào đó mà bạn có thể mang tính huỷ diệt.
Người hạnh phúc thuộc về bản thân mình. Tại sao người đó lại phải thuộc về bất kỳ tổ chức nào? Đó là con đường của người không hạnh phúc: thuộc về tổ chức nào đó, thuộc về đám đông nào đó. Bởi vì người đó không có gốc rễ bên trong bản thân mình, người đó không thuộc về mình – và điều đó cho người đó lo âu rất sâu sắc: Người đó phải thuộc về đâu chứ. Người đó tạo ra sự lệ thuộc thay thế. Người đó đi và trở thành một phần của đảng phái chính trị, hay bất kỳ tôn giáo nào. Bây giờ người đó cảm thấy mình thuộc về đâu đó: đám đông có đó và người đó được bắt rễ vào.
Người ta phải bắt rễ vào bản thân mình bởi vì đó là con đường từ bản thân mình đi sâu xuống sự tồn tại. Nếu bạn thuộc về đám đông, bạn thuộc về ngõ cụt; từ đó không thể có được trưởng thành nào thêm nữa. Tại đó là đi tới chỗ kết, ngõ cụt.
Cho nên tôi không dạy bạn không ích kỷ bởi vì tôi biết nếu bạn ích kỷ, bạn sẽ tự động, tự phát không ích kỷ. Nếu bạn không ích kỷ, bạn đã bỏ lỡ bản thân mình; bây giờ bạn không thể tiếp xúc với bất kỳ ai khác – tiếp xúc cơ bản bị bỏ lỡ. Bước đầu tiên đã bị bỏ lỡ.
Quên thế giới và xã hội đi. Quên tất cả những điều này đi. Bạn chỉ ở đây vài năm thôi. Tận hưởng, vui sướng, hạnh phúc, nhảy múa và yêu; và sự tuôn tràn năng lượng sẽ bắt đầu từ tình yêu và nhảy múa của bạn, từ tính ích kỷ sâu sắc của bạn.
Tình yêu, tôi nói, là một trong những điều ích kỷ nhất.
Thế nào là yêu bản thân mình?
Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng từ tiếng Anh “love” là bắt nguồn của từ tiếng Phạn “lobha”; lobha nghĩa là tham lam. Có thể đấy chỉ là tình cờ mà từ tiếng Anh “love” đã phát triển từ tiếng Phạn mang nghĩa tham lam, nhưng cảm giác của tôi là ở chỗ điều đó không thể là tình cờ được. Phải có cái gì đó bí ẩn đằng sau nó, phải có lý do giả kim thuật nào đó đằng sau nó. Thực tế, tham lam được hiểu thấu sẽ trở thành tình yêu.
Tình yêu là chia sẻ; tham lam là tích trữ. Tham lam chỉ muốn lấy và không bao giờ cho, còn yêu chỉ biết cho mà không bao giờ đòi cái gì đền đáp lại; nó là chia sẻ vô điều kiện.
Tình yêu thông thường chỉ là sự giả dạng; cái gì đó khác đang ẩn kín đằng sau nó. Tình yêu thực sự là hiện tượng hoàn toàn khác. Tình yêu thông thường là đòi hỏi, tình yêu thực sự là chia sẻ. Nó không biết gì tới đòi hỏi; nó biết niềm vui của việc cho.
Chúng ta bắt đầu với một trong những giáo huấn sâu sắc nhất của Phật Gautam: Yêu bản thân mình.
Bạn đã được dạy chính điều đối lập lại trong mọi truyền thống trên thế giới – tất cả các nền văn minh, tất cả các nền văn hoá, tất cả các nhà thờ. Họ nói: Yêu người khác, đừng yêu bản thân mình. Và chắc chắn có chiến lược tinh ranh đằng sau giáo lí của họ.
Tất cả các tu sĩ và chính khách đều là kẻ ăn bám. Để làm cho bạn yếu đuối về tâm linh họ đã tìm ra một phương pháp chắc chắn, đảm bảo một trăm phần trăm, và đó là dạy bạn không yêu bản thân mình. Bởi vì nếu một người không yêu bản thân mình thì người đó không thể yêu được ai khác cả. Giáo lí này rất thủ đoạn – họ nói, “Yêu người khác”… bởi vì họ biết rằng nếu bạn không thể yêu được bản thân mình, bạn không thể yêu được chút nào. Nhưng họ cứ nói, “yêu người khác, yêu nhân loại, yêu Thượng đế, yêu tự nhiên, yêu vợ bạn, chồng bạn, bố mẹ bạn”. Nhưng đừng yêu bản thân mình – bởi vì yêu bản thân mình theo họ là ích kỷ. Họ kết án việc tự yêu mình vì họ không thể kết án thứ gì khác.
