Để hiểu rõ ngọn nguồn, trước hết hãy nói về hình thái đầu tiên của thị trường, đó là việc trao đổi hàng hoá với nhau. Việc trao đổi phải dựa trên sự cân bằng giá trị của hàng hoá. Nếu việc trao đổi không có sự cân bằng thì một trong hai bên sẽ bị thiệt.
Tiền tệ chỉ là công cụ giúp việc trao đổi trở nên thuận tiện hơn mà không làm thay đổi bản chất ban đầu. Tiền trở thành công cụ trung gian gián tiếp thay cho việc trao đổi trực tiếp và làm thước đo để định giá hàng hoá. Việc trao đổi trung gian thông qua tiền tệ chúng ta gọi là hoạt động mua và bán. Theo bản chất cân bằng ban đầu thì việc mua bán thông thường không tạo ra giá trị tăng thêm. Nếu được lợi khi bán thì bị thiệt khi mua, và ngược lại.
Ý tưởng đầu tiên về tiền là dùng kim loại, vì kim loại khó hư hỏng và có thể chia thành những phần nhỏ. Tại sao vàng bạc thường được dùng làm tiền? Vì chúng là kim loại quý, chúng có hạn nên giá trị nội tại không thay đổi theo thời gian. Đây là thời kỳ của bản vị vàng và bản vị bạc (hiểu đơn giản là dùng vàng bạc để làm tiền tệ mua bán).
Tổng lượng vàng bạc sẽ quy đổi cho tương ứng với tổng lượng sức lao động trong xã hội. Muốn có vàng bạc phải bỏ sức lao động để khai thác. Hoặc bỏ sức lao động để tạo ra sản phẩm, sau đó đổi sản phẩm lấy vàng bạc. Vàng bạc được luân chuyển trong xã hội thay cho việc trao đổi hàng hoá trực tiếp, chúng không thay đổi về giá trị và số lượng. Lúc này, nền kinh tế không có khủng hoảng, không có lạm phát.
Ban đầu, tiền ở dạng chỉ là các thanh thỏi vàng và bạc, khi dùng để mua bán phải cân lên để biết số lượng và thử nghiệm để biết chất lượng. Sự bất tiện khi phải cân vàng bạc với độ chính xác cần thiết nên chúng ta tạo ra đồng tiền đúc, và con dấu nhà nước được đóng vào hai mặt của đồng tiền. Lúc này, chúng ta không cần cân lại trọng lượng mà chỉ cần đếm cho đủ số lượng mà thôi.
Những nhà tài phiệt tìm cách thâu tóm hết lượng vàng bạc trong xã hội để gia tăng tài sản. Họ phát minh ra tiền giấy. Một mảnh giấy vô giá trị trở nên có giá trị chỉ bởi con số được in trên đó. Bất luận tiền giấy hay là tài khoản ngân hàng đều không có đủ giá trị nội tại như một loại hàng hóa nào. Chính phủ đã lấy hết vàng bạc và trả lại cho người dân những tờ tiền giấy. Họ nói hãy cứ xài tiền giấy đi, khi nào muốn đổi vàng thì cầm tờ giấy đó đến ngân hàng trung ương để đổi. Nhưng khi bạn cầm tờ giấy nợ này đến họ lắc đầu từ chối.
Ban đầu, chính phủ quy định lượng tiền giấy in ra phải đúng bằng lượng vàng hiện có. Điều này để đảm bảo việc in tiền không trở nên tuỳ tiện. Nhưng sau đó, chính sách bản vị vàng bị xoá bỏ/ và áp dụng chế độ tiền pháp định, in tiền nhưng không gắn với giá trị vàng. Lúc này, muốn có bao nhiêu tiền thì in ra bấy nhiêu, và nền kinh tế bắt đầu có khủng hoảng, lạm phát xuất hiện.
Ai là người được hưởng lợi từ lạm phát?
Đó là những con nợ, vì nay khoản nợ họ phải trả có vẻ nhẹ gánh hơn.
Ai là nạn nhân của lạm phát?
Hầu hết mọi thành phần của nền kinh tế đều là nạn nhân của lạm phát, vì nhìn một cách tổng thể thì mỗi người đều là người tiêu dùng. Tuy nhiên, ba thành phần chịu thiệt thòi nhất là:
– Người về hưu: lương hưu là một trong những hàng hoá có tính ổn định nhất về giá cả.
– Người gửi tiết kiệm: sự mất giá của đồng tiền khiến những người tích trữ tiền mặt, và những người gửi tiết kiệm đánh mất của cải nhanh nhất.
– Người cho vay nợ: khoản nợ trước đây có thể mua được một món hàng nhất định thì nay chỉ mua được món hàng có giá trị thấp hơn.
Lạm phát đã ăn mòn lãi suất của người gửi tiết kiệm và người cho vay. Lạm phát làm mất giá trị của thu nhập và tiền lương, nó cướp đi sức lao động của chúng ta một cách thầm lặng.
Tại sao một đồng tiền lại có giá trị?
Để đồng tiền của một quốc gia có giá trị, thì bản thân quốc gia đó phải có uy tín. Tức là phải có quân đội mạnh bảo vệ và nền kinh tế mạnh. Nếu đồng tiền yếu, nó chỉ có giá trị trong nội địa và không thể ra thế giới để mua được dầu mỏ.
Một lý do Mỹ tăng lãi suất đồng USD là để làm cho đồng USD trở nên có giá hơn. Khi đó, các nước sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, vì lúc này xuất khẩu sẽ được lợi. Điều này đồng nghĩa với việc các nước sẽ bị chảy máu tài nguyên, chẳng hạn như khoáng sản và hải sản. Mỹ lấy lý do thâm hụt thặng dư thương mại để đòi hỏi các nước nhập khẩu lại các sản phẩm của Mỹ. Những quốc gia giàu có như Mỹ rất thông minh, họ không xuất khẩu tài nguyên. Họ phát triển công nghệ và bán đồ công nghệ cao như máy bay và vũ khí quân sự. Những đồ công nghệ không dễ định giá chính xác do chúng có nhiều giá trị vô hình và thường được kê giá cao hơn so với giá trị thực tế. Đây là cách mà Mỹ khai thác trên thị trường thế giới.
Việc tăng lãi suất của đồng USD đã dẫn đến việc Mỹ tích tụ một số nợ khổng lồ. Nhưng Mỹ chỉ cần in thêm USD là có tiền trả nợ. Điều này gây ra làm phát và có lợi cho những con nợ như Mỹ, lạm phát làm mất giá của những khoản nợ. Do đó, các cường quốc lớn không ngại việc dùng đi dùng lại chiêu bài bẫy nợ. Mỹ nhập khẩu tài nguyên và xuất khẩu USD đi khắp thế giới. Bằng cách bắt các quốc gia phải mua dầu mỏ bằng USD, Mỹ đã thành công trong việc biến USD thành USD dầu mỏ để đồng tiền của mình trở thành tiền tệ thế giới, và USD trở nên quan trọng và có giá trị hơn bao giờ hết.