Tình yêu xuất hiện khi ta cảm thấy rung động. Nó xuất hiện rất tự nhiên qua một vài sự tiếp xúc khiến chúng ta có một sự kết nối đặc biệt, và tạo ra một cảm giác hạnh phúc. Cái cảm giác hạnh phúc tại thời điểm đó khiến chúng ta muốn theo đuổi và xây dựng mối quan hệ với người đó. Thứ tình yêu ngọt ngào của chúng ta đến từ sự rung động này.
Vẻ ngoài của một người giống như một bức tranh đẹp vậy, trí tuệ của họ thì là nội dung. Sự rung động đầu tiên đến từ những gì ta nhìn thấy. Bản năng là thuộc về thân xác. Tình yêu là bản năng của thân xác, nên tình yêu là sự hoà hợp của thân xác. Nếu tình yêu chỉ là duy trì nòi giống thì chúng ta cũng không khác gì những loài thú vật sống đơn thuần theo sinh lý. Nhưng rõ ràng là tình yêu của con người có nhiều phần tâm trí nữa.
Tình yêu không chỉ là những rung cảm đến từ tiếp xúc xác thịt. Có một sự hấp dẫn đến từ thái độ, lời nói và hành động khiến ta cảm thấy thật có ý nghĩa.
Tình yêu là tham lam
Tình yêu là tham lam, tình yêu là ích kỷ, tình yêu là chiếm hữu,… Người ta cảm nhận được tình yêu của bạn khi bạn cho họ thấy bạn mong muốn chiếm hữu họ. Nếu chúng ta không muốn có nhau thì lý do gì chúng ta ở bên nhau?
Tình yêu là khả năng đáp ứng một mối quan hệ. Đó là sự đấu đá giữa Bản Ngã của hai người. Yêu là gì? Yêu là yêu cầu. Yêu là mong muốn có được người đáp ứng yêu cầu của mình. Đó là sự đòi hỏi và kỳ vọng. Vì vậy, tình yêu mà chúng ta dành cho người khác, về hình thức là cho đi, nhưng ẩn bên dưới là mong muốn lấy lại.
Tình yêu là kỳ vọng, là yêu cầu, là mong muốn. Khi những điều đó được đáp ứng thì chúng biến mất và tình yêu cũng biến mất. Ta chỉ trân trọng những điều chưa có, tình yêu chỉ hiện diện khi chưa có được. Tình yêu được coi là hành trình theo đuổi điều chưa có, ta gọi sự theo đuổi là tình yêu. Khi đã có được thì sự theo đuổi kết thúc, và tình yêu cũng kết thúc, vì nó không còn là khái niệm ban đầu. Đó là sự sai lầm ngay từ khi bắt đầu. Tình yêu thực sự không bắt đầu bằng cần, mà bắt đầu bằng không cần, không cần tức là có sẵn, vì có sẵn nên chỉ cho đi mà không đòi hỏi nhận lại.
Không có người yêu hoàn hảo và chính bạn cũng đâu có hoàn hảo. Những ai cố gắng tìm kiếm sự hoàn hảo trong mối quan hệ thường phải đối mặt với sự thất vọng và chán nản. Chúng ta rất hay vỡ mộng về các mối quan hệ. Bạn đã bao giờ để ý những người tin rằng các mối quan hệ phải hạnh phúc, phải thuần khiết, phải có khả năng tương thích hoàn hảo và không có xích mích đều là người độc thân kinh niên chưa? Cũng chính những người này thường khuyên bạn kết thúc mối quan hệ hiện tại và tìm kiếm người tốt hơn. Trong khi thực tế là, mối quan hệ của bạn chỉ đang có những xích mích thật sự vụn vặt.