Người yêu mình thấy rằng không có bản ngã trong mình. Chính bởi việc yêu người khác mà không yêu mình, mà bản ngã mới phát sinh. Những nhà truyền giáo, những nhà cải cách xã hội, những đầy tớ xã hội đều có bản ngã lớn nhất trên thế giới – một cách tự nhiên, bởi vì họ tự coi mình là những người siêu phàm. Họ không bình thường. Họ yêu người khác, họ yêu những ý tưởng lớn, họ yêu Thượng đế. Và tất cả tình yêu của họ đều giả, bởi vì tất cả tình yêu của họ đều không có gốc rễ nào.
Nhưng trong hàng thế kỉ, gốc rễ của bạn đã bị chặt đi, bị đầu độc. Bạn đã bị làm cho sợ ở trong tình yêu với bản thân mình – chính là bước đầu tiên của tình yêu, và kinh nghiệm đầu tiên. Người yêu bản thân mình kính trọng bản thân mình. Và người yêu và kính trọng bản thân mình cũng kính trọng người khác nữa, bởi vì người đó biết: “Cũng như mình đây, người khác cũng thế”.
Bạn đã không kính trọng bản thân mình, không yêu bản thân mình. Bây giờ toàn thể cuộc sống của bạn sẽ bị phí hoài trong kết án của người khác. Đó là lý do tại sao mọi người đều là những kẻ bới lông tìm vết vĩ đại thế. Họ tìm lỗi với ngay cả họ. Họ sẽ tìm thấy lỗi và họ sẽ khuếch đại chúng lên, họ sẽ làm cho chúng thành lớn nhất có thể được. Điều đó dường như là lối ra duy nhất; bằng cách nào đó, để giữ thể diện, bạn phải làm điều đó. Đó là lý do tại sao lại có nhiều phê bình chỉ trích và thiếu tình yêu thế.
Và người yêu bản thân mình có thể dễ dàng trở nên có tính thiền, bởi vì thiền nghĩa là ở với bản thân mình. Nếu bạn ghét bản thân mình – như bạn vẫn làm, như bạn đã từng được bảo phải làm, và bạn đã tuân theo điều đó một cách tôn giáo – nếu bạn ghét bản thân mình, làm sao bạn có thể ở cùng bản thân mình được? Và thiền không là gì ngoài việc tận hưởng tính một mình đẹp đẽ của bạn.
Phép màu vĩ đại nhất trên thế giới là ở chỗ bạn hiện hữu, ở chỗ tôi hiện hữu. Hiện hữu là phép màu lớn nhất – và thiền mở ra những cánh cửa cho phép màu vĩ đại này. Nhưng chỉ người yêu bản thân mình mới có thể thiền được; bằng không bạn bao giờ cũng trốn chạy khỏi bản thân mình, tránh né bản thân mình. Ai muốn nhìn vào khuôn mặt xấu xí, và ai muốn thấm vào trong sự hiện hữu xấu xí? Ai muốn đi sâu vào trong bùn lầy riêng của mình, vào bóng tối riêng của mình? Ai muốn đi vào trong địa ngục mà bạn nghĩ mình đang là? Bạn muốn giữ toàn thể điều này được che đậy bởi những bông hoa đẹp và bạn bao giờ cũng muốn trốn chạy khỏi bản thân mình.
Do đó mọi người liên tục đi tìm bầu bạn. Họ không thể ở một mình được; họ muốn ở cùng người khác. Mọi người đều tìm kiếm bất kì kiểu bầu bạn nào; nếu họ có thể tránh được bầu bạn với bản thân mình, bất kì cái gì cũng được. Họ sẽ ngồi trong rạp chiếu bóng ba giờ để xem cái gì đó hoàn toàn ngu xuẩn. Họ sẽ đọc tiểu thuyết trinh thám trong hàng giờ, phí hoài thời gian của họ. Họ sẽ đọc cùng tờ báo đọc đi đọc lại chỉ để giữ cho mình bận rộn. Họ sẽ chơi bài và chơi cờ chỉ để giết thời gian – cứ dường như họ có nhiều thời gian lắm!