Tình yêu là sở hữu
Những trải nghiệm sẽ không được khắc ghi nếu nó không tạo ra một vết tích, biểu hiện của những vết tích đó chính là những rung động cảm xúc. Cảm xúc dẫn đến sự ghi nhớ, ghi nhớ lưu lại thành ký ức, ký ức tạo ra sự gắn kết. Chỉ có mối quan hệ dựa trên cảm xúc mới tạo ra sự gắn kết. Ký ức của hai người gắn kết hai người, càng nhiều ký ức càng nhiều gắn kết.
Sự gắn kết tạo ra một ảo tưởng về sự sở hữu, cả hai thuộc về nhau và cùng hòa làm một tổng thể tinh thần. Sự gắn kết càng bền chặt thì sự chia tách càng đem lại tổn hại.
Đau đớn là vật lý, đau khổ là tâm lý. Đau đớn là biểu hiện của tổn thương thể xác, đau khổ là biểu hiện của tổn thương tinh thần. Vết thương thể xác hay vết thương tinh thần đều đến từ sự mất mát và tổn hại bên ngoài hay bên trong.
Khi một nửa rời đi ta giống như mất đi một nửa tinh thần vậy. Ai mất đi một phần thân thể mà không đau đớn, ai mất đi một phần tinh thần mà không đau khổ.
Mong muốn sở hữu một người khiến họ sở hữu ta. Khi ta muốn trói buộc người khác thì chính ta đang bị trói buộc bởi họ. Ta luôn bị cầm tù bởi những mong muốn của mình. Nhưng ngục tù đó không thể thoát ra bằng chống đối hay kìm nén, tự do đến từ việc chấp nhận.
Trong một mối quan hệ, ai nhận nhiều hơn người đó là người sở hữu. Ta cứ cố gắng theo đuổi ai đó để bị sở hữu và định đoạt. Tình yêu không phải là một thử thách, nó phải là thứ có sẵn mà không cần cố gắng. Chỉ khi nó không tồn tại ở đó nên khiến ta phải theo đuổi.
Quá trình của một tình yêu từ khi chớm nở đến khi lụi tàn?
Tình yêu không xảy ra theo một kế hoạch nào cả. Tình yêu xảy ra theo một cách tình cờ nhất. Tình yêu không bắt đầu bằng sự ấn tượng hay hào nhoáng, nó bắt đầu theo cách giản dị và tự nhiên nhất, qua một sự tiếp xúc thông thường, ta sẽ không ngờ tới và không có sự chuẩn bị nào.
Theo cách đó, nó không xuất phát từ động cơ hay chủ đích nào, không có kỳ vọng nào, hai tâm thế hoàn toàn tự do, không một lớp phòng thủ nào được dựng lên, không rào cản, không vỏ bọc, hai trung tâm có thể cảm thấy nhau một cách chân thật nhất, trần trụi nhất, bản chất nhất, chỉ khi đó, một sự kết nối sâu sắc mới xuất hiện. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, hai con người đang bước vào tình yêu nhưng họ không hay biết. Ta không thể nhận ra tình yêu khi nó đang xảy ra.
Trải qua khoảnh khắc ban đầu đó, ta bắt đầu hồi tưởng và trở nên rung động, tâm hồn ta bắt đầu thổn thức về những gì đã qua. Ta bắt đầu mê đắm vào những rung động, và mê đắm cả cái người đem lại cho ta những cảm xúc đó. Ta trở nên lệ thuộc vào nó. Ta muốn sở hữu, muốn kiểm soát. Từ sự sở hữu đó nảy sinh nỗi sợ mất đi, hoài nghi và ghen tuông, cùng vô số những xung đột mà nảy sinh từ sự sở hữu. Các lớp phòng thủ được dựng lên để che chắn những xung đột ấy. Hai con người trở nên đóng lại, hai trung tâm không còn cảm thấy nhau nữa, sự kết nối ban đầu mất đi, tình yêu không còn hiện diện. Hai con người ở lại với nhau, nhưng chỉ để níu giữ ký ức. Khi tình yêu không còn, thì lợi ích lên ngôi, mối quan hệ được đem lên bàn cân với những sự tính toán. Tình yêu đó bắt đầu theo cách tự nhiên, bùng cháy bởi cảm xúc và kết thúc bằng thực dụng.
Không phải tình yêu tự mất đi, mà vì cảm xúc đã thiêu rụi nó. Rõ ràng tình yêu không là cảm xúc. Cảm xúc liên tục thay đổi, nó đến và đi, nó không mang tính bền vững. Một con người của cảm xúc, một con người của đa cảm và đầy nước mắt, có thể trở nên bất ổn khi cảm xúc không được đáp ứng hoặc không có nơi tuôn trào. Nhưng tình yêu vẫn cứ mãi lệ thuộc vào nó. Nếu tình yêu là cảm xúc, vậy thì hãy đến với nhau theo một cách khác mà không phải vì tình yêu.
Mối quan hệ của chúng ta thường bắt đầu bằng một sự ảo tưởng đẹp đẽ. Khi một sự thân thiết ảo đối diện một thực tế gai góc, ta sẽ vỡ bung cùng bong bóng ảo đó. Khi sự gắn kết với ai đó đổ vỡ, khi sự kỳ vọng khiến ta vỡ mộng, một sự chống phá xuất hiện để tự vệ trước những đau đớn. Nó khiến ta thù ghét và chỉ muốn người khác bị hủy hoại.
Thứ tình yêu bền vững nhất có lẽ là thứ tình yêu không bao giờ có được. Nó phải là thứ ảo ảnh đẹp đẽ không thể kiểm chứng. Chân tướng xấu xí của nó không thể lộ diện và phải được che giấu mãi mãi.
Sự chung thủy
Sự dẫn dắt của lý trí thiếu đi sự tự nhiên vì nó toan tính, còn cảm xúc thì ngây ngô và chân thật. Những kẻ không hiểu bản chất của tình yêu thấy nó thật ngu ngốc và mất thời gian.
Nếu tình yêu được gắn kết bằng cảm xúc thì sự chung thủy trong tình yêu sẽ mất đi khi cảm xúc không còn. Cảm xúc của chúng ta luôn không ổn định, nó luôn nảy sinh và cũng luôn mất đi. Vì vậy, cảm xúc có thể nảy sinh hay mất đi với bất cứ ai. Bất cứ ai hiện diện trong trái tim của chúng ta luôn có thể bị thay thế. Nếu vậy thì sự chung thủy trong tình yêu có vẻ không thể tồn tại, hoặc nó chỉ được đảm bảo dựa trên giao kèo.
Tại sao chúng ta ưa thay đổi? Năng lượng tinh thần sinh ra khi ta phản ứng trước cảm nhận về một sự thay đổi. Nếu không có sự thay đổi, ta không thể cảm nhận được gì cả. Con người thích sự thay đổi, vì vậy mà sự lặp lại khiến ta phát chán. Tâm hồn ta được nuôi dưỡng bằng năng lượng tinh thần, nên ta luôn cần nó sản sinh thêm.
Khi cảm xúc ngọt ngào trong tình yêu bắt đầu phai nhạt và chai sạn thì đòi hỏi cuối cùng của chúng ta là gì? Chúng ta tìm kiếm thứ lâu dài và thực tế hơn, đó là trách nhiệm, quyền lợi và sự an toàn trong mối quan hệ. Chúng ta gọi đó là hôn nhân. Có lẽ thứ duy trì sự lâu bền trong hôn nhân còn là việc có chung mục đích, mục đích đó là tương lai. Trải qua giai đoạn bồng bột trong tình yêu thì chúng ta tìm kiếm tương lai trong một mối quan hệ. Nhưng liệu có một loại tình yêu lâu bền mà không có sự toan tính về lợi ích không?
Tình yêu được nuôi dưỡng bằng cảm xúc, nó sẽ phai nhạt đi nếu ta không liên tục chăm bón cho nó bằng lời nói và hành động. Cảm xúc luôn trở nên cũ kỹ, nên ta luôn phải tạo ra sự mới lạ. Vậy thì, điều gì mang tính ổn định trong tình yêu?