Nhưng đây là một trong những vấn đề cơ sở được tạo ra bởi dạy dỗ sai lầm: bạn né tránh bản thân mình.
Thiền nghĩa là: Gạt tâm trí sang một bên và quan sát. Bước thứ nhất – yêu bản thân mình – sẽ giúp bạn nhiều vô cùng. Bằng việc yêu bản thân mình bạn sẽ phá huỷ đi nhiều điều mà xã hội đã cấy vào trong bạn. Bạn sẽ trở nên tự do với xã hội và những huấn luyện của nó.
Sự khác biệt giữa yêu bản thân mình với lòng tự ái?
Nếu bạn không yêu ngôi nhà của mình, bạn sẽ không lau dọn nó; nếu bạn không yêu ngôi nhà của mình, bạn sẽ không sơn lại nó; nếu bạn không yêu nó, bạn sẽ không bao quanh nó bằng khu vườn đẹp, với ao sen. Nếu bạn yêu bản thân mình bạn sẽ tạo ra khu vườn quanh bản thân mình. Bạn sẽ cố gắng làm phát triển tiềm năng của mình. Bạn sẽ nuôi dưỡng bản thân mình.
Và nếu bạn yêu bản thân mình, bạn sẽ ngạc nhiên: Người khác sẽ yêu bạn. Không ai yêu người không yêu bản thân mình. Nếu bạn thậm chí không thể yêu được bản thân mình, ai khác sẽ nhận phiền toái này đây?
Tôi dạy yêu bản thân mình. Nhưng nhớ lấy, yêu bản thân mình không có nghĩa là lòng kiêu hãnh bản ngã, hay còn gọi là lòng tự ái, không phải thế chút nào. Thực tế điều đó ngụ ý chính điều đối lập lại. Người yêu bản thân mình thấy không có cái tôi trong mình. Tình yêu bao giờ cũng làm tan chảy cái tôi – đó là một trong những bí mật giả kim thuật cần được học, được hiểu, được kinh nghiệm. Bất kì khi nào bạn yêu, cái tôi cũng biến mất. Bạn yêu người phụ nữ, và ít nhất trong vài khoảnh khắc khi có tình yêu thực sự với người phụ nữ đó, sẽ không có cái tôi trong bạn, không bản ngã.
Bản ngã và tình yêu không thể cùng tồn tại. Chúng giống như ánh sáng và bóng tối: khi ánh sáng tới, bóng tối biến mất. Nếu bạn yêu bản thân mình bạn sẽ ngạc nhiên – yêu bản thân mình nghĩa là cái tôi biến mất. Trong yêu bản thân mình không cái tôi nào được tìm thấy cả. Đó là nghịch lý: yêu bản thân mình là hoàn toàn không ích kỷ. Nó không phải là ích kỷ – bởi vì bất kì khi nào có ánh sáng thì không có bóng tối, và bất kì khi nào có tình yêu thì không có cái tôi. Tình yêu làm tan chảy cái tôi đông cứng. Cái tôi giống như khối băng, tình yêu giống như mặt trời buổi sáng. Hơi ấm của tình yêu… và cái tôi bắt đầu tan chảy. Bạn càng yêu bản thân mình, bạn sẽ thấy càng ít cái tôi trong mình, và thế rồi điều đó trở thành việc thiền lớn lao, bước nhảy lớn lao vào sùng kính.
Cho nên nhớ lấy, lòng kiêu hãnh bản ngã không bao giờ là tình yêu với bản thân mình. Lòng kiêu hãnh bản ngã chính là cái đối lập. Người đã không có khả năng yêu lấy bản thân mình thì trở thành ích kỷ. Lòng kiêu hãnh bản ngã là điều các nhà phân tâm gọi là hình mẫu tự ái của cuộc sống, lòng tự ái.
–
Osho (còn được gọi là Bhagwan Shree Rajneesh) là một nhà tư tưởng, giảng viên và nhà sư phương Tây – Ấn Độ. Ông sinh năm 1931 tại Madhya Pradesh, Ấn Độ và qua đời năm 1990 tại Oregon, Mỹ.
Osho được biết đến với triết lý của mình, bao gồm việc khuyến khích con người tìm kiếm sự tự do và hạnh phúc bên trong chính họ thay vì phụ thuộc vào các giáo điều và quy tắc xã hội.