Tình yêu là sự quen thuộc. Ta có thể ở lâu với cái quen thuộc, nhưng không thể ở lâu cùng cái mới lạ. Cái mới lạ này rồi sẽ được thay bằng cái mới lạ khác. Nhưng sự quen thuộc khi ở gần thì thấy an toàn, khi ở xa thì luôn nghĩ về. Cái mới lạ luôn trở thành cũ kỹ, nhưng sự quen thuộc luôn tồn tại ở quá khứ, hiện tại và tương lai.
Cuộc sống là bất định và mọi thứ sẽ xảy đến một cách bất ngờ. Mọi cuộc tìm kiếm sự ổn định đều dẫn đến bế tắc. Ta ghét sự ngẫu hứng vì nó không ổn định và chung thuỷ. Nhưng sự ngẫu hứng mới là bản chất tự nhiên của vạn vật, chỉ vì ta cố gắng quy luật hoá theo những góc nhìn hạn hẹp nên luôn tự cố định bản thân vào những quy tắc. Rồi chính sức hút từ những quy tắc mà ta trở nên sợ hãi trước những gì vượt ra ngoài nó.
Ta ghét phản bội vì phản bội là sự thay đổi. Nhưng vì sự phản bội bị phán xét ta tìm cách giả dối. Nếu ta chịu nhìn vào tổng thể thì phản bội là một bản chất tự nhiên. Những gì mang tính tự nhiên luôn phản bội, vì tự nhiên luôn vận động, luôn dịch chuyển, luôn thay đổi, chỉ có ta là cứ mãi bám chấp và không chịu thích nghi.
Cảm xúc là những rung động tự nhiên nên nó không chung thuỷ, nó là nhất thời vì luôn thay đổi qua nhiều trạng thái. Chỉ có lý trí một cách máy móc và khô khan mới chung thủy theo những quy tắc. Ta bắt đầu với tình yêu bằng cảm xúc nhưng lại muốn nó chung thuỷ một cách lý trí. Chúng ta muốn chung thuỷ nhưng lại nhàm chán sự khô khan của nó. Không phải ta mất niềm tin vào tình yêu, mà là mất niềm tin vào cảm xúc, vì niềm tin được tạo nên bởi quy tắc. Vì vậy, tình yêu lý tưởng là thứ tình yêu không khô khan, nhưng cũng không phải cảm xúc.
Tình yêu gắn với vật chất
Đối với chúng ta, tình yêu dường như là thứ mà bọn trẻ hay nói đến, cuộc sống của người lớn quá thực dụng khiến chúng ta không tin rằng người lớn thực sự yêu nhau.
Chúng ta gọi tình yêu gắn với vật chất là tình yêu thực dụng, tình yêu có sự kết nối trong tâm trí là tình yêu tính cách. Tình yêu thực dụng là ham muốn vật chất, nó không hướng về con người. Họ xây dựng mối quan hệ dựa trên sự trao đổi về giá trị giữa hai bên, họ thoả hiệp với nhau. Chúng ta không cần lên án điều đó, vì đó là lựa chọn dựa trên bản năng sinh tồn. Đôi khi, tình yêu thực dụng lâu bền hơn tình yêu tính cách. Tình yêu tính cách không thể chiến thắng nhu cầu thiết yếu. Chúng ta vẫn từ bỏ tình yêu tính cách để lựa chọn tình yêu thực dụng. Điều này vẫn xảy ra thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta.
Trên đời này ai đủ ngu ngốc để ham nghèo. Nếu ai đó đến với ta chỉ vì vật chất, thì người đầu tiên cần xem xét phải là bản thân mình chứ, ta còn có giá trị nào khác ngoài vật chất.
Sự phụ thuộc trong tình yêu
Một số người khuyên rằng không nên dựa vào người khác để tìm niềm vui và hạnh phúc. Điều đó khiến bạn trở thành người phụ thuộc trong mối quan hệ. Nếu cứ sống theo cách như vậy, ta có thể cảm thấy kiệt sức và dễ đổ lỗi cho đối phương khi không cảm thấy hạnh phúc. Những người đã từng trải qua nỗi đau trước khi tìm được người phù hợp, thường có xu hướng đổ lỗi cho đối phương khi xảy ra mâu thuẫn. Họ cho rằng người yêu của họ là nguyên nhân khiến họ thất vọng nếu họ không cảm thấy hạnh phúc.
Nếu bạn đang hẹn hò với một người cũng cần bạn, thì sẽ là mối quan hệ phụ thuộc hai chiều. Cả hai đang ở trong một mối quan hệ mà không ai thực sự muốn tham gia. Có rất nhiều cặp đôi đang ở trong mối quan hệ phụ thuộc, nhưng đó không phải là những mối quan hệ lành mạnh nhất, và không phải là thứ mà chúng ta thường khao khát. Bởi vì, những mối quan hệ tốt đẹp nhất và lâu dài có xu hướng đến từ những người đã hạnh phúc từ trước đó.
Một người đang không hạnh phúc dựa vào một mối quan hệ để làm cho họ cuối cùng cũng hạnh phúc, thực tế là điều này chỉ làm giảm hạnh phúc của người kia. Các mối quan hệ phải là “nguồn” (thúc đẩy) hạnh phúc chứ không phải là nguồn gốc của hạnh phúc.
Những người nghĩ rằng “một khi tôi có được chiếc xe/nhà/công việc/mối quan hệ đó, tôi sẽ hạnh phúc” là những người bị lừa dối. Một khi họ có được những thứ đó, họ sẽ khao khát một thứ khác để lấp đầy khoảng trống mới bên trong họ.
Tôi chỉ muốn thời gian của chúng ta không bị lãng phí. Nếu bạn là một người đau khổ và bạn không biết chăm sóc cho bản thân mình thì đừng nghĩ rằng một mối quan hệ sẽ giải quyết được điều đó.
Chúng ta thường đi tìm những gì mình còn thiếu ở người khác. Điều này khiến tình yêu mang đầy sự tính toán. Họ tìm kiếm người yêu chỉ để giải quyết những vấn đề cá nhân. Nó có thể dẫn đến việc chúng ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào người đó và không đủ tập trung vào việc phát triển bản thân.
Những ai đi tìm một mối quan hệ với mục đích để cần họ và phụ thuộc vào họ, thường sẽ thu hút những người có xu hướng kiểm soát hoặc lợi dụng người khác.
Có hai kiểu người trong tình yêu. Một người đi tìm người khác mình. Một người đi tìm người giống mình. Kiểu thứ nhất đi tìm một người để nương tựa, dựa dẫm và phụ thuộc. Họ ám ảnh bởi những khuyết thiếu của mình và luôn cần một người để bù đắp. Kiểu thứ hai thường là những người tự lập và có thể tự hạnh phúc với chính mình. Điều họ tìm kiếm tuy không ràng buộc nhưng lại là sự đồng hành lý tưởng. Họ luôn đi cùng nhau vì có cùng một định hướng, cùng một mong muốn, cùng một sở thích,… Họ không đòi hỏi gì ở nhau nhưng lại tự nguyện ở bên nhau bởi sự đồng điệu và thấu hiểu.
Tình yêu không thể phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, mà phải độc lập từ bên trong. Ta chỉ có thể độc lập khi ở trong sự dư thừa và hài lòng, vì tình yêu đối lập với tham lam, tình yêu là mong muốn cho đi. Ta phải trở nên dư thừa để cho đi một cách miễn phí không đòi hỏi, và sự hài lòng tạo nên bao dung, mới có thể tạo nên tình yêu không vụ lợi và không phán xét. Khi đó, lựa chọn bên nhau là sự cộng hưởng thay vì bù đắp.